Vụ học trò nhảy lầu tự vẫn: Trường học “hà khắc”, hiệu trưởng nói gì?

(Dân trí) - So với nhiều trường, thời gian học và khối lượng kiến thức tại Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM nặng hơn vì mục tiêu học sinh vào bằng được đại học. Lãnh đạo nhà trường không che giấu điều này, đây là thực tế mà ai cũng biết.

"Lò luyện" khổng lồ

Là một trường tư thục nổi tiếng ở TPHCM và thu hút rất nhiều học sinh từ các tỉnh, Trường THPT Nguyễn Khuyến trở thành "ngôi sao" trong nhiều năm gần đây. "Ngôi sao" này càng trở nên nặng ký khi liên tục nằm trong top đầu về tỷ lệ học sinh đỗ vào các trường ĐH, CĐ với số lượng thủ khoa, á khoa mà các trường chuyên, trường điểm ở TPHCM cũng phải "chào thua".

Để đạt được thành tích này, trường xây dựng một ngôi trường học tập "ngộp thở" mà có thể nói ở đó học trò gần như chỉ biết học với áp lực khủng khiếp. Nhiều học sinh nhắc đến phương châm của trường: "Nên người. Học giỏi. Tốt nghiệp 100%. Đường vào ĐH-CĐ thẳng tắp".

Phía sau cánh cổng trường này là lịch ôn luyện khủng khiếp để học sinh vào bằng được đại học
Phía sau cánh cổng trường này là lịch ôn luyện khủng khiếp để học sinh vào bằng được đại học

Mới đây, việc nam sinh T.T.C., học sinh lớp 10 nội trú của trường nhảy lầu tự vẫn ngay trong trường vì áp lực điểm số làm nhiều người phải giật mình. Trước đó đã có không ít trường hợp học sinh theo học Trường THPT Nguyễn Khuyến bị đuối, trả về gia đình, các em rơi vào trầm cảm phải điều trị tâm lý.

Sau khi trở nên "có giá", trường tuyển sinh cực kỳ khắt khe. Được nhận vào trường, phụ huynh và học sinh phải ký một cam kết việc tuyệt đối tuân thủ mọi quy định của trường cũng như các điều kiện được tiếp tục theo học ở trường. Được biết, trường hiện có khoảng 7.000 học sinh theo học tại 4 cơ sở.

Về lịch học, đối với học sinh nội trú diễn ra theo công thức quen thuộc sau: Dậy từ 5h30, vệ sinh cá nhân, ăn sáng. Đúng 6h30 vào lớp, buổi sáng học đến 11h30 rồi nghỉ ăn trưa. 13h30 vào học buổi chiều, đến 16h30 nghỉ ngơi và ăn chiều. Đến 18h học sinh tự học buổi tối có sự "kiểm soát" của giáo viên, 22h mới kết thúc. Lịch học dày đặc như vậy từ thứ hai đến thứ sáu, cuối tuần cũng phải học từ 9h sáng đến 16h30, chỉ được nghỉ buổi tối.

Đối với khối 12, lịch học càng dày hơn. Cứ 3 tuần, học sinh khối 12 mới được nghỉ trọn vẹn 1 ngày chủ nhật. Học sinh gần như không được nghỉ trong những dịp lễ tết như Tết dương lịch, nghỉ lễ 30/4 hay các ngày lễ. Có chăng thì chỉ được nghỉ nửa buổi sáng.

"Thi cử thế này phải tập trung dạy học"

Sau vụ tự vẫn của em T.T.C., thầy Lê Trọng Tín, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến đã có những chia sẻ quanh sự việc đau lòng này. Bên cạnh đó, thầy cũng đề cập đến môi trường học tập tại trường.

Thầy Tín thừa nhận, không phải từ dư luận mà thực tế so với nhiều trường, thời gian học và khối lượng kiến thức ở trường Nguyễn Khuyến nhiều hơn, môi trường cũng nghiêm khắc hơn. Nhưng nhà trường không hề che giấu về môi trường học tập này, đó là điều ai cũng biết.

Nói về môi trường học tập quá "hà khắc", thầy Tín cho hay, trong giáo dục có rất nhiều phương pháp. Phương pháp nào cũng có mặt này mặt nọ, không có phương pháp nào đạt ưu điểm 100%. Về mục đích thì xuất phát từ nhiều phía. Trước hết là vì mong muốn của phụ huynh, họ mong muốn con có nề nếp, mong con học giỏi.

"Trong hoàn cảnh thi cử như thế này, không học giỏi thì các em không thể thi đỗ được. Để đạt được điều này, nhà trường phải tập trung dạy học", thầy Tín nói.


Thầy Lê Trọng Tín, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM.

Thầy Lê Trọng Tín, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến, TPHCM.

Đối với học sinh nội trú, buổi sáng và buổi chiều là học chính khóa. Lịch buổi tối là tự học nhưng trường có bố trí giáo viên hỗ trợ khi các em kẹt bài vở, cần hỏi này hỏi kia chứ buổi tối không phải là buổi dạy. Thầy Tín đánh giá, học sinh nội trú ở trường rất chăm, các em tận dụng mọi thời gian để học.

Về việc học ở trường, theo đánh giá của vị hiệu trưởng, đại bộ phận học sinh thích nghi được, những em học tốt và đỗ đạt cao còn thấy thoải mái. Nhưng bên cạnh đó, một số em cũng "đuối", không theo được.

Thầy hiệu trưởng ngôi trường tư nổi tiếng ở TPHCM bộc bạch: "Chúng tôi phải thừa nhận chăm sóc chưa toàn diện, môi trường học nặng nề với một số em mà lẽ ra mình phải động viên, hỗ trợ kịp thời. Các em cần được quan tâm, chăm sóc kỹ càng hơn... là việc trường chưa làm được bao nhiêu".

Đối với vấn đề tâm lý của học sinh, trường có bố trí chuyên viên tâm lý, có phòng tâm lý học đường của trường. Nhưng vai trò chính và sâu sát nhất với học sinh, theo thầy Tín là giáo viên quản nhiệm. Mỗi lớp đều có một giáo viên quản nhiệm theo sát các em từ sáng đến chiều. Đối với học sinh nội trú, từ sau 16h30 thì sẽ có giáo viên nội trú chăm sóc, ăn ngủ, sinh hoạt cùng các em để nắm bắt mọi vấn đề tâm tư.

"Nhà trường cũng phối hợp với gia đình để trao đổi về việc học của học sinh. Nhưng mình chưa làm tốt được với tất cả các trường hợp nên mới xảy ra trường hợp học sinh tự vẫn đau lòng như vừa rồi", thầy Lê Trọng Tín trầm tư.

Đối với em học sinh nhảy lầu tự vẫn, thấy Tín cho biết em này quê ở Đắk Lắk nhưng có người thân ở TPHCM nên cuối tuần em vẫn hay đến nhà người thân chơi, có giao lưu bên ngoài chứ không chỉ học. Em là một học sinh giỏi, có điểm trung bình môn là 8,9 và thầy khẳng định trường không xếp hạng học sinh.

Hoài Nam