Vợ chồng cử nhân khuyết tật về quê bán hàng rong mưu sinh

(Dân trí) - Hai vợ chồng khuyết tật bẩm sinh, vượt lên mọi khó khăn, họ đã tốt nghiệp đại học. Mong muốn có được một việc làm ổn định nhưng vô vọng, họ về quê, sống cuộc đời đạm bạc, chồng bôn ba bán hàng rong, vợ ở nhà lo cuộc sống gia đình.

Chúng tôi tìm đến căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Khương Hữu Hậu (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Hiền (26 tuổi) ở thôn Tân Tự, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa. Những ngày này, mặc cho trời rét buốt thấu xương nhưng anh Hậu vẫn cố gắng đi bán hàng. Cả gia đình ba người chỉ trông chờ vào khoản tiền ít ỏi mà anh Hậu kiếm được mỗi ngày nhờ bán hàng rong.


Sau khi bài viết được đăng trên báo điện tử Dân trí, đông đảo độc giả gửi bình luận ngỏ ý muốn động viên vợ chồng anh Hậu chị Hiền (thôn Tân Tự, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa). Độc giả có thể chia sẻ với vợ chồng anh Hậu qua số điện thoại: 0973 280 881
Tâm sự với chúng tôi, anh Hậu cho biết, anh sinh ra trong một gia đình có ba anh chị em. Số phận không may mắn đối với anh, khi mới sinh ra đã mắc phải căn bệnh teo cơ. Khi lớn lên mắc thêm nhiều chứng bệnh nan y khác, gia đình không đủ tiền chữa trị nên không thể đứng lên đi được. Bằng sự cố gắng và nỗ lực của bản thân, sau nhiều năm anh Hậu đã học xong chương trình ở các cấp học.

Với ước mơ có được tấm bằng Đại học và một việc làm để không phải phụ thuộc vào gia đình. Năm 1999, sau khi học xong cấp 3, anh Hậu đã thi đậu vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đang học tại đây được một học kỳ thì anh phải nghỉ học giữa chừng vì sức khỏe yếu. Một năm sau đó, anh lại dự thi và đậu vào trường ĐH Sư phạm 1 Hà Nội, thêm một lần nữa anh lại phải lỡ hẹn với giảng đường vì liên tục bị những cơn đau hành hạ.

 Vợ chồng anh Hậu bên mẹ già và đứa con nhỏ, ở thôn Tân Tự, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa.
 Vợ chồng anh Hậu bên mẹ già và đứa con nhỏ, ở thôn Tân Tự, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa.

Năm 2003, khi sức khỏe đã ổn định, anh Hậu lại tiếp tục thi vào trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội và đậu với số điểm cao. Sau bốn năm miệt mài đèn sách, đến năm 2007, anh Hậu ra trường. Bám trụ lại thủ đô một năm với mong muốn kiếm được công việc phù hợp tại đây nhưng số phận lại không “mỉm cười” với anh.

Anh Hậu quyết định về quê và mở lớp dạy kèm môn Toán cho các em học sinh trong xã. Nhờ sự dìu dắt, giúp đỡ nhiệt tình của “thầy Hậu” mà nhiều em học sinh đã thi đỗ vào các trường Đại học, Cao đẳng. Cứ nghĩ cuộc đời rồi sẽ gắn bó với nghiệp “gõ đầu trẻ” để an phận, nhưng cuộc sống đã không như anh mong muốn.

Sau hơn ba năm kể từ ngày quen và đem lòng yêu thương chị Nguyễn Thị Hiền (SN 1987), quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, cả hai mảnh đời cùng số phận đã quyết định đến với nhau để thành một tổ ấm. Chị Hiền cũng bị khuyết tật từ nhỏ, đôi chân teo tóp đi lại rất khó khăn và không thể làm được việc gì nặng. Bằng sự nỗ lực của bản thân, chị Hiền cũng đã tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên với tấm bằng loại Giỏi.

