Ý kiến phụ huynh: Mất niềm tin với học tiếng Anh liên kết

(Dân trí) - Cho con học ngoại ngữ là một nhu cầu tất yếu của phụ huynh bởi trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay chỉ cần giỏi ngoại ngữ thì cơ hội việc làm rất rộng mở. Với suy nghĩ đó nhiều gia đình, phụ huynh đã đầu tư cho con học ngoại ngữ từ rất sớm.

Ngoài mạng lưới trung tâm ngoại ngữ dày đặc ở các thành phố lớn hiện nay, các nhà trường cũng đã hợp tác, liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để dạy cho học sinh ngay tại trường. Từ mẫu giáo, tiểu học đến THCS đều có các chương trình dạy ngoại ngữ theo hình thức liên kết như vậy.

Có thể thấy, mô hình này cũng mang lại một số tiện ích cho học sinh và phụ huynh. Thay vì phải “đau đầu” lựa chọn một trung tâm ngoại ngữ có uy tín thì phụ huynh có thể an tâm bởi các trung tâm ngoại ngữ liên kết với nhà trường đã được các cấp có thẩm quyền thẩm định. Con học ngoại ngữ tại trường cũng giúp phụ huynh tiết kiệm được khoảng thời gian đưa đi đón về. Tuy nhiên, ngoài một số thuận lợi trên, việc học ngoại ngữ cụ thể là tiếng Anh liên kết trong các nhà trường, nhất là ở bậc Tiểu học hiện nay chưa thực sự hiệu quả.

Theo quy định thì học sinh sẽ bắt đầu được học tiếng Anh chính thức trong chương trình giáo dục từ năm lớp 3 nhưng việc học ngoại ngữ thực tế đã diễn ra ngay từ bậc mẫu giáo đến các lớp 1, 2 bậc Tiểu học. Đầu năm học, nhà trường thường thông báo phụ huynh nào có nhu cầu cho con học ngoại ngữ thì đăng ký với giáo viên chủ nhiệm vì đây là học tự nguyện, không bắt buộc. Song, dù muốn hay không thì hầu hết phụ huynh vẫn phải đăng ký cho con học ngoại ngữ. Lý do là bởi thời gian học ngoại ngữ được xếp đan xen vào giữa các buổi học chính khóa. Nếu các con không đăng ký học thì chúng sẽ đi đâu, làm gì, ai quản lý con trong thời gian đó.

Việc bố trí thời gian học ngoại ngữ tự nguyện đan xen vào giữa các tiết học chính khóa chẳng khác gì “đánh đố” phụ huynh. Vì có phụ huynh đã cho con đi học từ trước ở các trung tâm bên ngoài nên không có nhu cầu học ở trường. Có phụ huynh cho rằng con vừa vào lớp 1 thì ưu tiên nhất vẫn là học chữ nên chưa vội học ngoại ngữ... Có phụ huynh lại sợ việc học ngoại ngữ sớm sẽ tăng thêm áp lực cho con, dẫn đến việc học chữ không hiệu quả.

Bản thân tôi cũng từng ở trong hoàn cảnh đó, không muốn cho con học ngoại ngữ để tập trung vào việc học chữ. Nhưng vì cô giáo chủ nhiệm lớp mong muốn 100% phụ huynh đăng ký cho con học để thuận lợi cho việc quản lý học sinh của cô nên tôi cũng đăng ký cho con học. Theo lời cô, khi học ngoại ngữ học sinh sẽ đến học ở phòng học riêng, những bạn không học ở lại lớp thì cô giáo phải trông coi. Các bạn đi học mà chỉ một vài bạn ở lại lớp với nhau cũng sẽ buồn, ảnh hưởng đến tâm lý học tập. Cô động viên phụ huynh rằng học phí hàng tháng cũng không cao nên bố mẹ cố gắng cho con học, vừa tốt cho con lại vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cô giáo.

Chính vì vậy, hết phân vân khi đăng ký học cho con xong phụ huynh sẽ lại tiếp tục phải đắn đo xem chất lượng dạy rao sao. Như ở trường con tôi đang học, với chương trình liên kết là Dyned, thì tôi hoàn toàn không được cung cấp gì về nội dung chương trình học, phương pháp dạy học của trung tâm. Chỉ biết mỗi tuần con được học 2 tiết và có một cuốn giáo trình hỗ trợ. Con không bao giờ có phiếu bài tập môn tiếng Anh về nhà nên bố mẹ càng không biết con học hành ra sao.

Kiểm tra, hỏi han xem con học được gì ở lớp thì con cũng ấp a ấp úng, nhớ nhớ quên quên, gần như không “gặt hái” được gì. Một số phụ huynh khác cũng chia sẻ: Con học tiếng Anh mà như không học vì hỏi gì cũng không biết. Chị hàng xóm nhà tôi vừa cho con học tiếng Anh ở trường vừa cho con đi học ở trung tâm. Chị bảo rằng: “Học ở trường theo phong trào thôi, cho con đi học ở trung tâm mới biết rõ con học gì, trình độ như nào em ạ”!

Hết năm học lớp 1, tôi cũng không nhận được thông báo đánh giá hay nhận xét về tình hình học tập môn tiếng Anh của con. Mặc dù xác định cho con học “cho biết”, để làm quen dần với ngoại ngữ nhưng việc “mập mờ” về chương trình giảng dạy và đánh giá hiệu quả học tập của trung tâm ngoại ngữ khiến tôi cảm thấy sự đầu tư của mình không mang lại hiệu quả.

Thế nhưng, cũng vì ý niệm học theo “phong trào”, vì sợ con bị lẻ loi một mình trong những tiết học tiếng Anh, sợ việc con không học tiếng Anh sẽ gây phiền hà cho cô giáo chủ nhiệm. Khi con lên lớp 2 tôi tiếp tục “tự nguyện” đăng ký học tiếp tiếng Anh liên kết với hy vọng con lớn hơn thì sẽ tiếp thu bài học tốt hơn, hiệu quả học tập cũng sẽ cải thiện hơn.

Thiết nghĩ, nếu việc học ngoại ngữ đã phổ biến và trở thành một môn học nằm trong thời khóa biểu của các nhà trường thì tại sao ngành giáo dục không đưa ngoại ngữ vào chương trình học chính khóa ngay từ lớp 1. Như vậy sẽ không còn tình trạng học ngoại ngữ liên kết gắn mác tự nguyện mà như “ép buộc” làm khó phụ huynh, chất lượng học ngoại ngữ cũng được quản lý tốt hơn.

Đỗ Quyên

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!