Đồng Tháp:

Vượt khó nuôi con học thành tài

(Dân trí) - “Hai vợ chồng làm ruộng, nuôi heo, tôi nhận may quần áo thêm cho các tiệm may. Tính ra một ngày một đêm tôi chỉ ngủ được 3 giờ, dành hết thời gian cho công việc để có đủ tiền nuôi 3 con ăn học như ngày hôm nay” - bà Nguyễn Thị Thanh Tâm chia sẻ.

Vợ chồng đồng lòng

Người phụ nữ chịu thương chịu khó nuôi dạy con tốt là bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (sinh năm 1962) hiện ngụ tổ 24, ấp 1, xã Phú Ninh, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Theo bà Tâm kể lại, khi bà lớn lên và làm việc tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Cuối năm 1979, bà Tâm gặp ông Nguyễn Danh Phong quê tỉnh Nghệ An và hai người nên nghĩa vợ chồng. Vì cuộc sống nghèo khổ, túng thiếu, gia đình dìu dắt con rời thành phố Quy Nhơn đến huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp sinh sống cho đến nay.

Bà Tâm kể: “Tôi xây dựng gia đình vào năm 1980, cả hai bên gia đình đều rất nghèo. Về Đồng Tháp, chúng tôi được Nhà nước cấp 3 công ruộng. Đến năm 1990, do biến động đất đai, chủ đất lấy lại một công. Với 2 công ruộng và 5 nhân khẩu, chúng tôi đều cố sức cải tạo ruộng đất để làm 2 vụ nhưng vẫn thiếu trước hụt sau…”.

Ngủ mỗi đêm 3 giờ, dành thời gian may vá nuôi 3 con ăn học thành tài
Bà Trong đang kể lại câu chuyện vợ chồng đồng lòng nuôi dạy con tại hội nghị nuôi dạy con tốt tại huyện Tam Nông.

Theo bà Tâm, khi đến Tam Nông, với hai bàn tay trắng, không người thân thích, không một cục đất cắm dùi, gia đình bà phải cất một cái chòi lá bên cạnh dòng Tiền Giang để cải tại 2 công đất ruộng và làm thuê, làm mướn nuôi thân. Lúc bấy giờ, vùng đất Tam Nông rất khó sinh sống vì bị nhiễm phèn nặng, cỏ năn mọc dày đặc. Những ngày mưa bão, lũ lụt thì vô cùng khủng khiếp; dông lốc, sấm sét nổi lên ầm ầm… Xứ sở này từng được mệnh danh “muỗi kêu như sáo thổi, đĩa lội tợ bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy”.

Hằng ngày, vợ chồng bà Tâm không chỉ cần mẫn chăm sóc ruộng lúa mà ông Phong còn tranh thủ lúc rảnh rỗi chạy xe đạp ôm, bà Tâm vừa trồng thêm ít luống rau, vừa nuôi heo... để kiếm thêm thu nhập nuôi con. Thời gian dần trôi, các cháu lại đến tuổi cắp sách đến trường… gánh nặng “cơm-áo-gạo-tiền” luôn đè nặng trên vai đôi vợ chồng Tâm - Phong.

Quyết cho các con học chữ

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm bày tỏ: “Vợ chồng tôi thấy: “Nếu hoàn cảnh như thế này thì các con tôi sau này chẳng bao giờ đổi đời được. Bàn đi tính lại, cuối cùng đi đến quyết định chỉ có học thì các con tôi mới cải thiện được cuộc sống. Từ đó, cho dù khó khăn, cực khổ đến mấy, vợ chồng tôi cũng cố gắng nuôi các con ăn học nên người”.

Với ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt lên nghịch cảnh, sau tháng năm dài miệt mài lao động cật lực và biết tính toán làm ăn, chi xài tằn tiện nên cuộc sống cũng dần dần được ổn định, các con đều được cắp sách tới trường cùng với bạn bè trang lứa. Đáp lại công lao sinh thành, dưỡng dục và sự cần lao của cha mẹ, các con bà Tâm đều ra sức học tập, ngày đêm miệt mài đèn sách cho dù hoàn cảnh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Bà Tâm nhớ lại: “Đây là bước mạo hiểm của vợ chồng tôi! Nhà nuôi được con heo, đến ngày cháu đi thi, chúng tôi bán được 700.000 đồng vừa đủ tiền cho cha con dắt nhau lên TPHCM và Đà Lạt thi vào Đại học Sư phạm. Đến ngày báo kết quả thi, chúng tôi vừa mừng vừa lo vì cháu đỗ cả hai trường. Cuối cùng, chúng tôi quyết định cho cháu học ở TPHCM cho gần nhà hơn”.

Ngủ mỗi đêm 3 giờ, dành thời gian may vá nuôi 3 con ăn học thành tài
Để có tiền nuôi 3 đứa con khôn lớn ăn học, mỗi ngày bà Tâm chỉ ngủ 3 giờ... dành hết thời gian còn lại cho công việc chăn nuôi lợn, may vá...

Niềm vui thật lớn khi con thi đậu đại học, nhưng cùng với đó là nỗi lo vì gánh nặng các khoản học phí, tiền mua sách vở, quần áo… cho các con. Bà Tâm xúc động nói: “Vợ chồng tôi lại cật lực làm việc để hằng tháng gởi tiền cho con ăn học. Mỗi lần nhận được thư con, vợ chồng tôi vừa lo vừa mừng. Mừng là con vẫn khỏe, học hành tiến triển tốt; lo là lấy tiền đâu gởi cho con. Hai vợ chồng vừa làm ruộng vừa chạy xe đạp ôm, nuôi heo, nhận buôn quần áo cho các tiệm may… Tính ra thời gian để nhận buôn quần áo, một ngày, một đêm tôi chỉ ngủ có 3 tiếng đồng hồ. Đúng 12 giờ khuya, tôi đi ngủ tới 3 giờ sáng là tôi thức dậy làm luôn để giao cho 3 tiệm may”.

Nhờ được chăm sóc, giáo dục chu đáo, các con bà Tâm đều đạt được thành tích cao trong học tập và lần lượt ra trường, có việc làm ổn định. Người con gái lớn là Nguyễn Thị Thanh Thảo (sinh năm 1980) hiện là giáo viên dạy môn văn tại Trường THPT Tràm Chim (huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Con trai thứ hai là Nguyễn Danh Vũ (sinh năm 1982) hiện là giảng viên khoa Kinh tế-chính trị quân sự tại Trường Quân sự tỉnh Đồng Tháp. Con út là Nguyễn Danh Lam đang học lớp 12 Trường THPT Tam Nông. Hai con lớn có việc làm ổn định, mỗi tháng thường gửi tiền về phụ giúp cha mẹ tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và nuôi em út ăn học.

Bây giờ, cuộc sống gia đình bà Nguyễn Thị Thanh Tâm đã được ổn định. Nhà cửa được xây cất đàng hoàng, tươm tất… Thật hạnh phúc khi cha mẹ nhìn ngắm các con bay vào cuộc đời với đôi cánh vững vàng. Đó là trách nhiệm và cũng là phần thưởng cao quý cho vợ chồng bà trong việc đồng lòng vượt khó nuôi con ăn học.

Nguyễn Hành - Trọng Trung