 Sản phẩm bút tre do anh Hậu làm ra rất công phu và tỉ mỉ.
 Sản phẩm bút tre do anh Hậu làm ra rất công phu và tỉ mỉ.

Anh phải lao động thêm nhiều nghề để duy trì cuộc sống của gia đình.
Anh phải lao động thêm nhiều nghề để duy trì cuộc sống của gia đình.

Trước khi lập gia đình và theo chồng về Thanh Hóa, chị Hiền đã từng đi dạy học ở một Trung tâm người khuyết tật và dạy kèm thêm Tiếng Anh. Về chung sống với nhau được một năm, đầu năm 2013, chị Hiền sinh con nên không thể làm được việc gì phụ giúp chồng. Sức khỏe yếu lại thường xuyên đau ốm, nhiều lúc chăm con cũng không nổi chứ nói gì đến làm việc kiếm tiền.

Có được một người vợ hiền, một đứa con trai kháu khỉnh là niềm vui và hạnh phúc lớn đối với anh Hậu. Nhưng đổi lại, đôi vai anh lại nặng gánh hơn để kiếm tiền duy trì cuộc sống gia đình nhỏ. Chỉ dạy kèm thì số tiền công cũng chẳng được là bao, anh Hậu đã quyết định nghỉ dạy học và chuyển nghề đi bán hàng rong kiếm sống qua ngày.

Đôi vợ chồng “cử nhân khuyết tật” Khương Hữu Hậu và Nguyễn Thị Hiền.
Đôi vợ chồng “cử nhân khuyết tật” Khương Hữu Hậu và Nguyễn Thị Hiền.

Dù đôi chân bị tật không đứng lên đi lại như người thường được, nhưng hàng ngày anh phải len lỏi khắp nơi. Anh Hậu bảo, khắp các chợ ở trong tỉnh Thanh Hóa, rồi có khi còn đi ra tới cả Thái Bình, Nam Định anh đều tìm đến. Anh bán đủ các thứ hàng khác nhau từ thứ nhỏ nhất như: gói tăm, bông tai, bàn chải đánh răng, gương, lược, bút đến mắt kính, đồ chơi trẻ em…

Mỗi ngày anh cố gắng đi đến nhiều chợ cũng chỉ được lãi từ 50 - 100 nghìn đồng. Số tiền đó chẳng thấm là bao so với những khoản phải trang trải cho cuộc sống gia đình. Cuộc sống gia đình giờ đè nặng lên đôi chân teo tóp của anh với đủ các khoản phải chi khác nhau như: tiền mua gạo, mua sữa, mua thuốc cho con…

Hai vợ chồng chị Hiền hạnh phúc với đứa con trai kháu khỉnh.
Hai vợ chồng chị Hiền hạnh phúc với đứa con trai kháu khỉnh.

Không chỉ là người siêng năng chăm chỉ, anh Hậu còn là người có đôi tay khéo léo. Anh đã mày mò tự làm ra những cây bút tre, những cành hoa giấy để bán kiếm thêm thu nhập, hay mỗi khi đi bán hàng về, anh Hậu lại lao vào bếp để nấu ăn giúp vợ con. Hai mảnh đời khiếm khuyết đã nương tựa vào nhau trong một mái ấm tuy đơn sơ mà thật ấm cúng.

Vừa trò chuyện, anh Hậu vừa soạn sửa hàng hóa cho chuyến đi của ngày mới. Lúc chúng tôi ra về, cũng là lúc anh lên chiếc xe ba bánh bắt đầu chuyến hành trình rong ruổi trên những nẻo đường mưu sinh. Chúng tôi cứ băn khoăn mãi về mong muốn của đôi vợ chồng khuyết tật là làm sao có được một công việc phù hợp, ổn định để không còn phải bôn ba khắp nơi kiếm sống nhưng với họ sao thật khó khăn...

Thái Bá - Duy Tuyên