Xúc động ngày trở về của các thế hệ thầy và trò trường đại học Kinh tế Quốc dân

(Dân trí) - Khán giả như được sống trong nhiều năm về trước với ba chương Kí ức thời gian, Kết nối tri thức và Vững bước tương lai của chương trình Giao lưu các thế hệ thầy và trò “Kiêu hãnh đại học Kinh tế Quốc dân” hướng tới đại lễ 60 năm thành lập trường tổ chức tối 12/11.

a1-1478918289856

Ngày hội trọng đại này nhận được sự quan tâm của đông đảo sinh viên của trường

Tham dự chương trình có ông Ngô Văn Dụ - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương; ông Vongsack Phanthavong Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần quân đội Lào; ông Trần Thọ Đạt - Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng nhà trường; các thầy cô nguyên lãnh đạo nhà trường qua các thời kì, các thế hệ cựu sinh viên và hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu viên đang học tập và hoạt động ở trường.

Trong không khí long trọng của buổi lễ, GS.TS Trần Thọ Đạt - Hiệu trưởng nhà trường đã đọc diễn văn điểm lại hành trình đầy tự hào 60 năm của trường: “Trường đại học Kinh tế Quốc dân hiện diện là một trường trọng điểm quốc gia, trường đại học hàng đầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, tư vấn có uy tín về kinh tế, kinh doanh và quản lí của đất nước”. Ông cũng khẳng định vị thế và hình ảnh đó là thành quả của sự kết tinh, tích lũy thành quả của các thế hệ thầy cô giáo. Cũng trong dịp này, ông bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc những cống hiến của các thế hệ đi trước.

Thay mặt Ban lãnh đạo nhà trường, ông Trần Thọ Đạt phát biểu mở đầu chương trình
Thay mặt Ban lãnh đạo nhà trường, ông Trần Thọ Đạt phát biểu mở đầu chương trình
Tặng hoa và bằng khen tri ân các thế hệ đã có nhiều xây dựng, cống hiến cho ngôi trường lịch sử
Tặng hoa và bằng khen tri ân các thế hệ đã có nhiều xây dựng, cống hiến cho ngôi trường lịch sử

Buổi giao lưu còn là dịp ông Ngô Văn Dụ - cựu sinh viên kể lại những kỉ niệm trong thời kì trường đi sơ tán. Thời gian ấy, điều kiện cơ sở vật chất cũng như đời sống vô cùng khó khăn tất cả phải dựa vào dân nên cán bộ, giáo viên, sinh viên ở nhờ nhà dân học tập và sinh hoạt. Nhân dân khu vực hết lòng yêu thương, sẵn sàng “nhường cơm sẻ áo” tạo điều kiện tốt nhất cho nhà sinh viên và nhà trường. Ông Dụ bồi hồi nhớ lại những năm khó khăn: “Sinh viên hồi đó đói, đói lắm. Nửa đêm rét mướt học bài được gia đình mang cho vài củ khoai hay sắn luộc. Lúc bấy giờ sao mà thấy vô cùng quý báu!”.

Khán giả còn được chứng kiến sự gặp mặt, đầy xúc động của chàng sinh viên khi xưa với cụ Ước- gia đình đã cưu mang ông thuở ấy mà chương trình đã bất ngờ sắp xếp.

Gặp lại những người con mình đã cưu mang năm xưa, mẹ Ước rất vui mừng, hạnh phúc không cầm được những giọt nước mắt. Được hỏi lí do tại sao khi nhà mình hồi đó nghèo và khó khăn mà cụ vẫn nhận sinh viên về ở cùng gia đình, cụ cười: “Bởi vì tôi coi các anh như con trai tôi!”.

Cụ Ước là người mà ông Dụ coi như người thầy, người mẹ.
Cụ Ước là người mà ông Dụ coi như người thầy, người mẹ.

Đây còn là cơ hội gặp mặt sau nhiều năm kể từ ngày ra trường của các cựu sinh viên. Họ ngồi lại tâm sự và cùng nhau bồi hồi, nghẹn ngào nhớ lại những câu chuyện gần gũi về tình thầy trò, kỉ niệm bạn bè gắn bó với họ suốt quãng đời sinh viên.

Chương trình giao lưu hướng tới 60 năm ngày truyền thống nhà trường khép lại trong những lời chúc chân thành của du học sinh, cựu sinh viên, các bạn sinh viên và toàn thể các thế hệ thầy trò luôn hướng về mái trường lịch sử tự hào.

Kỳ Duyên