Xúc động hình ảnh học sinh ngồi bệt đón khai giảng tại bản nghèo nhất Đắk Nông

(Dân trí) - Đọc xong bức thư chúc mừng năm học mới của Chủ tịch nước trong ngày khai giảng, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính nghẹn ngào hỏi học sinh: “Từ trước tới nay các em chưa từng nghe thấy tiếng trống, nhưng bắt đầu từ năm nay các em đã có trường đẹp, có trống mới để gọi học sinh vào lớp, các em có vui không?”...

Khai giảng ở nơi thiếu ánh nắng mặt trời

Trước giờ khai giảng, học sinh của hai bản Đoàn Kết, Tân Lập đã tập trung đông đủ dưới sân Trường Tiểu học Vừ A Dính (xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Hôm nay trời tạnh ráo sau chuỗi ngày mưa dầm khiến tất thảy giáo viên, phụ huynh và học sinh đều rạng rỡ, vui vẻ.

Thầy Hoàng Văn Quyết, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Vừ A Dính cho biết: “Trường được thành lập từ năm ngoái nhưng đây là năm đầu tiên nhà trường tổ chức lễ khai giảng trang trọng và ý nghĩa như thế này.

Nếu như những năm trước, học sinh phải đi cả 30km mới đến được điểm chính thì bây giờ đoạn đường rút ngắn chỉ còn một nửa, thầy trò chúng tôi hạnh phúc lắm!”.


Hình ảnh các em học sinh ngồi bệt háo hức trong lễ khai giảng lần đầu trong đời đối với phần lớn các em.

Hình ảnh các em học sinh ngồi bệt háo hức trong lễ khai giảng lần đầu trong đời đối với phần lớn các em.

Nói rồi, thầy Quyết phân trần, Tân Lập và Đoàn Kết có thể coi là hai bản nghèo nhất tỉnh Đắk Nông với hơn 90% là người đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó phần lớn là hộ nghèo.

Ba tháng vừa qua, không ngày nào ở đây không mưa, mưa từ sáng đến tối, mưa từ ngày này qua ngày khác. Mưa nhiều, khiến con đường độc đạo nối liền hai bản không còn là đường nữa vì đất nhão nhoẹt và đầy sình lầy.

Chính vì vậy, càng gần đến ngày khai giảng, thầy cô giáo của Trường Tiểu học Vừ A Dính lại càng thấp thỏm khi cơn mưa vẫn chưa chịu dứt.

“Những tháng hè, thầy cô giáo vẫn phải đi lại giữa hai bản này, một là để trông coi, cải tạo lại trường; hai là vận động học sinh để các em đi học đầy đủ khi vào đầu năm học mới.

Có thời gian, không một chiếc xe máy nào đi được trên con đường nối liền hai bản, giáo viên đã vào là không còn đường ra, phải “chôn chân” ở đó hai ba tuần liền, chờ ngày tạnh ráo thì đi ủng, lội bộ ra ngoài xã”, thầy Quyết kể.

Lần đầu tiên, học sinh hai bản nghèo nhất Đắk nông được tổ chức lễ khai giảng trang trọng, ý nghĩa
Lần đầu tiên, học sinh hai bản nghèo nhất Đắk nông được tổ chức lễ khai giảng trang trọng, ý nghĩa

Ánh mắt của thầy Quyết bỗng rạng rỡ hơn khi chỉ tay về vạt nắng hắt vào căn phòng làm việc của mình. Thầy hồ hởi: “Đấy, thế mà ba hôm nay lại có nắng. Nắng chỉ ít thôi nhưng cũng đủ để con đường khô lại một chút, đủ để tâm trạng mọi người phấn chấn lên …và đặc biệt đủ để cho học sinh của hai bản tề tựu lại đây đông đủ ngày khai giảng”.

Giáo viên gọi học sinh đến trường

Đối với cả thầy và trò của trường Tiểu học Vừ A Dính, lễ khai giảng đầu tiên tại ngôi trường mới thành lập rất ấm cúng và vui vẻ. Tuy nhiên, để học sinh đến dự ngày hội khai trường này, nhiều giáo viên phải dậy từ sớm, đến từng nhà học sinh để gọi các em.

