Xôn xao dư luận về lớp học kích não trẻ và câu hỏi lương sinh viên khởi điểm 2000 USD

(Dân trí) - Những sự kiện giáo dục đã gây xôn xao dư luận tuần qua như lớp học kích não biến con thành "thiên tài"; học thế nào để có lương khởi điểm 2.000 USD?; hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp trong cả nước; luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế...

Xôn xao lớp học kích não để con trở thành thiên tài

Theo lời quảng cáo, sau hai ngày được “kích hoạt não” với gần 9 triệu đồng, con bạn có thể sẽ trở thành một thiên tài (!?). Theo học lớp này, trẻ có thể xem hình, đọc sách, chơi cờ, đi lại trên phố, làm việc mà không cần nhìn bằng mắt. Học đến phần 2 trẻ có thể có thần giao cách cảm, ngồi ở lớp mà vẫn biết bố mẹ đang làm gì ở nhà...


Học sinh trong lớp học kích não

Học sinh trong lớp học kích não

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: "Đến nay, Bộ không cấp phép bất kỳ lớp học nào như thế này".

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã đến kiểm tra tại lớp học kích não. Đánh giá về mặt y học, GS Tiến cũng khẳng định: “Những phương pháp để “kích não” phát triển, để em bé trở thành thiên tài như vậy là hoang tưởng, hoang đường. Hành vi này mang tính lừa lọc. Người dân cả tin nghe theo thì mất tiền, mất thời gian, còn không có cơ sở khoa học gì để khẳng định hiệu quả kích thích trí não phát triển từ những phương pháp trên”.

Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT đã làm việc bước đầu với Trung tâm Kích hoạt não giữa MBM Education thuộc công ty Cổ phần MidBrain Activation (269A Nguyễn Trọng Tuyển, P.10, Q.Phú Nhuận, TPHCM) về nội dung liên quan đến chương trình “kích hoạt não” dạy trẻ thành thiên tài. Đây là công ty “mẹ” của chi nhánh Trí tuệ Việt có địa chỉ tại phố Thái Hà, Hà Nội.

Sau cuộc làm việc, theo lãnh đạo Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP Hồ Chí Minh đã làm báo cáo và kiến nghị đối với hoạt động của công ty này để lãnh đạo Bộ có ý kiến chỉ đạo.

Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TPHCM cũng cho biết Sở chưa từng cấp phép cho trung tâm này hoạt động.

Hiện tại, trung tâm kích hoạt não có địa chỉ tại phố Thái Hà (quận Đống Đa, Hà Nội) đã đóng cửa. Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Đống Đa, nếu có trường hợp trung tâm thu tiền của phụ huynh học sinh nhưng đóng cửa hoạt động, Phòng sẽ báo cáo với lãnh đạo Quận để yêu cầu Trung tâm trả lại tiền hoặc có biện pháp xử lý phù hợp.

“Học thế nào để có lương khởi điểm 2.000 USD?”

Trong buổi tọa đàm "Vai trò và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xã hội thông tin" diễn ra tại Học viện Kỹ thuật mật mã chiều ngày 29/11, sinh viên năm 3 ngành An toàn thông tin Phạm Thị Thanh đã đặt câu hỏi cho các nhà tuyển dụng: "Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 đô la/tháng?".


Nữ sinh Phạm Thị Thanh

Nữ sinh Phạm Thị Thanh

Câu hỏi này không chỉ “đốt nóng” bầu không khí hội trường buổi tọa đàm với nhiều tham luận mà còn trở thành chủ đề tranh cãi trên mạng xã hội trong những ngày gần đây.

Có vẻ như, câu hỏi của Thanh đã gợi lên một chủ đề rất được xã hội nói chung và người trẻ nói riêng quan tâm. Trên mạng xã hội, có người nói rằng sinh viên Phạm Thị Thanh là một điển hình của những thanh niên có tinh thần cầu tiến và tự tin.

Nhưng cũng có người cho rằng nữ sinh này quá tham vọng, thiếu thực tế. Lại có người thẳng tay “ném đá” Thanh rằng cô quá “ảo tưởng sức mạnh” bởi sinh viên mới ra trường có được mức lương 2.000 USD là quá xa vời.

Chủ nhân của câu hỏi gây “sốt” là Phạm Thị Thanh tiếp nhận rất nhiều lời đáp của dư luận. Cô cảm ơn những ý kiến đóng góp và bày tỏ trên Facebook cá nhân: “Có rất nhiều ý kiến trái chiều nhưng bên cạnh đó cũng không ít ý kiến đồng thuận, ủng hộ em. Bản thân em khi đưa ra câu hỏi này cũng đã suy nghĩ rất kỹ”.

