Vinh danh mà thu tiền dưới mọi hình thức đều vi phạm quy định

(Dân trí) - Trong thời gian vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp, cơ quan, cá nhân nhận được nhiều lời mời tham gia vinh danh, trao giải thưởng với nhiều danh hiệu khác nhau… đặc biệt, để tham dự các buổi vinh danh này, các cá nhân hay doanh nghiệp đều phải đóng tiền. Vậy, việc vinh danh này có đúng pháp luật, có đúng thẩm quyền?

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Luật Sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ Tịch công ty luật S&B (SBLAW) về vấn đề này.


Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Thưa Luật sư Nguyễn Thanh Hà, dưới góc độ pháp lý ông nhìn nhận như thế nào về việc một số tổ chức, liên hiệp hội đứng ra phối hợp bảo trợ, tổ chức các buổi lễ vinh danh doanh nhân, doanh nghiệp hay tổ chức cá nhân và mời chào người được vinh danh đóng tiền?

Qua theo dõi tôi thấy nhiều chương trình vinh danh vi phạm quyết định số 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp.

Một trong sai phạm phổ biến hiện nay là các công ty truyền thông phối hợp với các đơn vị có chức năng để tổ chức vinh danh, giải thưởng hoặc trao danh hiệu. Sau đó, các công ty truyền thông này lấy danh nghĩa các đơn vị có chức năng đó để tiến hành mời chào thu tiền các đối tượng được vinh danh. Thực tế, các công ty truyền thông thường không nghiên cứu kỹ các đơn vị có được thực hiện vinh danh hay không mà chủ yếu thu tiền, cấp danh hiệu.

Thứ hai, theo quy định hiện nay, các đơn vị tổ chức không được nhận tiền trực tiếp từ những đối tượng vinh danh vì theo quy định khoản 2 điều 4, Quyết định của Thủ tướng thì đơn bị tổ chức bị cấm Huy động kinh phí dưới các hình thức đối với cá nhân, tổ chức trong danh sách tham gia bình chọn xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng và khoản 1 Điều 12 của Quyết định cũng nêu rõ Kinh phí tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp được hình thành trên cơ sở tự nguyện đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật và không vi phạm khoản 2 Điều 4 Quy chế này.

Tuy nhiên, phần lớn chương trình vinh danh hiện nay đều lấy tiền từ các đơn vị được vinh danh.

Bên cạnh đó, căn cứ vào Thông tư số 18/2015 quy định thi đua, khen thưởng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hiện nay đối với đối tượng nhà khoa học thì chỉ có duy nhất Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền trao các giải thưởng, kỷ niệm chương cho các nhà khoa học, còn các lễ vinh danh của các đơn vị, tổ chức khác theo quy định của Luật là chưa có, chưa có cơ sở pháp lý để vinh danh.

Vừa qua một đơn vị là Liên hiệp hội đứng ra bảo trợ cho buổi lễ vinh danh một chương trình quốc gia, nói về cơ sở pháp lý của hệ thống Luật cũng như quyết định, Nghị định thì được hiểu như thế nào thưa ông?

Hiện nay, đối với các hiệp hội muốn vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân thì phải căn cứ của quyết định 51/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó quy định rõ cơ quan, đơn vị được tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân.

Đó là bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp của doanh nghiệp có hệ thống tổ chức từ Trung ương đến cấp tỉnh…

Còn lại, các đơn vị khác không thuộc về đối tượng có thẩm quyền được trao các giải thưởng doanh nghiệp, cá nhân thì đều sai quy định của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, nếu đơn vị muốn vinh danh họ đưa ra tiêu chí riêng theo điều lệ hoạt động của tổ chức đó, theo ông lập luận như vậy đã xác đáng chưa?

Theo quan điểm của tôi, chúng ta đang tiến hành hoạt động này trên lãnh thổ Việt Nam nên những hoạt động vinh danh, trao giải thưởng phải căn cứ theo pháp luật hiện hành chứ không phải căn cứ vào những cái quy chế hay tổ chức không được quy định của Luật.

Hiện nay, chúng ta chỉ có hành lang pháp lý của Thủ tướng cũng như Thông tư của Bộ Khoa học & Công nghệ và Luật thi đua khen thưởng nên bắt buộc chúng ta phải căn cứ quy định của pháp luật hiện hành. Còn những quy định nào chưa phù hợp chúng ta có thể đề nghị các cơ quan nhà nước sửa đổi bổ sung.

Với công ty truyền thông lấy danh nghĩa tổ chức để thu tiền người được vinh danh thì họ có vi phạm và xử phạt không?

Các công ty truyền thông thu tiền của người được vinh danh thì liên quan tới cơ quan thuế. Nếu thu tiền của doanh nghiệp không có hóa đơn chứng từ mà cơ quan thuế phát hiện ra có thể vi phạm về Luật thuế.

Hiện nay, các công ty truyền thông thường có ý tưởng về chương trình và mời một tổ chức hoặc hiệp hội cùng tham gia. Sau đó, hiệp hội, tổ chức đứng ra chủ trì, còn các công ty truyền thông khai thác thị trường, đến các công ty, cá nhân mời chào tham dự chương trình vinh danh… nhưng cái dở của những vinh danh như vậy hiện giờ là sai quy định của luật, đặc biệt là không được nhận tiền từ người vinh danh.

Thứ hai, việc vinh danh, xét tiêu chí này chỉ là hình thức mà chủ yếu là thu tiền. Cái này đã trở thành một trào lưu rất nguy hiểm, các nhà báo phải lên tiếng phê phán.

Nhiều doanh nghiệp muốn danh nên đã treo đầy bằng khen, bảng vinh danh, mặc dù biết rằng cái đó không có giá trị và không nghiêm túc hay nhiều doanh nghiệp đang nợ đầm đìa nợ nhưng vẫn đăng ký nhận giải thưởng để PR cho bản thân mình.

Quan trọng nhất là một số đơn vị tổ chức vinh danh lấy tiền của doanh nghiệp, cá nhân được vinh danh nghĩa là bán giải thưởng nên lễ vinh danh càng ngày càng mất giá trị của nó đi.

Ví dụ, Giải thưởng Kovalevskaia hay Giải thưởng Sao Đỏ đưa ra tiêu chí rất chặt chẽ, Hội đồng xét duyệt rất kỹ với đối tượng được vinh danh. Tuy nhiên, đây là chương trình lớn nên kêu gọi được nhà tài trợ. Còn nhiều chương trình vinh danh, tôn vinh khác lại lấy tiền trực tiếp từ doanh nghiệp là không đúng.

Nhưng lấy tiền từ doanh nghiệp với hợp đồng kinh tế theo diện hỗ trợ truyền thông thì có vi phạm không thưa ông?

Hiện nay theo quyết định 51 của Chính phủ là vi phạm .

Xin trân trọng cám ơn Luật sư!

Hồng Hạnh (thực hiện)