“Vụ cô giáo bọ cạp”: Sứ mệnh giáo viên không phải “mắng trò vô học”

(Dân trí) - “Với nhà giáo, học sinh là người mình phải chiếm lĩnh, người mình phải giáo dục nhưng không làm được. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường, khách hàng là thượng đế thì việc mắng nhiếc học sinh hoặc khách hàng như vậy là một thiếu sót lớn”, nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm nhận định.

Trong vài ngày qua, thông tin khiến đông đảo dư luận, đặc biệt là những người thường xuyên cập nhật tin tức qua các mạng xã hội quan tâm là vụ việc tranh cãi của giáo viên và học sinh xảy ra tại Trung tâm Anh ngữ Lena (Lena Culture Center). Nhiều người ví von rằng đây giống như một vụ Scandal của ngành giáo dục.

Và những phát ngôn của cô giáo Lê na trong đoạn clip dài gần 8 phút như: Tao sẽ đến gặp hiệu trưởng của mày, tao không bao giờ quên nhé, tao là cung Bò Cạp nhé, tao nói cho mày biết mày đã đụng đến tự ái và lòng tự trọng của tao thì tao sẽ làm đúng những gì mà mày đang làm với tao…” đã trở thành những câu nói “gây bão” trong dư luận.

co-giao-le-na-1438433911-55d0e

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm – Phó Chủ tịch hội tâm lý giáo dục Hà Nội nhận định: “Đây là một việc hết sức đáng tiếc, trong việc này học trò cũng có lỗi nhưng với tư cách là một giáo viên để xảy ra việc này thiệt thòi hơn rất nhiều.

Bởi vì, sứ mệnh nhà giáo là chia sẻ, giúp đỡ, giáo dục người khác chứ không phải mắng học sinh “vô học”, mà nếu học sinh vô học thì giáo viên cũng có lỗi.

Cô giáo ở đây có những điểm cần rút kinh nghiệm đó là thái độ trân trọng với học sinh hay chính là những khách hàng của mình vì cô giáo đang  làm ở trung tâm luyện thi tiếng anh là một hình thức kinh doanh giáo dục.

Với nhà giáo, học sinh là người mình phải chiếm lĩnh, người mình phải giáo dục nhưng không làm được. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường khách hàng là thượng đế thì việc mắng nhiếc học sinh hoặc khách hàng như vậy là một thiếu sót lớn”.

* Ít ngày qua, xuất hiện thông tin nhầm lẫn cho rằng cô giáo xuất hiện trong clip là Thạc sĩ Lê Lê Na.

Báo điện tử Dân trí xin đính chính để bạn đọc được biết: Thạc sĩ Lê Lê Na hiện là giảng viên khoa Quốc tế học, ĐH KHXH& NV, ĐHQG Hà Nội không liên quan gì đến sự việc đang gây xôn xao.

Bên cạnh đó, thầy Tùng Lâm cũng chia sẻ rằng, đáng trách nhất là kỹ năng ứng xử của giáo viên, sự việc xảy ra thế nào mình cũng phải lắng nghe, thấu hiểu rồi mới đến thuyết phục, sau cùng mới đưa ra các giải pháp giáo dục chứ không phải mắng chửi người ta. Các hành vi thiếu văn hoá, mạt sát học sinh, mắng nhiếc, đe doạ gọi hiệu trưởng…phải bị lên án.

Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cũng đưa ra lời khuyên rằng, cô giáo nên đứng ra xin lỗi học sinh hay cũng chính là những khách hàng của mình. Việc nhận lỗi là bình thường vì cuộc đời chẳng có ai không có lúc nóng nẩy mất bình tĩnh, cô giáo nên lấy lại hình ảnh của mình trong lòng học sinh, đó cũng là cách để tránh những tác động xấu đến việc kinh doanh của trung tâm ôn luyện.

Còn theo nhà giáo Văn Như Cương, “Tôi thấy việc này rõ ràng rồi, cũng không cần phải bàn thêm gì nhiều, với tư cách là một cô giáo mà nói những chuyện như thế thì không nên, ai cũng có thể thấy là “sai lè”. Nhất là ở một trung tâm luyện thi tư nhân, đôi khi chuyện tạo scandal, mình nói nhiều có khi lại thành “pr” cho người ta”.

Được biết, Trung tâm Anh ngữ Lena (Lena Culture Center) là một trung tâm tiếng Anh thành lập từ lâu và rất có tiếng trong thế giới của những bạn có nhu cầu học tiếng Anh, đặc biệt là để thi IELTS. Số lượng học sinh từng học tại trung tâm này rất đông, một phần bởi cô giáo Lê Na rất nổi vì có trình độ sư phạm tốt và giáo trình dạy rất hiệu quả, đặc biệt là trong ôn thi Reading (một trong bốn môn thi của IELTS).

Cách đây vài năm, khi các trung tâm Anh ngữ quốc tế chưa nở rộ, trong giới học sinh, sinh viên tại Hà Nội "rỉ tai nhau", cô Lêna luôn nằm trong top đầu thầy cô ôn luyện chứng chỉ tiếng Anh quốc tế "đình đám" nhất.

Lê Tú

(Email: lengoctu@dantri.com.vn)