Vụ nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng: Im lặng vì áp lực thành tích?

(Dân trí) - “Vụ nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng ở Trường THCS Phù Ủng, Hưng Yên đã kéo dài một thời gian nhưng bị che giấu, có phần từ áp lực thành tích, xử lý theo kiểu bao che, xí xóa sự việc để bảo vệ danh dự của nhà trường, của đội ngũ sư phạm. Cách hành xử này hoàn toàn ích kỷ, không xuất phát từ học sinh, lấy học sinh làm trung tâm”.

Trên đây là ý kiến của PGS. TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học trẻ em và vị thành niên, Trưởng khoa các Khoa học Giáo dục (ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội).

Im lặng có phần từ áp lực thành tích

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, sự việc bị che giấu một phần do nạn nhân không nói ra vì sợ hãi bị trả thù. Tuy nhiên về phía thầy cô, mặc dù có biết tình trạng em Y. bị bắt nạt nhiều lần nhưng vẫn im lặng, không can, có thể các thầy cô, nhân viên nhà trường vẫn đang dùng các hình thức bạo lực, đe dọa, hạ thấp học sinh và tin rằng đó là những cách thức giáo dục phù hợp nhưng chưa bị phát hiện.

Hay nói cách khác, thầy cô vẫn có thói quen thi hành kỷ luật khắc nghiệt và không nhất quán trong lớp học. Các thầy cô không phải là một tấm gương tốt về hành vi ứng xử văn hóa trong nhà trường nên bình thường hóa việc học sinh bắt nạt nhau.

Thứ hai, dường như các thầy cô hoang mang không biết làm gì vì không có kỹ năng phân biệt giữa xích mích thông thường và những hành vi bạo hành.

Vụ nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng: Im lặng vì áp lực thành tích? - 1

Sự im lặng khi sự việc xảy ra có phần từ áp lực thành tích, xử lý theo kiểu bao che, xí xóa sự việc để bảo vệ danh dự của nhà trường (Ảnh: Từ clip)

Thứ ba, sự im lặng khi sự việc xảy ra có phần từ áp lực thành tích, xử lý theo kiểu bao che, xí xóa sự việc để bảo vệ danh dự của nhà trường, của đội ngũ sư phạm. Cách hành xử này hoàn toàn ích kỷ, chỉ tập trung vào quyền lợi của một số cá nhân, không xuất phát từ học sinh, lấy học sinh làm trung tâm.

Cuối cùng, trên phương diện xã hội có vẻ nhiều người trong chúng ta cũng đã quen với văn hóa sử dụng bạo lực để giải quyết các xung đột mâu thuẫn trong xã hội.

Sớm can thiệp trước khi quá muộn

Với những nhà trường có nhiều nhóm học sinh có nguy cơ hành động bạo lực và đã từng xảy ra những vụ việc đáng tiếc, cần thiết phải có hoạt động sàng lọc và đối sách hỗ trợ cho từng nhóm tương ứng.

Thông thường có thể chia các hành vi nguy cơ bạo lực thành các nhóm A, B, C, D, E để can thiệp riêng.

Nhóm A (nguy cơ thấp): Trẻ được giới thiệu đến để đánh giá vì có một vài biểu hiện vi phạm nội quy trường lớp như mang vũ khí đồ chơi đến lớp, sử dụng dao dọc giấy một cách bất cẩn. Các em có thể có hoặc không có các rối nhiễu tâm lý và không có những hành vi bạo lực trong quá khứ.

Với học sinh thuộc nhóm này, đánh giá viên chỉ cần tiến hành những đánh giá nhanh và một số hoạt động can thiệp như trò chuyện với trẻ, đưa ra những mục tiêu tích cực và có thể dùng hình thức viết bản kiểm điểm.

Nhóm B (nguy cơ từ thấp đến trung bình): Những học sinh này đã thực hiện một số hành động bột phát, thiếu suy nghĩ nhưng không mang tính bạo lực.

Với nhóm này, ngoài các hình thức can thiệp như nhóm A, các em được yêu cầu làm một bản cam kết về hành vi và tham gia một vài buổi tư vấn về cách thức giải quyết vấn đề.

