Khánh Hòa:

Xúc động câu chuyện về nữ giáo viên xin quần áo cũ, sách vở cho học sinh

(Dân trí) - Câu chuyện cảm động đã qua mười mấy năm nhưng đến bây giờ và có lẽ suốt cuộc đời này, nữ giáo viên không thể quên. Năm ấy, cô nhận một lớp học mà đa phần hoàn cảnh gia đình các em khó khăn, trong đó có 11 em là học sinh dân tộc thiểu số.

Nhìn học trò với áo quần đen nhẻm, tóc tai bù xù, cô không khỏi bỡ ngỡ. Thế nhưng, thương các em thiếu thốn, cô đã đến nhà người quen xin quần áo cũ, sách vở cho các em học.

Đó là câu chuyện xúc động về cô Hồ Nguyễn Nguyên Lan, Trường Tiểu học Cam Lộc 2, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Chia sẻ về lý do chọn học ngành Sư phạm, cô Lan bồi hồi cho biết: Ngay từ thời học sinh tiểu học, bản thân cô chỉ có một mong muốn duy nhất là lớn lên sẽ trở thành cô giáo.

“Chẳng nhớ và hiểu rõ đâu là lý do để tôi theo đuổi ngành Sư phạm. Có lẽ, những hình ảnh của những cô, thầy giáo tận tình, thương yêu và dạy dỗ tôi qua từng năm học đã giúp tôi có sự lựa chọn, định hướng nghề nghiệp cho tương lai”, cô Lan bộc bạch.

Nữ giáo viên Hồ Nguyễn Nguyên Lan trong một buổi dạy học của mình - (Ảnh: NVCC)
Nữ giáo viên Hồ Nguyễn Nguyên Lan trong một buổi dạy học của mình - (Ảnh: NVCC)

Theo cô, mỗi thầy, cô giáo chính là tấm gương cho cô noi theo, phấn đấu học tập, rèn luyện. “Tôi xin mượn mấy vần thơ trong bài Trồng cây xanh của Định Hải, nhà thơ có nhiều tác phẩm thành công viết cho lứa tuổi học trò để nói đến nghề của mình:

"Những hàng cây xanh tôi trồng, tôi tưới

Đang bắt rễ vào lòng đất phì nhiêu

Đang cuốn nhựa xanh lên cành lá mới

Những học trò tôi đó rất thương yêu”

Nữ giáo viên cho biết, đến nay đã có 15 năm dạy cho học sinh tiểu học. Nói về những khó khăn trong việc dạy học cho học sinh tiểu học, cô kể rằng, một trong những khó khăn đã từng trải qua, đó là vận động học sinh bỏ học đến trường, dạy học sinh khuyết tật, tìm hiểu tâm tư tình cảm, sở trường của học sinh để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp...

“Những khó khăn mỗi năm mỗi khác nhưng rồi cũng vượt qua để dìu dắt các em đến bến đỗ thành công. Để vượt qua khó khăn ấy không thể thiếu sự yêu nghề, mến trẻ. Đồng thời, bên cạnh tôi còn còn sự giúp sức không nhỏ của đồng nghiệp, Ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh và gia đình”, cô tâm sự.

Là một giáo viên lâu năm, cô Nguyên Lan nhận thấy rằng, mỗi lứa tuổi học sinh đều có đặc điểm tâm sinh lí khác nhau. Do đó, sự khác biệt trong việc dạy học cho học sinh tiểu học và các lứa học sinh khác, đó là: nếu như ở bậc mầm non hoạt động chủ đạo của trẻ là vui chơi, thì đến tuổi tiểu học hoạt động chủ đạo của trẻ đã có sự thay đổi về chất, chuyển từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập.

“Dạy học sinh tiểu học là vừa dạy kiến thức, kĩ năng sống, cách cư xử, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hợp tác... vừa dỗ dành các em. Cô giáo chính là người mẹ thứ hai của học sinh”, nữ giáo viên xúc động chia sẻ.

Chia sẻ bí quyết để trở thành một giáo viên tiểu học giỏi, cô Lan “bật mí”, đó là: ngoài sự nỗ lực của bản thân, học từ anh chị đồng nghiệp có kinh nghiệm, thường xuyên thay đổi phương pháp, hình thức dạy học; thực dạy để đồng nghiệp có kinh nghiệm góp ý…

Cô Lan (áo tím) nhận giấy khen cho các GV đạt xuất sắc hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp thành phố - (Ảnh: NVCC)
Cô Lan (áo tím) nhận giấy khen cho các GV đạt xuất sắc hội thi giáo viên dạy giỏi tiểu học cấp thành phố - (Ảnh: NVCC)

Nữ giáo viên tâm sự, trải qua 15 năm làm cô giáo với biết bao kỉ niệm, vui có buồn có. Nhưng có một kỉ niệm mà cô đau đáu trong tim và có lẽ cô cũng sẽ mang theo suốt cả cuộc đời.

Chuyện xảy ra vào năm học 2003- 2004. Năm ấy, cô công tác tại Trường tiểu học Cam Phước Đông 2, cách trung tâm thành phố 5km và được phân công chủ nhiệm lớp 5/3.

“Lần đầu tiên nhận lớp, tôi cảm thấy hụt hẫng. Bởi vì những năm ngồi ở giảng đường, tôi cứ nghĩ học trò của mình là những cô bé, cậu bé dễ thương, xinh xắn. Thế nhưng, lớp tôi có 29 học sinh trong đó có 11 em là học sinh dân tộc thiểu số. Đời sống gia đình các em khó khăn, đa số là trồng rau và làm rẫy. Việc học của các em hầu hết là khoán trắng cho nhà trường”, cô bồi hồi.

Ký ức về những học trò cũ năm ấy là mỗi khi các em đến lớp áo quần thì đen nhẻm, tóc tai bù xù, thiếu sách vở, đồ dùng học tập. “Một tuần, rồi hai tuần trôi qua, hết những bỡ ngỡ ban đầu, tôi cảm thấy gần gũi và cảm động bởi sự chân chất, thật thà”, cô kể.

Thương các em thiếu thốn, cô đã đến nhà người quen xin quần áo cũ, mang sách vở, đồ dùng học tập lên cho các em. Cô còn nhớ, sau Tết năm ấy, em Cao Văn Khôi nghỉ học vì phải ở nhà phụ mẹ bán rau kiếm tiền. Qua thời gian động viên, cuối cùng Khôi đã đến trường.

“Giáo viên không chỉ là người thầy mà còn là người mẹ, người chị, người bạn lớn dạy các em nhiều điều tốt đẹp”, cô Lan xúc động chia sẻ với PV Dân trí.

Từ năm học 2012-2013 đến nay, cô Lan đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở; 2 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp thành phố Cam Ranh; 1 lần đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi xuất sắc cấp tỉnh; 1 lần đạt danh hiệu Giáo viên chủ nhiệm giỏi (giải Nhất) cấp thành phố; được tặng thưởng 1 Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; được tặng thưởng 3 Giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố Cam Ranh.

Thủy Nguyên

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục