Sóc Trăng:

Xã thuần nông Khmer có 752 gia đình hiếu học

(Dân trí) - Xã Đại Tâm (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) là một xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Một nét không thể không nói tới Đại Tâm đó là truyền thống hiếu học, học giỏi của học sinh ở xã này. Chính vì thế, Đại Tâm được coi là vùng đất có truyền thống hiếu học của Sóc Trăng.

Xã Đại Tâm là xã có đông đồng bào dân tộc Khmer (tỷ lệ 83%) với 8/8 ấp đặc biệt khó khăn. Toàn xã có 4.229 hộ với 17.697 nhân khẩu, trong đó có 3.449 hộ người đồng bào dân tộc Khmer với 14.866 nhân khẩu. Tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn ở mức cao (khoảng 20%). Tuy nhiên, người dân Đại Tâm luôn tự hào về truyền thống hiếu học, học giỏi của các thế hệ học sinh xã nhà.

Trao đổi với PV, ông Trần Chín Tâm- Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tâm- cho biết, toàn xã có 6 đơn vị trường học, trong đó có 2 trường mầm non; 3 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở, trong đó có 5/6 trường được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường của các cấp học hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch; đặc biệt trẻ 6 tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100% so với số tuổi trên địa bàn. Xã đã được công nhận hoàn thành công tác phổ cập giáo dục THCS năm 2008 và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 vào năm 2010.

Từ năm 2011 đến nay, công tác phổ cập giáo dục tiểu học của xã càng được nâng dần lên, khi việc huy động trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt tỉ lệ 100%; trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, đạt tỷ lệ hơn 94% (mức độ 2 đòi hỏi phải 90%) và hơn 95% trẻ em trong độ tuổi tiểu học được đến trường.

Thống kê của Hội khuyến học xã Đại Tâm cho thấy, tính đến nay, toàn xã có 15 Chi hội khuyến học, trong đó có 8 Chi hội ấp, 6 Chi hội trường học và Chi hội khối chính quyền với tổng số hội viên là 1.872 người (chiếm tỉ lệ 10,58% dân số).

Tính đến năm 2015, xã Đại Tâm có 756 người có trình độ Cao đẳng, Đại học và trên Đại học. Trong đó trên Đại học có 27 người, Cao đẳng và Đại học là 729 người, còn trình độ Trung cấp thì không thể thống kê hết được. Nhiều học sinh của xã Đại Tâm đã trở thành lãnh đạo ở cấp Bộ, tỉnh, huyện,… như ông Diệp Kỉnh Tần (nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT), ông Lý Đại Hồng (hiện là Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Long), ông Lý Đại Lượng (Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng), ông Lý Đại Đức (Kỹ sư thủy sản ở Cần thơ); ông Mã Thạnh (Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Mỹ Xuyên), ông Quách Lai Thành (Trưởng phòng GD-ĐT Mỹ Xuyên),…; Còn những con em xã Đại Tâm làm cán bộ quản lý giáo dục các cấp hoặc cán bộ cấp Phòng của Sở thì không thể đếm hết.

Học sinh Trường THCS Đại Tâm trong một giờ tập thể dục.
Học sinh Trường THCS Đại Tâm trong một giờ tập thể dục.

Nhiều gia đình ở xã Đại Tâm được vinh danh gia đình hiếu học như hộ ông Diệp Tấn Phường (ấp Đại Chí) có 4 người con thì cả 4 người đều tốt nghiệp Đại học, trong đó có 2 người là Thạc sĩ, hiện nay một người là Hiệu trưởng Trường THPT An Ninh (huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng), một người là Phó Giám đốc Ngân hàng thương mại Vietinbank chi nhánh Sóc Trăng, một người công tác tại nhà máy bia Sài Gòn-Sóc Trăng, một người là giảng viên trường Cao đẳng nghề Sóc Trăng. Hộ ông Trầm Xuân Ngọc (ấp Tâm Thọ) có 8 người con thì tất cả đều tốt nghiệp THPT, trong đó 6 người đã tốt nghiệp Đại học, 1 người Trung cấp. Hiện tất cả 8 người con của ông Ngọc đều có công ăn việc làm ổn định, kinh tế gia đình khá giả, đồng thời còn có nhiều đóng góp cho địa phương.

Gia đình ông Liêu Anh Dũng (ấp Đại Thành) có 6 người con, tất cả đều tốt nghiệp Đại học, hiện nay công tác trong ngành giáo dục, trong lực lượng công an Sóc Trăng và các ngành kinh tế ở Cần Thơ, TPHCM. Hộ ông Trần Văn Kiều (ấp Tâm Thọ) có 4 con tốt nghiệp Đại học, trong đó có 1 người là Thạc sĩ, tất cả đang công tác ở TPHCM. Cùng ở ấp Tâm Thọ còn có hộ ông Chung Hữu Duyên cũng có 4 người con tốt nghiệp Đại học, hiện nay 3 người công tác tại TPHCM, 1 người ở Sóc Trăng. Gia đình ông Hứa Chung Hải (ấp Tâm Lộc) có 5 con học xong Đại học, người là bác sĩ, người là kỹ sư,…

Ông Kiêm Phong Vĩnh- Phó Chủ tịch Hội khuyến học xã Đại Tâm- cho biết: “Con em xã Đại Tâm có mặt ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh, giữ nhiều chức vụ chủ chốt, làm việc đạt hiệu quả cao, đó là niềm tự hào to lớn của nhân dân chúng tôi. Chỉ riêng số lượng con em xã Đại Tâm đang đứng trên bục giảng ước tính cũng khoảng 450- 500 người. Có được thành tích đó, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của học sinh, phải kể đến sự hy sinh của các bậc sinh thành.

Có nhiều hộ nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê kiếm sống nhưng không bao giờ cho con nghỉ học, họ luôn xoay xở để cho con được học hành. Có người chạy xe ôm, có người phải bán đất để có tiền cho con ăn học. Ngoài những học sinh đã thành đạt, hiện nay ở xã cũng còn rất nhiều học sinh đang học, dù nhà nghèo nhưng học giỏi. Đây là những người sẽ viết tiếp truyền thống hiếu học của xã”.

Ông Trần Chín Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Tâm- cho biết thêm: “Nhân dân xã Đại Tâm vốn có truyền thống hiếu học, có tinh thần cầu tiến. Vì vậy, tất cả mọi người dân ở xã rất quan tâm đến sự học của con em mình. Với bệ phóng là truyền thống hiếu học của địa phương, cùng với sự quan tâm của gia đình và xã hội, nhiều học sinh của xã Đại Tâm đã trưởng thành, có nhiều đóng góp cho đất nước, cho xã hội. Năm 2015, toàn xã có 752 hộ được công nhận gia đình hiếu học”.

Cao Xuân Lương