Bài 1:

“Xé” rừng tìm chữ, nuôi “mộng” đại học

(Dân trí) - Hàng ngày phải băng qua hơn chục cây số đường rừng, vượt qua những con suối mùa đông lạnh thấu tim, cậu bé Dương Phúc Tình người dân tộc Dao ở bản Thán Dìu (xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) “xé” rừng tìm chữ nuôi mộng học đại học.

“Xé” rừng tìm chữ, nuôi “mộng” đại học - 1
Học sinh rẻo cao giờ ra chơi trong trang phục người dân tộc Dao.

 

Để tới được trường Phổ thông cơ sở (PTCS) Công Sơn - ngôi trường nằm trên rẻo cao của huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi phải đi qua con đường núi khúc khuỷu, khi thì gặp những con dốc vút lên, khi lại lượn vòng xuống, gian nan và đầy bụi bặm.

 

Không như các học trò vùng xuôi hàng ngày băng băng đến trường bằng nhiều phương tiện giao thông khác nhau, hoặc thậm chí còn được phụ huynh đưa đón, các em học sinh miền núi, đặc biệt là các vùng sâu vùng xa địa hình hiểm trở, chỉ có cách duy nhất là… cuốc bộ đến trường, bất chấp quãng đường đó dài hay ngắn.

 

Ở trường PTCS Công Sơn (trường học 3 cấp, Mầm non, Tiểu học và PTCS), từ lâu cậu bé người Dao Dương Phúc Tình đã trở thành biểu tượng cho các em học sinh vùng núi rẻo cao về sự vượt khó cố gắng vươn lên trong học tập. Năm nay Tình lên 9 tuổi, đang là học sinh lớp 4.

 

Nhà Tình nằm tít trên đỉnh núi của thôn Thán Dìu là thôn xa nhất của xã Công Sơn. Mỗi ngày, em phải băng qua đường mòn trong rừng dài tới 18km vắt vẻo như sợi dây trên sườn núi và lội qua con suối mùa nước lớn thì ầm ầm đổ về đầy nguy hiểm còn mùa đông lạnh thấu tim. Ấy vậy mà chưa bao giờ Tình phải nghỉ học không có lí do hay đi học muộn.
 
“Xé” rừng tìm chữ, nuôi “mộng” đại học - 2
Một buổi học nâng cao của các em học sinh trường PTCS Công Sơn.

Để động viên tinh thần các em học sinh nghèo vượt khó vươn lên trong học tập, ngày 2/12, đại diện báo điện tử Dân Trí trao tặng 2 triệu đồng từ Quỹ Khuyến học Việt Nam cho Hội khuyến học của trường PTCS Công Sơn. Thầy Hiệu trưởng Hoàng Văn Tuynh cho biết, số tiền này nhà trường sẽ dùng vào việc khen thưởng cho các em học sinh có thành tích tốt và chịu khó vươn lên trong học tập. Thầy Tuynh cảm ơn Hội Khuyến học Việt Nam đã quan tâm, giúp đỡ học sinh nghèo nơi vùng sâu vùng xa.

Vừa trải qua một chặng đường xa, gió bụi để tới trường, mặt mũi, quần áo Tình lấm lem. Cậu bé tâm sự: “Sáng nào cũng vậy, em dậy từ rất sớm, nắm cơm mang đến trường ăn, học xa nhà đi bộ hàng giờ đồng hồ cũng mệt nhưng đi nhiều thành quen, hôm nào không đến trường thì nhớ các bạn. Không đi học thì không được về xuôi học đại học mà…”, vừa dứt lời Tình đã vụt chạy ra chơi cùng các bạn để mặc chúng tôi ngồi với thầy hiệu trưởng Hoàng Mạnh Tuynh.

Thầy Tuynh tỏ ra e ngại và nói với chúng tôi về sự hồn nhiên của các học trò: “Đấy, các anh chị thấy đấy, học sinh vùng cao nhát lắm, mỗi khi có khách lạ đến trường là các emg vây lấy, nhưng khi khách hỏi thì các em lại chạy đi. Đặc biệt các em rất ngại chụp ảnh. Hễ thầy cô nào mà trách mắng là các em bỏ về nhà không chịu đi học, thầy cô lại phải vất vả lặn lội đến tận nhà động viên các em tiếp tục đến trường”.

 

Nhận xét về học trò của mình, thầy Tuynh nói: “Tình là một trong những số học sinh rất ngoan của trường, học lại rất khá, có những hôm đi học về, trời mưa nước suối dâng lên to các em lại quay về trường ngủ cùng các thầy cô, vất vả là thế nhưng các em không bao giờ chịu lùi bước”.

 

Giống như Dương Phúc Tình, cô bé Dương A Múi, học sinh lớp 4 trường PTCS Công Sơn, cũng trải qua một chặng đường gian nan tới trường. Nhiều hôm đi bộ vấp phải đá, A Múi bật cả móng chân, máu chảy ròng, nhưng vẫn đi vội đến trường vì sợ muộn học.

 

Nhà A Múi còn nghèo, bố mẹ sớm tối đi làm nương, trỉa ngô, trồng sắn. Gia đình lại đông anh chị em, lại là con gái nên cô bé thường xuyên phải nấu cơm giúp bố mẹ ngay cả khi đi học về, khi trời đã tối. Vậy mà khi được hỏi, A Múi trả lời “chắc nịch”: “Em rất thích đi học”. Mơ ước của A Múi lớn lên sẽ được làm giáo viên của bản mình, để mang con chữ dạy cho chính những các em trong bản.

 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết tại trường PTCS Công Sơn hàng ngày đều đặn có hàng chục em học sinh phải vượt rừng như thế để đến trường cho dù nhà trường có các phòng ở tập thể theo mô hình trường “Nội trú dân nuôi” để tạo điều kiện cho các học sinh vùng sâu vùng xa ăn, ở học tập tại chỗ.

 

Thầy Tuynh cho biết có rất nhiều lí do khiến ít học sinh chịu ở tại nhà tập thể của trường, đó là vì các em không quen kiểu sinh hoạt tập thể, số em khác thì hoàn cảnh gia đình khó khăn muốn về nhà giúp đỡ bố mẹ…

 

Nguyên Cầm - Hồng Ngân