Vụ cô giáo tố bị hiệu trưởng xúc phạm vì không phá thai: Thêm nhiều GV tố hiệu trưởng

(Dân trí) - Sau khi Dân trí đăng tải bài viết "Cô giáo tố bị hiệu trưởng xúc phạm vì không phá thai khiến trường mất thi đua", nhiều giáo viên trường Mầm non Sao Mai (thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) đã lên tiếng về nhiều vấn đề khác của điểm trường này.

Làm việc với phóng viên Dân trí, các cô giáo thừa nhận suốt thời gian qua không dám lên tiếng vì quá sợ Hiệu trưởng Phan Thị Hậu.

"Rất nhiều chuyện bất bình nhưng khi chúng tôi có ý kiến đều bị bỏ ngoài tai. Thời gian qua chúng tôi đành im lặng vì ai cũng sợ cô hiệu trưởng. Giờ thì phải nói thôi, 9 chị em chúng tôi đã có đơn khiếu nại gửi lãnh đạo huyện", một giáo viên cho biết.

Sự việc bức xúc gần đây nhất là giáo viên phải làm việc vào ngày thứ bảy và chủ nhật suốt 4 tháng để chuẩn bị cho Hội thi xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm.

Theo giáo viên trường Mầm non Sao Mai, từ tháng 12/2017 đến tháng 3/2018, tất cả giáo viên của nhà trường phải tham gia làm các mô hình, dụng cụ dự thi vào ngày thứ bảy và chủ nhật.

Hầu như thứ 7 và Chủ nhật nào cũng phải làm, có ngày làm đến hơn 18h. Hiếm hoi mới được nghỉ một buổi. Là giáo viên Mầm non phải chăm trẻ suốt 5 ngày ở trường nên việc các cô giáo đi làm liên tục vào ngày cuối tuần vấp phải sự phản ứng gay gắt của gia đình. Chồng của một số giáo viên đã đến trường để phản ứng về việc này.

"Tất cả đều phải đi làm, trong đó có 1 cô đang mang bầu và cả cô B. vừa sinh xong 2,5 tháng cũng phải đi. Bị áp lực từ gia đình nhưng chúng tôi không dám ý kiến vì có nhiều lần ý kiến không được giải quyết mà bị cô Hậu làm cho sự việc trầm trọng hơn. Chúng tôi quá sợ cô hiệu trưởng", nhiều giáo viên xác nhận.


Gia đình nhiều giáo viên trường Mầm non Sao Mai phản ứng gay gắt khi các cô giáo phải đi làm vào thứ bảy, chủ nhật.

Gia đình nhiều giáo viên trường Mầm non Sao Mai phản ứng gay gắt khi các cô giáo phải đi làm vào thứ bảy, chủ nhật.

Những giáo viên này cho biết, có nhiều vấn đề không đúng quy định đã được phản ánh với lãnh đạo nhưng vẫn không được giải quyết.

Chẳng hạn như, trường hiện có 9 lớp nhưng chỉ có 8 phòng học. Vì vậy 2 lớp thuộc nhóm lớp nhà trẻ phải học chung 1 phòng. Điều này dẫn đến không gian sinh hoạt của các cháu vô cùng chật chội. Dù vậy, Hiệu trưởng Hậu vẫn tiếp nhận trẻ vào nhóm lớp này theo kiểu "tùy thích".

"Mỗi phòng của lớp nhóm trẻ chỉ có 24 cháu nhưng có lúc trong phòng có đến 65 cháu cùng học. Sĩ số lớp quá đông nên cô Hậu không đưa số trẻ nhận vượt quy định vào danh sách lớp chính thức, đồng thời cô còn tiếp nhận thêm nhiều cháu dưới 18 tháng tuổi. Dạy các cháu trong điều kiện như thế không thể đảm bảo chất lượng được nhưng cô Hậu vẫn không giải quyết ý kiến của giáo viên", một cô giáo cho biết.

Đây chỉ là 2 sự việc gây bức xúc trong thời gian gần đây, các cô giáo cho rằng còn rất nhiều vấn đề liên quan đến việc thu tiền xã hội hóa, chế độ phụ cấp của giáo viên... không được thực hiện đúng quy định.

Trao đổi với PV Dân trí, dù thừa nhận 2 sự việc được phản ánh như trên là có xảy ra nhưng bà Phan Thị Hậu cũng có những lý giải rất "hợp lý" cho từng vấn đề.

Theo bà Hậu, việc huy động giáo viên đi làm thứ bảy và chủ nhật để phục vụ hội thi lấy trẻ làm trung tâm là do giáo viên đồng thuận, tự nguyện.

"Giáo viên chỉ làm ngày thứ bảy và sáng chủ nhật thôi chứ đâu phải làm suốt. Hội thi này rất tốn tiền nên không thể thuê mướn được vì vậy phải huy động tất cả giáo viên tham gia", bà Hậu nói.

Đối với việc nhận thêm trẻ sai quy định, bà Hậu thừa nhận nhưng cũng cho rằng đó là con em của những người thân quen và số trẻ này chỉ đi học vài ngày trong một tháng nên phải lập sổ phụ để quản lý.

Phản bác ý kiến này, ông Trương Quang Dũng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tư Nghĩa cho rằng, không thể có chuyện nhận trẻ theo kiểu mỗi tháng đi học vài ba ngày.

"Trường nhận trẻ thì phải đưa vào sổ quản lý, theo dõi sự phát triển của các cháu chứ làm gì có chuyện nhận theo kiểu mỗi tháng tới trường vài hôm", ông Dũng khẳng định và cho biết sẽ kiểm tra.

Quốc Triều