Việt Nam đã đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục tiền tiểu học cho tất cả trẻ em

(Dân trí) - Ông Achim Fock, Giám đốc Các chương trình dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: “Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ đối với phát triển giáo dục. Thông qua chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Việt Nam đã bảo đảm quyền tiếp cận ít nhất một năm giáo dục tiền tiểu học cho tất cả trẻ em, tiếp theo đó là giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông".

Hội thảo quốc tế: “Bảo đảm tất cả trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, chuẩn bị sẵn sàng vào lớp 1" do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với World Bank và UNICEF tổ chức vào ngày 12/6.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội thảo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc hội thảo

Tham dự Hội thảo có 290 đại biểu đến từ 11 nước, trong đó có các đại biểu quốc tế là các học giả, nhà nghiên cứu và cán bộ chỉ đạo GDMN ở khu vực và các nước: Mỹ, Singapore, Trung Quốc, Úc, Ấn Độ, Mông Cổ, Siri Lanca, Băng-La-Đét, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào...

Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, cập nhật xu hướng chăm sóc và phát triển trẻ thơ trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục mầm non có vai trò quan trọng, đặt nền móng đầu tiên cho sự phát triển thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ của trẻ em. Nhận thức sâu sắc vấn đề này, Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến giáo dục mầm non và đã ban hành nhiều chính sách phát triển.

Tuy nhiên giáo dục mầm non Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Trẻ lứa tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non còn thấp và còn khoảng cách giữa các vùng, miền về giáo dục mầm non (đặc biệt là vùng núi cao, vùng Đồng bằng sông Cửu Long…).

Bộ trưởng Nhạ đánh giá cao các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như World Bank, UNICEF, Unessco, NGOs thời gian qua đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với giáo dục mầm non Việt Nam, Đặc biệt, World Bank đã hỗ trợ Dự án “Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non 2013-2017”; đồng thời đề nghị thời gian tới World Bank, UNICEF cũng như các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục hỗ trợ giáo dục mầm non Việt Nam.

Tại hội thảo, nhiều diễn giả cao cấp trong nước và quốc tế chia sẻ tham luận về những vấn đề nổi bật của giáo dục mầm non trên thế giới và trong khu vực như: chính sách, chương trình phát triển, điều kiện đảm bảo chất lượng, sự phối hợp liên ngành trong chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ thơ theo điều kiện của mỗi nước, mỗi đơn vị.

Đặc biệt nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế cũng chia sẻ những kinh nghiệm, thành quả thực tiễn trong quá trình triển khai giáo dục mầm non nói chung và trong công tác tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ nói riêng.


Thông qua Hội thảo quốc tế lần này, những vấn đề then chốt và có tính thời sự của giáo dục mầm non các nước và tổ chức tham gia và đặc biệt tại Việt Nam đã được đánh giá, phân tích sâu.

Thông qua Hội thảo quốc tế lần này, những vấn đề then chốt và có tính thời sự của giáo dục mầm non các nước và tổ chức tham gia và đặc biệt tại Việt Nam đã được đánh giá, phân tích sâu.

Ông Achim Fock, Giám đốc Các chương trình dự án của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định “Việt Nam đã có cam kết mạnh mẽ đối với phát triển giáo dục. Thông qua chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Việt Nam đã bảo đảm quyền tiếp cận ít nhất một năm giáo dục tiền tiểu học cho tất cả trẻ em, tiếp theo đó là giáo dục tiểu học và giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải tham vọng hơn và tuyên bố rằng quyền tiếp cận giáo dục, đơn giản cho trẻ ngồi trong lớp học là chưa đủ. Giáo dục phải có chất lượng cao để bảo đảm trẻ học tập được”.

“Đầu tư vào phát triển tuổi thơ là đầu tư với chi phí thấp và có hiệu quả cao nhất nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam. Những can thiệp ngay từ sớm cho trẻ em sẽ giúp các em đạt được nhiều thành công khi các em đến tuổi đi học tiểu học và giúp cải thiện sức khỏe cũng như giúp các em phát triển toàn diện.

Khi trưởng thành, các em sẽ có cơ hội có việc làm tốt hơn, có thu nhập cao hơn, sức khỏe tốt hơn và lệ thuộc ít hơn vào phúc lợi xã hội”, Ông Youssouf Abdel Jelil, Đại diện UNICEF Việt Nam phát biểu.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: “Phát triển giáo dục mầm non, tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ là yếu tố quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Trong 5 năm vừa qua, 63/63 tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đặc biệt, Dự án Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mầm non được coi là một dự án lịch sử, đóng góp quan trọng cho công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Đây là dự án đầu tiên của giáo dục mầm non hỗ trợ thực hiện chính sách phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi”.

Nhật Hồng