Quảng Nam:

Xây mô hình trên sân trường để giáo dục giao thông và biển đảo cho học sinh

(Dân trí) - Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (Quảng Nam) đã xây dựng mô hình luật Giao thông Đường bộ và sa bàn biển đảo Việt Nam ngay trên sân trường để giáo dục cho học sinh.

Xây dựng mô hình giao thông trên sân trường

Thầy giáo Lê Huy Phương - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập (xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) cho biết: Cuối năm 2019, từ nguồn vốn hỗ trợ của huyện và nguồn xã hội hóa, nhà trường tiến hành xây dựng mô hình này, bao gồm hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông, đường một chiều, vòng xuyến, vỉa hè…

Mo hinh giao duc giao thong o truong mien nui Quang Nam

Mô hình giao thông được xây dựng trên sân trường

Theo thầy Phương, khi huyện đầu tư để làm sân trường, thầy yêu cầu làm đường theo mô hình giao thông, sau đó được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, trường lắp đặt thêm các biển báo, trụ đèn tín hiệu… và đến nay đã hoàn thiện.

“Muốn giảm tai nạn giao thông thì phải giáo dục các em ngay từ nhỏ. Từ thực tế mô hình này ngay tại sân trường sẽ giúp các em học sinh dễ tiếp cận hơn với luật Giao thông Đường bộ, nhất là với các em học sinh miền núi”, thầy Phương nói.

Giao duc hoc sinh bien dao ở Quang Nam

Một góc sa bàn biển đảo Việt Nam trên sân trường

Với mô hình giao thông ngay tại sân trường, nhà trường từng bước hướng dẫn học sinh đi đúng làn đường của mình và theo tín hiệu đèn giao thông.

Tuy nhiên, để tiến hành xây dựng mô hình này, nhà trường gặp không ít khó khăn do không có chuyên môn, kinh phí nên phải tham khảo trên mạng xã hội. Cả giáo viên của trường cùng chung tay thực hiện từ thiết kế đến xây dựng…

Giữa mùa dịch Covid-19, tất cả học sinh được nghỉ học thì hiệu trưởng cùng vài giáo viên khác ở lại trường để tiến hành hoàn thiện mô hình.

Thầy Phương cho rằng, mặc dù hạ tầng giao thông vùng cao Nam Trà My này những năm vừa qua từng bước được đầu tư xây dựng đến từng thôn nóc nhưng nhận thức về luật Giao thông Đường bộ của người đồng bào vẫn còn hạn chế.

Mo hinh bien dao tren san truong ở mien nui Quang Nam

Giáo viên của trường giới thiệu về sa bàn biển đảo Việt Nam đến các em học sinh

Đối với học sinh của trường, các em lại càng khó tiếp cận vì ít khi các em được tiếp xúc với đường đô thị với đủ các loại biển báo, đèn tín hiệu trên đường nên việc giúp cho các em nắm bắt được cơ bản Luật giao thông đường bộ cũng là nhiệm vụ của giáo viên của trường. Do đó, mô hình giao thông thực tế đặt trong sân trường cũng là giáo dục học sinh nâng cao hiểu biết của mình.

Xây dựng sa bàn biển đảo Việt Nam

Song song với mô hình giao thông, nhà trường còn thiết kế và xây dựng sa bàn bản đồ Việt Nam đặt trong khuôn viên nhà trường. Qua đó tuyên truyền trực quan cho học sinh về chủ quyền biển đảo Việt Nam, nâng cao ý thức tự tôn dân tộc, giáo dục lòng yêu nước.

Mo hinh bien dao tren san truong mien nui Quang Nam

Toàn cảnh mô hình giao thông và sa bàn biển đảo Việt Nam trên sân Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập

Ngoài giờ học chính khóa, tranh thủ giờ giải lao, giờ hoạt động ngoại khóa, thầy cô Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Trà Tập dẫn học sinh ra giới thiệu về sa bàn để giáo dục về biển đảo cho các em.

Cô Trần Thị Tú Điển (giáo viên chủ nhiệm lớp 1/1) cho rằng, việc giáo dục về chủ quyền biển đảo trên mô hình sa bàn ngay tại sân trường giúp học sinh hình dung, nắm bắt được vị trí địa lí của quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở khu vực nào trên Biển Đông, thuộc tỉnh nào của nước ta. Thứ hai, mô hình này nhằm giáo dục cho học sinh lòng yêu quê hương, yêu đất nước, yêu con người, yêu biển đảo Việt Nam.

“Hình thức tuyên truyền này đã giúp các em dễ dàng tiếp thu kiến thức lịch sử, địa lý, khơi dậy trong mỗi học sinh tình yêu đối với quê hương, đất nước, nhất là tình yêu biển đảo”, cô Điển nói.

Sa bàn có diện tích 120m2, thiết kế bản đồ đất nước Việt Nam bao gồm khu vực Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các hòn đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thầy Hiệu trưởng Lê Huy Phương cho biết, hai mô hình được xây dựng tại sân trường với tổng kinh phí khoảng 120 triệu đồng là nỗ lực rất lớn của thầy cô của trường, nhất là ở vùng núi còn nhiều khó khăn như Nam Trà My. Hai mô hình này đã mang lại nhiều điều bổ ích và thú vị cho các em học sinh ở vùng núi cao này.

Công Bính