Vĩnh biệt thầy của những bậc thầy

Gần trưa 3/2, mấy đồng nghiệp đã liên tiếp gọi điện thoại bằng một giọng thảng thốt, buồn thương, báo cho tôi biết tin giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn vừa mới từ trần.

Tôi thật sự bàng hoàng, vì mới đây - những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, tôi và hai bạn văn Vu Gia - Nguyễn Thanh Văn còn đến thăm, chúc tết thầy. Chúng tôi mừng vì thầy tuy ngồi xe lăn nhưng hồng hào, tỉnh táo. Càng mừng hơn vì thầy được vợ chồng cháu Hoa Qui - con trai và con dâu thầy, chăm sóc chu đáo, chí tình. Thầy trò chúng tôi trò chuyện vui vẻ. Xin phép thầy để ra về, thầy còn lưu giữ để tiếp tục câu chuyện - chuyện thơ, chuyện đời, chuyện dạy học... Mới đấy, có hơn mười ngày, vậy mà hôm nay chúng tôi phải vĩnh biệt thầy.
 
Vĩnh biệt thầy của những bậc thầy - 1
Giáo sư Lê Trí Viễn (trái) tại lễ thượng thọ 90 tuổi của giáo sư được tổ chức ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
 
73 năm dạy học
 
Dù biết ở tuổi 95 (1918-2012) thầy thuộc thế giới những người đại thọ, nhưng với quan hệ thầy trò gắn bó đã 56 năm, lòng riêng tôi không tránh được nỗi đau xót. Tâm trạng ấy chắc chắn không phải chỉ của riêng tôi, mà là của hàng trăm ngàn người đã được học thầy suốt 73 năm qua, từ năm 1939, lúc thầy dạy Trường tiểu học Bảo An - rất gần nơi chôn nhau cắt rốn của thầy (thôn Bào Đông, xã Điện Hồng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Trong lịch sử giáo dục của dân tộc ta, có ai đạt đến tuổi nghề cao như thế không?
 
Từ điểm xuất phát ban đầu khiêm tốn ấy, thầy lần lượt được tổ chức tín nhiệm giao cho những nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn: dạy trung học trong những năm kháng chiến chống Pháp (1946-1954), biên soạn sách giáo khoa (1955-1957), dạy đại học (từ năm 1958) và trên đại học (từ năm 1973). Thầy đã lãnh đạo khoa ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong 15 năm liền (1963-1978), nhưng rồi thầy đã từ chối chức vụ hiệu trưởng nhà trường và chuyển vào giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Đến tuổi hưu, thầy vẫn tiếp tục nhận lại lời mời của trường, tham gia hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ, đồng thời làm hiệu trưởng một trường tư thục nổi tiếng có tới hơn 6.000 học sinh - Trường trung học phổ thông Nguyễn Khuyến. Càng gần gũi, hiểu thầy, chúng tôi càng quý trọng thầy về nhiều phương diện.
 
Thầy đã nêu gương sáng về công phu học tập - tự học thật lặng lẽ, kiên trì và quyết liệt. Tự học để đỗ thủ khoa kỳ thi tú tài triết học năm 1945. Tự học để chiếm lĩnh những tri thức khoa học liên ngành, cần thiết cho việc giảng dạy và nghiên cứu văn học. Tự học để từ cái vốn chữ Nho ít ỏi được người cha truyền dạy thuở ấu thơ và trình độ tiếng Pháp còn hạn chế của bậc cao đẳng tiểu học để rồi nắm vững hai ngôn ngữ quan trọng bậc nhất ấy, tạo đà cho việc nghiên cứu văn học cổ, soạn hàng ngàn trang giáo trình Hán Nôm và chuyển ngữ (hoặc góp phần chuyển ngữ) hàng chục tác phẩm kinh điển của V.Hugo, H.Balzac, A.Dante, Lỗ Tấn.
 