Nhóm C (nguy cơ trung bình): Những trẻ này có thể không có lịch sử rối nhiễu tâm lý nhưng đang mắc phải những rắc rối, thường là những ấm ức, căng thẳng, hậu quả của sự thiếu hụt kỹ năng giải quyết vấn đề.

Các can thiệp chủ yếu tập trung vào tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề, quản lý tức giận và hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ môi trường trường học như bị bắt nạt, bị trêu chọc.

Nhóm D (nguy cơ cao - đối tượng xác định): Một chỉ báo quan trọng cho nhóm này là có những ý tưởng và dự kiến kế hoạch thực hiện hành vi bạo lực và đã từng có hành vi đe dọa đối tượng. Can thiệp cho trẻ thuộc nhóm này hết sức cẩn trọng, bao gồm việc cho trẻ ký cam kết không thực hiện hành vi bạo lực, không cho trẻ tiếp cận với những dụng cụ có thể sử dụng làm vũ khí…

Nhóm E (nhóm nguy cơ cao - tính cách hung hãn): Các em trong nhóm này thường có biểu hiện hùng hổ quá mức đối với bạn bè đi kèm với các hành vi chống đối xã hội và xâm phạm quyền của người khác.

Việc can thiệp cho nhóm E về cơ bản cũng giống như nhóm D nhưng tập trung vào việc tư vấn và đánh giá một chương trình học phù hợp cho các em, tìm các môi trường hoạt động cho các em giải tỏa cảm xúc (như thể thao, sinh hoạt CLB), sử dụng kết hợp các can thiệp bằng thuốc và tâm lý để điều trị các rối nhiễu tâm thần, giảm thiểu những tác nhân gây khó chịu trong môi trường học đường và gia đình, tăng cường giám sát hành vi ở trường và ở nhà; áp dụng hình thức bản kiểm điểm và viết thư xin lỗi khi làm tổn thương người khác.

Vụ nữ sinh bị lột đồ, đánh hội đồng: Im lặng vì áp lực thành tích? - 2

Nữ sinh N.T.H.Y. đang được điều trị ở bệnh viện chia sẻ với phóng viên tại Bệnh viện Tâm thần Hưng Yên.

Nhiều em sợ bắt nạt đến mức muốn tự sát

Những dấu hiệu để nhận ra một trẻ bị bắt nạt có thể: Áo quần, sách vở, đồ dùng bị rách, mất hay bị hỏng, bị bôi bẩn khi đi học về; Có vết cắt, cào, bầm tím không giải thích được; Có ít bạn bè; Sợ đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà, hay tham gia sinh hoạt có tổ chức với bạn bè; Đi đường vòng để đến trường hay về nhà; Không còn hứng thú làm bài hay thình lình học sút hẳn; Lộ vẻ buồn rầu, vui buồn bất thường, khóc, hay trầm cảm khi từ trường về; Khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng; Ăn không ngon; Lộ vẻ lo lắng và giảm lòng tự tin.

Bạo lực học đường khiến nhiều em cảm thấy sợ hãi khi đi đến trường và ở trường tới mức các nhiều em nghỉ học/bỏ tiết nhiều lần trong tháng.

Thậm chí nhiều em là nạn nhân hoặc chứng kiến bạo lực học đường đã lo âu, trầm cảm, nên mang vũ khí theo người để phòng vệ dẫn đến những vụ ẩu đả nghiêm trọng.

Nạn nhân của bắt nạt cũng thường có thái độ thù địch, tính tự tin thấp, không hài lòng với thân thể, cách ly xã hội, rối nhiễu ăn uống, lạm dụng chất và có ý tưởng tự sát.

Nhiều em trải qua bạo hành nghiêm trọng có thể xuất hiện các biểu hiện của rối loạn stress, hoảng loạn. Với những trường hợp cụ thể, các em cần sự hỗ trợ của chuyên gia tâm lý lâm sàng trong một thời gian để có thể bình phục.

PGS. TS Trần Thành Nam

( Trưởng khoa các Khoa học Giáo dục - ĐH Giáo dục - ĐHQG Hà Nội)