Bạn đọc viết:

Xin đừng cách ly trẻ với gia đình

(Dân trí) - Bản thân tôi cũng đã từng thoái thác trách nhiệm giáo dục khi con hư. Cậu con trai lớn nhà tôi năm học lớp 8 tự nhiên bỗng “giở chứng”. Tôi cũng chỉ muốn gửi con đi học nội trú cho rảnh nợ...

Đọc bài viết “Choáng váng mẹ muốn tìm trường để cách ly với con” của tác giả Hoài Nam trên Dân trí, tôi thật sự buồn và thương cho một đứa trẻ. Con mới chỉ học tiểu học thôi mà. Đây cũng chính là một thực tế đáng báo động về sự thoái thác trách nhiệm giáo dục con của một số bậc phụ huynh hiện nay.

Bây giờ, có rất nhiều bậc phụ huynh có tư tưởng giao phó con hoàn toàn cho nhà trường. Họ thường tìm những trường nội trú có uy tín để gửi gắm con. Nhiều đứa trẻ còn rất nhỏ mà cha mẹ đã gửi vào nội trú. Với họ, chỉ cần kiếm tiền, các con sẽ có người giáo dục, dạy dỗ hết.

Vì có tư tưởng như thế nên rất nhiều ông bố, bà mẹ đang giao hẳn trách nhiệm giáo dục con cho nhà trường. Khi con ngỗ nghịch, khó bảo một chút, họ sẵn sàng tìm trường nội trú để tống con vào. Dường như nhiều người đang ngại giáo dục con. Họ mải tất bật trong guồng quay kiếm tiền. Với họ, sinh con ra chỉ cần cho con một cuộc sống đủ đầy là được rồi. Điều quan tâm của họ là xây cho con được ở trong một ngôi nhà rộng rãi và những bữa cơm nhiều món ăn ngon. Khi có nhiều tiền, họ sẽ gửi gắm con học ở những ngôi trường uy tín nhất.

Vì mải kiếm tiền nên phụ huynh đâu còn thời gian dành cho con. Có không ít đứa trẻ đang cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Cha mẹ đi làm cả ngày. Về tới nhà họ lại lướt web, xem ti vi... Ngay cả khi con làm sai, cha mẹ cũng không dạy dỗ, uốn nắn con. Chỉ đến khi những đứa trẻ trở nên ương bướng khó bảo thì họ mới giật mình hoảng sợ. Và rồi giải pháp cuối cùng để cứu con chính là gửi chúng đi học nội trú cho xong.

Bản thân tôi cũng đã từng thoái thác trách nhiệm giáo dục khi con hư. Tôi cũng chỉ muốn gửi con đi học nội trú cho rảnh nợ. Cậu con trai lớn nhà tôi năm học lớp 8 tự nhiên bỗng “giở chứng”. Đã không ít lần con phản ứng dữ dội lại với cha mẹ để thể hiện mình. Thậm chí, con còn làm ngược lời cha mẹ dạy bảo. Vợ chồng tôi nói gì con cũng không nghe. Tôi đã từng bất lực trước việc dạy dỗ, giáo dục con. Khi ấy, chính tôi từng đắn đo: “Thôi thì mình tốn ít tiền gửi gắm chúng trong nội trú cho an tâm. Ở đó, con sẽ được nhà trường dạy dỗ và giáo dục hoàn toàn. Chứ để con ở nhà có ngày mình tăng xông mà chết thôi.” Ngay cả bạn bè tôi cũng nhiều người khuyên nên làm như thế là tốt nhất. Cách ly con ra khỏi cha mẹ để con được trưởng thành.

Vậy nhưng, sau nhiều đắn đo, cân nhắc, tôi đã quyết định để con ở lại. Tôi bắt đầu sắp xếp lại công việc để có thời gian trò chuyện cùng con. Khi con làm sai, tôi uốn nắn ngay. Bên cạnh đó, tôi cũng phân công con phụ giúp việc nhà. Thỉnh thoảng, tôi lại dẫn con đi trải nghiệm thực tế ở địa phương... Cứ thế, mưa dầm thấm lâu. Con bắt đầu vâng lời và ngoan ngoãn trở lại.

Thú thực, bây giờ việc giáo dục trẻ con không đơn giản chút nào. Phụ huynh chúng ta không thể lấy cái tôi để áp đặt lên bọn trẻ. Muốn con ngoan, trước hết cha mẹ luôn phải là tấm gương sáng. Chúng ta không thể dạy dỗ trẻ theo kiểu “trống đánh xuối, kèn thổi ngược” được. Con luôn là tấm gương phản ánh thực trạng, nếp sống của mỗi gia đình. Khi con khó dạy, chúng ta cần xem lại trách nhiệm của bản thân mình.

Tôi thực sự tâm đắc ý kiến mà nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương khẳng định: “Ngay cả những ngôi trường, trung tâm cực kỳ đắt tiền hay tiên tiến đến cỡ nào, tốt tới đâu cũng không thể nào làm thay việc của cha mẹ trong việc giáo dục con trẻ. Mình không “cứu” con thì không một ai có thể thay mình làm công việc này”. Điều này hoàn toàn chính xác. 

Mong sao các bậc phụ huynh đừng cách ly trẻ với gia đình. Xin hãy dành thời gian để quan tâm tới con nhiều hơn nữa.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!