Người thầy tinh tế và tài hoa
 
Cũng như nhiều giáo sư, học giả nổi tiếng khác, từ lâu thầy đã hình thành cho mình sự gắn kết cần thiết giữa giảng dạy và nghiên cứu. Tính đến nay thầy đã cho công bố 46 công trình. Thầy tinh tế và tài hoa trong bình và giảng văn (Những bài giảng văn ở đại học - 1982, Bình thơ xuân  - 1986, Đến với thơ hay - 1997...). Thầy là đồng tác giả của bộ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam dày hơn 1.000 trang, gồm ba tập (1958). Thời kỳ làm chuyên gia ở ĐH Bắc Kinh (Trung Quốc), thầy viết và cho xuất bản tại chỗ bộ sách Một số vấn đề về lịch sử văn học Việt Nam (1961). Các tác gia lớn của văn học cổ điển như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến... được thầy quan tâm đặc biệt trong nhiều công trình dày dặn.

 

Lễ viếng giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn bắt đầu từ chiều 3-2 tại tư gia ở địa chỉ nhà 68 đường A4, khu K300, P.12, Q.Tân Bình, TP.HCM. Lễ động quan sẽ được tổ chức lúc 7g30 ngày 6-2, sau đó đưa đi an táng tại nghĩa trang huyện Củ Chi, TP.HCM.

Trên cơ sở “thâm canh” ấy, thầy đã có hai chuyên luận mang tính khái quát cao: Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1996), Quy luật phát triển của lịch sử văn học Việt Nam (1998). Bộ Lê Trí Viễn toàn tập (2006) gồm bảy cuốn, non 6.000 trang khổ lớn là tập đại thành của những ngày thầy miệt mài bên bàn viết, kể cả 15 năm làm chủ nhiệm khoa văn - một khoa lớn, đông hàng ngàn sinh viên - trong đó có non 10 năm sơ tán hết lên núi rừng Việt Bắc lại về với đồng ruộng Hưng Yên.
 
Sẽ là một thiếu sót nếu không đề cập những thành công của thầy trong lĩnh vực sáng tác. Hàng chục truyện ngắn đăng trên các tạp chí văn nghệ của Liên khu 4 (Thương nữ, Núi che mặt trời, Trường học Lương Sơn Bạc...), qua đó có thể thấy niềm vui và lòng tin của tác giả trước “chất lãng mạn và khí phách Việt Nam kháng chiến”. Là một người thiên về sống nội tâm, thầy thường tìm đến với thơ ca. Những câu thơ có khi rất tài hoa:
 
Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng
Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn
Anh đến với em đêm thần tiên ấy
Trăng với đèn chếnh choáng hơi men.
 
Không ít bài thơ lại có ý vị khác - chân mộc, lắng đọng lại ngân vang rất sâu. Chẳng hạn, trong dịp thầy đưa cả đại gia đình từ TP.HCM và Hà Nội về thăm quê hương. Quê đấy, nhưng nhà đâu, mẹ già tần tảo nơi đâu... ở tuổi 86, thầy đã nghẹn ngào xúc động:
 
Có quê mà chẳng có nhà
Đành đem giấc ngủ gửi bà con thôi
Nửa đêm sực tỉnh bồi hồi
Mẹ ơi, con chết nửa người, mẹ ơi!
 
Tác giả của những câu thơ thấm đẫm nghĩa tình ấy, nhà nghiên cứu uyên bác và cẩn trọng ấy, nhà giáo hết lòng vì học trò ấy - giáo sư - nhà giáo nhân dân Lê Trí Viễn, giờ đây đã thành người thiên cổ. Bình tĩnh nghĩ lại, đúng như Nguyễn Công Trứ đã viết, đó là “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử” (Người đời từ xưa ai mà không chết). Nhưng điều quan trọng hơn, có thể tin thầy tôi cũng như các học giả khả kính tiền bối đã qua đời sẽ tiếp tục hiện diện trong cuộc sống hôm nay, ân cần nhắc nhở chỉ dẫn các thế hệ trí thức lối sống, cách sống và lý tưởng sống, bởi vì thầy đã “lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh” (cốt được tấm lòng son lưu truyền sử xanh).
 
Theo Trần Hữu Tá
Tuổi Trẻ