Vụ khởi tố, bắt tạm giam Hiệu trưởng ĐH Đông Đô: Bộ GD&ĐT nói gì?

(Dân trí) - Khi có dấu hiệu về việc Trường ĐH Đông Đô cấp phát văn bằng không đúng quy định, Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xác minh để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở giáo dục này.

Trên đây là ý kiến của ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) về việc cấp phát bằng không đúng quy định tại Trường ĐH Đông Đô.

Theo ông Trinh, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ trong việc cấp phát văn bằng và phải chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình.

Bộ GD&ĐT với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra công tác này của các cơ sở giáo dục đại học. Hơn nữa, các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.

Đối với Trường ĐH Đông Đô, khi có dấu hiệu về việc nhà trường cấp phát văn bằng không đúng quy định, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc điều tra, xác minh để làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cá nhân có trách nhiệm tại cơ sở giáo dục này.

Vụ khởi tố, bắt tạm giam Hiệu trưởng ĐH Đông Đô: Bộ GDĐT nói gì? - 1

Lãnh đạo Trường ĐH Đông Đô bị khởi tố, bắt tạm giam vì một số sai phạm trong cấp phát văn bằng.

Về việc quản lý phôi bằng, lãnh đạo Cục này cho biết, theo quy chế, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ theo mẫu do Bộ GD&ĐT quy định. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đại học do có những khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng, nên vẫn nhận phôi bằng từ Bộ GD&ĐT. Trong cả hai trường hợp, trách nhiệm quản lý phôi và cấp phát văn bằng, chứng chỉ đều thuộc về cơ sở giáo dục đại học.

Trường ĐH Đông Đô là đơn vị nhận phôi văn bằng đại học từ Bộ GD&ĐT. Nhưng Bộ GD&ĐT chỉ cung ứng phôi văn bằng cho nhà trường. Việc in thông tin trên văn bằng, cấp phát văn bằng là trách nhiệm của nhà trường; nhà trường phải tuân thủ các quy định hiện hành đối với công tác quản lý, cấp phát văn bằng.

Quy định về việc tự chủ in phôi văn bằng, chứng chỉ, các cơ sở giáo dục đại học (theo Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT) như sau: “Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học phê duyệt mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ; gửi mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ về Bộ GD&ĐT và cơ quan quản lý trực tiếp, cơ quan công an địa phương nơi đóng trụ sở chính để báo cáo; chịu trách nhiệm về nội dung in trên phôi văn bằng, chứng chỉ và tổ chức in phôi văn bằng, chứng chỉ”.

Trên cơ sở báo cáo mẫu phôi văn bằng, chứng chỉ của các đơn vị, Bộ GD&ĐT kiểm tra và nếu phát hiện phôi văn bằng, chứng chỉ của đơn vị không đúng quy định thì có văn bản yêu cầu cơ sở giáo dục điều chỉnh hoặc xả lý theo quy định. Bộ GD&ĐT tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý văn bằng chứng chỉ nói chung, in phôi văn bằng, chứng chỉ nói riêng của các cơ sở giáo dục đại học theo kế hoạch hằng năm.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc, khi các trường cấp bằng tốt nghiệp cho sinh viên hàng năm, có báo cáo Bộ GD&ĐT không, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng cho hay, theo quy định của Quy chế quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, hằng năm, các cơ sở giáo dục đại học phải báo cáo Bộ GD&ĐT các nội dung: Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; Số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; Số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học; Số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã sử dụng.

Đặc biệt, quy chế cũng quy định trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học phải xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học; công bố công khai thông tin quá trình thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh, in, quản lý văn bằng, chứng chỉ, thông tin về cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử của đơn vị.

Mỹ Hà