Xếp hạng trường đại học sẽ giúp sinh viên tìm được việc làm

(Dân trí) - GS. John Molony - Phó Hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế, Trường Đại học Deakin – Australia cho biết: “Các bảng xếp hạng đại học giúp sinh viên lựa chọn được trường tốt nhất dựa vào các tiêu chí về chất lượng giảng dạy và cơ hội sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp”.

Sáng nay 21/4, Khoa Quốc tế - Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Trường ĐH Deakin, Australia, tổ chức Hội thảo “Xếp hạng đại học thế giới: Kinh nghiệm và triển vọng”.

Diễn giả của chương trình Hội thảo là GS. John Molony - Phó Hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế, Trường Đại học Deakin. GS. John Molony từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch phụ trách Chiến lược và hiện là thành viên Hội đồng Cố vấn của Tổ chức xếp hạng đại học Quacquarelli Symonds. Ông cũng là chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ quốc tế, truyền thông, makerting và tuyển dụng. GS. John Molony có nhiều đóng góp cho việc thúc đẩy quốc tế hóa giáo dục đại học thông qua các nghiên cứu, công bố và thuyết trình tại các diễn đàn lớn.


GS. John Molony - Phó Hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế, Trường Đại học Deakin

GS. John Molony - Phó Hiệu trưởng phụ trách hợp tác quốc tế, Trường Đại học Deakin

Mở đầu phần diễn thuyết của mình, GS. John Molony giới thiệu qua về các tổ chức xếp hạng lớn trên thế giới, trong đó 3 tổ chức lớn và danh tiếng nhất là The Academic Ranking of World Universities (ARWU) – Bảng xếp hạng thế giới của Đại học Shanghai; tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) và tạp chí về xếp hạng đại học Times Higher Education (THE).

Bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức QS được công bố lần đầu tiên vào năm 2004, dựa trên 6 tiêu chí thuộc 4 lĩnh vực: nghiên cứu, giảng dạy, khả năng sinh viên ra trường có làm việc và quốc tế hóa.

THE (do tạp chí Times Education thực hiện) công bố bảng xếp hạng đại học thế giới lần đầu tiên vào năm 2010 dựa trên 13 tiêu chí hoạt động được chia thành 5 lĩnh vực: giảng dạy (chiếm 30% điểm), nghiên cứu (30%), số lần trích dẫn nghiên cứu (30%), yếu tố quốc tế (7,5%) và thu nhập từ nghiên cứu (2,5%).

ARWU công bố bảng xếp hạng học thuật của đại thế giới lần đầu tiên vào năm 2003. ARWU dựa trên 6 tiêu chí để xếp hạng các đại học, bao gồm số cựu sinh viên nhận giải Nobel và huy chương Fields (chiếm 10% điểm) và số giảng viên nhận giải Nobel và huy chương Fields (20%).

Theo nhận định của GS. Molony, 3 tổ chức xếp hạng nói trên đều có ưu điểm và nhược điểm riêng và cho đến hiện tại việc xếp hạng các trường đại học trên thế giới vẫn còn gây nhiều tranh cãi.

“Tuy nhiên, không thể không phủ nhận hiệu quả mà các bảng xếp hạng mang lại cho cả cơ sở giáo dục và người học. Với trường đại học, bảng xếp hạng mang lại thước đo về mức độ hiệu quả; giúp các trường có định hướng hoạt động, hoạch định chiến lược phát triển; cho các trường thấy được sự lựa chọn của sinh viên; khuyến khích sự cạnh tranh và hợp tác giữa các trường đại học”, diễn giả chia sẻ.

“Với sinh viên, các bảng xếp hạng đại học giúp sinh viên lựa chọn được trường tốt nhất dựa vào các tiêu chí về chất lượng giảng dạy và cơ hội sinh viên tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Khi nhìn vào các bảng xếp hạng, chúng ta có thể biết được mình đang đứng ở vị trí nào và hiểu mình cần phải làm gì để tăng cường chất lượng giảng dạy, đào tạo và nghiên cứu”, đại diện Trường ĐH Deakin cho biết.

Phần thảo luận của Hội thảo diễn ra khá sôi nổi. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho diễn giả, đặc biệt là câu hỏi về việc làm sao để tăng thứ hạng của ĐHQGHN (ĐHQGHN hiện trong tốp 300 đại học ở Châu Á theo xếp hạng của QS) hay cách thức để tăng chỉ số về nghiên cứu và học thuật của ĐHQGHN. Về khuyến nghị để tăng thứ hạng của ĐHQGHN, GS. John Molony cho rằng nên soi xét thật kỹ 6 chỉ số mà bảng xếp hạng đưa ra và cải thiện đồng đều các mặt hoạt động theo các chỉ số.

Về cách thức để tăng chỉ số về nghiên cứu và học thuật của ĐHQGHN, theo diễn giả nên mời các học giả từ các trường đại học trên thế giới đến giảng dạy, công bố và xuất bản các nghiên cứu, chú ý đến hoạt động truyền thông ra bên ngoài, đặc biệt là truyền thông về lĩnh vực học thuật.

“Theo QS thì chỉ số học thuật chiếm 40%, các chỉ số còn lại chỉ chiếm lần lượt 20%, 10% và 5%”, GS. John Molony nói.

Đại diện Trường ĐH Deakin khuyên nên tập trung khai thác đội ngũ cựu sinh viên, tập tung vào các hoạt động nghiên cứu, học thuật của cựu sinh viên. Đây là phương pháp tốt giúp tăng chỉ số học thuật và các trường đại học ở Anh và Mỹ đã làm việc này rất tốt.

PGS.TS Lê Trung Thành, Chủ nhiệm Khoa Quốc tế cho biết, hội thảo nằm trong Chương trình thu hút học giả. Chương trình Thu hút học giả của ĐHQGHN đặt tại Khoa Quốc tế - ĐHQGHN, ra đời với mục đích phát huy kinh nghiệm, năng lực, trí tuệ của các học giả đang làm việc tại các trường đại học uy tín trên thế giới để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hồng Hạnh