Hơn 1,1 triệu lao động thất nghiệp trong cả nước

Theo ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), so với quý 2/2016, tỉ lệ thất nghiệp quý 3/2016 tăng số lượng và tỷ lệ. Cả nước có 1.117,7 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29 nghìn người so với quý 2/2016.

Theo đó, tỉ lệ thất nghiệp trên tăng cao nhất là ở nhóm thanh niên, người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất.

Ông Đào Quang Vinh cho biết: “Trong số những người thất nghiệp, gồm: 456,1 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật, nhiều nhất ở các nhóm trình độ đại học trở lên 202,3 nghìn người, nhóm cao đẳng chuyên nghiệp với 122,4 nghìn người và nhóm trung cấp chuyên nghiệp với 73,8 nghìn người”.

Khảo sát của nhóm nghiên cứu cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở nhóm có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp với 8,36%, tăng mạnh so với quý trước. Tiếp theo là nhóm đại học trở lên (4,22%) và trung cấp chuyên nghiệp (3,79%).

Kiểm điểm cán bộ Bộ GD&ĐT viết tài liệu ôn thi

Ngay sau khi có phản ánh về việc một số sách ôn thi xuất hiện trên thị trường có tên tác giả là một số cán bộ đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.

Thứ trưởng Ga khẳng định, Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn, không chủ trương phát hành tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các kì thi.

Tuy nhiên, ngay sau khi có phản ánh của báo chí về việc một số sách ôn thi xuất hiện trên thị trường có tên tác giả là một số cán bộ đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ, Bộ đã kiểm tra, xác minh và khẳng định, các cán bộ này chỉ tham gia với tư cách cá nhân như các tác giả khác, không liên quan đến việc chỉ đạo chuyên môn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD&ĐT. Nên nội dung của các cuốn sách này cũng chỉ có giá trị tham khảo như các sách tham khảo khác có trên thị trường.

Tuy nhiên việc cán bộ của Bộ tham gia xuất bản sách nói trên dù với tư cách cá nhân cũng không phù hợp với chủ trương của Bộ GD&ĐT. Vì thế Bộ đã yêu cầu các cá nhân này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm. Bộ sẽ xem xét và có hình thức xử lý phù hợp (nếu có vi phạm).

Xôn xao dư luận về lớp học kích não trẻ và câu hỏi lương sinh viên khởi điểm 2000 USD - 3

TPHCM "chữa" bệnh dạy thêm, học thêm

UBND TPHCM vừa có báo cáo về tình hình quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. Theo UBND TPHCM, dạy thêm, học thêm xuất phát từ nhu cầu chính đáng của phụ huynh, học sinh (HS) và giáo viên.

Về giải pháp trước mắt, UBND TPHCM yêu cầu các nhà trường đẩy mạnh công tác kiểm tra thường xuyên giờ học chính khóa nhằm ngăn chặn tình trạng dạy không đủ kiến thức, khiến HS phải đi học thêm. Đồng thời, thực hiện công tác phụ đạo cho HS yếu và bồi dưỡng cho HS giỏi không thu phí.

Về giải pháp quản lý, UBND TPHCM yêu cầu việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường chỉ được tổ chức trên cơ sở tự nguyện tham gia của HS; phân chia lớp học theo trình độ HS. Đặc biệt, HS được lựa chọn giáo viên để theo học. Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm toàn diện về việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp dạy thêm không đúng quy định.

Luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế

Đó là câu trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng trước vấn đề chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam đang được dư luận quan tâm, sẽ có những giải pháp nào để khắc phục?

Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, trước tình trạng này, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT rà soát lại các quy định hiện hành về đào tạo tiến sĩ để điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Bộ GD&ĐT đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, đang tích cực hoàn thiện quy chế đào tạo, bảo đảm tính tự chủ và đề cao trách nhiệm giải trình của các cơ sở đào tạo; đề ra các yêu cầu cụ thể ở mức cao hơn về ngoại ngữ, công bố khoa học đối với ứng viên dự tuyển, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn; quy định rõ về trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong việc quản lý nghiên cứu sinh, trách nhiệm của Hội đồng chấm luận án, của người hướng dẫn và nghiên cứu sinh.

"Luận án tiến sĩ phải thực sự là một công trình nghiên cứu khoa học, có những điểm mới, có công bố quốc tế và được đánh giá kết quả nghiên cứu một cách khách quan" - ông Dũng nhấn mạnh.

Nhật Hồng (tổng hợp)