Vì sao phụ huynh và giáo viên “kêu ca” về VNEN?

(Dân trí) - “Sau một thời gian con tôi học lớp 2 chương trình VNEN, các bài văn đều học thuộc lòng như bài hát. Đi họp phụ huynh, cô giáo khen cả lớp học tốt, chẳng chê bạn nào, cả học sinh yếu. Tôi hỏi con có hiểu bài không? Cháu bảo chưa hiểu lắm nhưng cô không có thời gian để hướng dẫn cặn kẽ”, một phụ huynh ở Hà Nội chia sẻ về chương trình giáo dục VNEN.

Học sinh yếu không theo kịp

Kết thúc năm học vừa qua, chị Minh Nguyệt (Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi, con chị học lớp 2 chương trình VNEN Ngay đầu năm học, chị đã định xin cho con học lớp khác vì tham khảo ý kiến một số phụ huynh, nhiều người quan ngại con không theo kịp.

Tuy nhiên, do việc xin chuyển khó khăn nên chị quyết định tiếp tục cho con theo đuổi. Một thời gian sau, một số học sinh là con giáo viên trong trường đang học cùng lớp con chị đều xin chuyển qua lớp khác mà không hiểu vì sao.

Phụ huynh này cho hay, trong năm học đó, các bài văn của các con đều học thuộc lòng như bài hát mẫu giáo. Đi họp phụ huynh, cô giáo khen cả lớp học tốt, chẳng chê bạn nào, cả học sinh yếu. Tôi hỏi con có hiểu bài không? Cháu bảo chưa hiểu lắm nhưng cô không có thời gian để hướng dẫn cặn kẽ.

“Những môn không học theo cách mới như tiếng Anh, nhạc, họa, con phải ngồi vòng tròn, chia bàn. Con bảo với tôi, nhìn bảng rất mỏi cổ vì phải ngoái lại. Tôi động viên con cố lên vì trót học mất rồi nhưng cháu bảo, học thì vui đấy nhưng nhiều bạn như con, không theo kịp nhiều bạn khác”, chị Nguyệt nói.


Một lớp học VNEN ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh)

Một lớp học VNEN ở Củ Chi (TP Hồ Chí Minh)

Cô Thu Hằng, một giáo viên ở Hà Tĩnh cho hay, học VNEN có nhiều tiến bộ, giúp học sinh hứng thú học tập và đỡ khô khan hơn. Tuy nhiên, còn một số điểm, còn bất ổn.

Cô phân tích, nếu ngày xưa, giáo viên giảng cho học sinh hiểu được bản chất để hiểu ra vấn đề thì với mô hình này, các con phải tự tìm tòi kiến thức theo tài liệu hướng dẫn, sau đó mới rút ra quy luật. Trong khi lớp có học sinh đông, giáo viên không đủ thời gian để hướng dẫn học sinh nên nhiều học sinh yếu không theo kịp.

“Việc mỗi nhóm có nhóm trưởng để hướng dẫn cho các bạn nhưng với trình độ của nhóm trưởng, không thể hiệu cặn kẽ như giáo viên. Các nhóm trưởng này nhiều em trình độ cũng không quá xuất sắc nên không đủ bản lĩnh để hướng dẫn cho các bạn”, cô Hằng chia sẻ.

Ngoài ra, theo một số giáo viên khác, giáo trình của chương trình giáo dục này còn chưa khoa học. Nội dung trong sách được thiết kế sẵn, học sinh chỉ cần đọc và bắt chước một cách máy móc nên gây nhàm chán, có thể thuộc lòng nhưng không hiểu.

Gánh nặng cả học sinh và phụ huynh

Được biết, Dự án “Mô hình Trường học mới Việt Nam” (hay còn gọi là Dự án GPE-VNEN) do Quỹ Hỗ trợ giáo dục toàn cầu (Global Partnership for Education - GPE) tài trợ cho Việt Nam nghiên cứu, vận dụng để triển khai. UNESCO tại Việt Nam là cơ quan giám sát và điều phối cùng một số đối tác phát triển giáo dục tại Việt Nam. Thời gian triển khai Dự án là 41 tháng (từ 1-2013 đến hết tháng 5-2016).

Sau thời gian thí điểm vào năm học 2011-2012, tại 6 tỉnh (Lào Cai, Hòa Bình, Hà Giang, Kon Tum, Đác Lắc và Khánh Hòa), cho 12 huyện, 24 trường và 48 lớp 2, Dự án Mô hình Trường học mới chính thức được triển khai vào năm học 2012-2013, cho tất cả 63 tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Với 1.447 trường và được chia thành 3 nhóm tỉnh: Nhóm bao gồm 20 tỉnh thuộc vùng khó khăn, với 1.143 trường; Nhóm bao gồm 21 tỉnh, ở mức trung bình, với 282 trường; Nhóm bao gồm 22 tỉnh, thành phố, có nhiều thuận lợi, với 22 trường.


Nhiều học sinh mỏi cổ vì ngoái lại nhìn bảng

Nhiều học sinh mỏi cổ vì ngoái lại nhìn bảng

Chia sẻ với PV Dân trí, một giáo viên ở Quảng Bình cho hay, chương trình giáo dục VNEN sẽ phát huy tác dụng tốt nếu giáo viên năng động và biết phát huy hiệu quả. Bản thân cô làm chủ nhiệm 3 năm, thì thấy học sinh tiến bộ rõ rệt khi áp dụng mô hình này.

Tuy nhiên, điều cần thiết nhất, giáo viên phải có kiến thức xã hội và kiến thức cuộc sống tốt, nếu máy móc, không phát huy được ưu thế sẽ phản tác dụng. “Dạy mô hình này phải hạn chế dùng bảng, nên hướng dẫn các em lúc nào nhìn bảng, khi nào học nhóm. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện thiếu hiệu quả vì học sinh quá đông, phòng học chật, bàn ghế chưa đúng quy cách”, giáo viên này cho biết.

Ngoài ra, theo cô giáo Thu Hằng, hiện nay giá của bộ sách VNEN đắt hơn gấp nhiều lần so với SGK hiện hành. Đành rằng sách rất đẹp nhưng giá cả thế này, với học sinh quá nặng. Thí dụ, nếu mua một bộ 22 quyển, giá 477. 200 đ/bộ. Nếu mua 16 quyển, có giá 367.200 đ/bộ. Với một gia đình nông thôn, với giá thành này, sẽ là gánh nặng cho nhiều người.

Theo cô Hằng cùng một số giáo viên, bộ GD&ĐT cần tính toán để giảm giá thành và bán đại trà ra thị trường để học sinh dễ dàng tìm mua khi năm học mới sắp đến.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)