Hơn 5 giờ sáng, sương mờ vẫn giăng kín khắp bản, thi thoảng mới có một số căn nhà sáng đèn. Thế vậy mà, ở ngoài đường đã nghe râm ran cuộc nói chuyện giữa mấy thầy cô điểm trường Đoàn Kết với trưởng bản Tráng A Dơ và bí thư chi bộ Lê Văn Cần. Đó là các thầy cô giáo đang phân công nhau đến nhà một số học sinh để gọi các em đi khai giảng.

Học sinh đến trường ngày khai giảng
Học sinh đến trường ngày khai giảng

“Mưa nhiều quá, thành thử ra học sinh “ngại” đến trường, chúng em thống nhất với cán bộ thôn là sẽ đến từng nhà vận động các em đi khai giảng. Cũng nản lắm chứ, đáng lẽ giáo viên chúng em phải tập trung ở điểm trường chính để chuẩn bị khai giảng, nhưng chúng em xin nhà trường ở lại bản để sáng cùng đi với học sinh.

Cứ nghĩ đến cảnh toàn trường tập trung đông đủ, học sinh háo hức vui tươi, giáo viên chúng em lại có động lực đến từng nhà để gọi học sinh”, nữ giáo viên 24 tuổi, Tạ Thị Thúy lành tâm sự.

Đúng 6 giờ sáng, thầy trò điểm trưởng Đoàn Kết bắt đầu đi bộ ra điểm trường chính tại bản Tân Lập. “Mọi hôm đi mệt lắm anh ạ, đi một lúc là phải nghỉ tạm bên vệ đường. Thế mà hôm nay khỏe thật, chắc sáng nay ăn chắc dạ nên cứ băng băng lội bùn đất mà đi”, cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên tại điểm trường bản Đoàn Kết nói đùa với chúng tôi trên con đường dài gần 10km đến điểm trường chính.


Nhiều thầy cô bám bản đến tận sáng 5/9 để vận động học sinh đi khai giảng

Nhiều thầy cô bám bản đến tận sáng 5/9 để vận động học sinh đi khai giảng

Cô Hà cùng 4 thầy cô khác phải lội bộ từ bản Đoàn Kết ra đến đầu bản Tân Lập rồi mới có người khác đón. Hôm nay, hành trình đến trường không chỉ có các thầy cô mà còn có rất nhiều em học sinh khác, nên đoạn đường heo hút hàng ngày nay bỗng rộn rã tiếng cười nói.

Nữ giáo viên gạt vội mấy giọt mồ hôi trên trán rồi hóm hỉnh giới thiệu cho chúng tôi nhóm 5 đứa trẻ đang đi đầu tiên: “Dẫn đầu đoàn là anh em nhà Vàng Seo Sủng, chúng nó học khá lắm, lại khỏe nên háo hức chạy trước.

Tối qua trời có mưa nhỏ, mấy đứa trẻ sợ đi đường lầy, quần áo đẹp sẽ bị bẩn nên bỏ vào một cái bọc mang theo trên người, đến trường mới lấy ra mặc”.

Phút nghỉ ngơi của cô trò trên đường đến trường khai giảng
Phút nghỉ ngơi của cô trò trên đường đến trường khai giảng

Vượt qua đoạn đường gần 10km gồ ghề, lầy lội thầy trò của bản Đoàn kết mới điểm trường chính khi đồng hồ đã báo hơn 7h. Năm học này, Trường tiểu học Vừ A Dính có gần 500 học sinh các cấp, việc trường lần đầu tiên được tổ chức khai giảng đã tạo thuận lợi rất nhiều cho cả giáo viên lẫn phụ huynh.

Ban giám hiệu nhà trường hy vọng, năm học mới, toàn thể thầy cô giáo và học sinh sẽ vượt qua những khó khăn về kinh tế, cơ sở vật chất để có một năm thành công.

Dương Phong