Góp ý đổi mới thi tốt nghiệp THPT:

Vì sao học sinh “quay lưng” với môn xã hội?

(Dân trí) -Trong trường phổ thông, việc học sinh không "mặn mà" với các môn khoa học xã hội đã diễn ra từ lâu. Thực tế qua thống kê số hồ sơ thi đại học nhiều năm thì hầu hết học sinh đăng ký các môn tự nhiên, thí sinh khối C rất ít, chỉ chiếm khoảng 5-10%.

Góp ý về đổi mới thi tốt nghiệp THPT hiện nay, thầy Vũ Quốc Lịch - giáo viên Trường THPT Hà Nội - Amterdam đã chỉ rõ nguyên nhân vì sao học sinh ít chọn học môn xã hội.
 
Mỗi năm thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ khối C chỉ chiếm 5 - 10%.
Mỗi năm thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ khối C chỉ chiếm 5 - 10%.

Chọn thi môn tự nhiên bởi dễ được điểm cao hơn

Một điều dễ nhận thấy là hiện nay các môn xã hội được thi theo hình thức tự luận còn Lý, Hóa, Sinh thì được thi theo hình thức trắc nghiệm. Trắc nghiệm dễ ăn điểm hơn tự luận. Thi trắc nghiệm với 4 phương án chọn 1 thì dù không học gì nhưng đánh dấu theo xác suất cũng có thể được 2,5 điểm/10 điểm toàn bài. Còn thi tự luận thì đương nhiên không học thì làm gì được điểm!

Trong các kì thi vừa qua, số mã đề trắc nghiệm trong mỗi phòng thi thường là 6-8 đề. Nếu mỗi phòng thi có 24 thí sinh, thì trong phòng thi có 3-4 em trùng mã đề nhau. Việc đánh số báo danh “dích dắc” trong phòng thi nhằm làm cho các học sinh (HS) ngồi gần nhau không bị trùng đề, nhưng cũng không khó để HS sớm phát hiện ra trong phòng thi những ai là “đồng minh” của mình để rồi có cơ hội thì trao đổi (có khi chỉ dùng kí hiệu) thông tin đáp án cho nhau.

Thi trắc nghiệm nếu trong phòng thi có vài em học khá và việc trông thi chỉ hơi lơi lỏng thì kết quả thi không còn gì là khách quan nữa. Cuộc thi tốt nghiệp THPT không có tính cạnh tranh như thi đại học, hơn nữa các thí sinh lại là bạn bè biết nhau nên dễ trao đổi, bảo bài nhau. Khi thi trắc nghiệm việc hỏi bài, nhìn bài và tích (tô) theo ý đúng quá dễ; còn thi tự luận thì nhìn bài và chép bài khó hơn, lâu hơn, dễ bị lộ hơn.

Được đăng kí môn thi hiển nhiên là HS thích thi các môn tự nhiên để được thi trắc nghiệm hơn rồi. Giả sử như Bộ thay đổi lại là các môn tự nhiên cũng phải thi tự luận như trước đây thì chắc chắn tình hình sẽ khác hiện tại ngay, sẽ có không ít HS lại quay ra đăng kí thi các môn xã hội.

Một giả định ở mức cao hơn: nếu Bộ cho đổi lại là các môn tự nhiên thi tự luận, còn Địa, Sử được thi trắc nghiệm thì tôi tin chắc tỉ lệ đăng kí môn thi tốt nghiệp nếu không đảo ngược thì chí ít cũng là 50 - 50%.

Gọi là thi “trắc nghiệm khách quan” nhưng nó chỉ “khách quan” khi thi nghiêm túc. Điều này lí giải tại sao cũng là thi trắc nghiệm nhưng khi thi tốt nghiệp Lý, Hóa, Sinh có kết quả rất cao nhưng trong kì thi đại học sau đó với đa phần là kiến thức cơ bản mà rất nhiều em lại được điểm thấp, thậm chí chỉ đạt 1-2 điểm.

Ít cơ hội!

Trong trường phổ thông việc học sinh không mặn mà với các môn khoa học xã hội đã diễn ra từ lâu. Thực tế qua thống kê số hồ sơ thi đại học nhiều năm thì hầu hết HS đăng ký các môn tự nhiên, thí sinh thi khối C rất ít chỉ chiếm khoảng 5-10%. Không chỉ có vậy chất lượng bài thi đại học, cao đẳng các ngành thuộc khối C cũng thấp.

Nguyên nhân quan trọng nhất phải khẳng định là do học khối C thì HS quá ít cơ hội, ít trường, ít ngành được cho là “hot” ở các trường đại học tuyển. Và học xong các môn khối C ra trường cũng khó kiếm việc làm.

Sự “lên ngôi” của các ngành kinh tế, khoa học kĩ thuật, công nghệ với khả năng kiếm tìm cơ hội việc làm nhiều hơn, thu nhập cao hơn đã đẩy các ngành khoa học xã hội xuống hàng thứ yếu và trong nhà trường các môn xã hội bị coi là các môn “phụ” bố trí ít tiết giảng dạy, coi nhẹ trong đánh giá kết quả và HS cũng ít đầu tư cho các môn học xã hội. Thực tế trong nhiều gia đình, phụ huynh chỉ nhắc nhở con em mình làm Toán, Lý, Hóa chưa chứ mấy ai nhắc học Địa, Sử, Giáo dục công dân.

Trường học là môi trường rèn luyện, nhưng sự rèn của HS giờ không vô tư như trước mà mang tính thực dụng quá cao. HS dành thời gian cho các môn tự nhiên hơn không hẳn là HS yêu các môn tự nhiên hơn, mà quan trọng nhất là do các môn tự nhiên mang lại cho HS nhiều cơ hội nghề nghiệp. Nếu cứ chiều theo HS, bảo em thích gì thì học, không thì thôi, tin rằng đa số chọn hướng được chơi cho sướng, thoải mái đầu óc chứ chẳng tội gì mà phải học bởi cái sự học bao giờ chẳng vất vả gian nan.

Chưa phù hợp

Bộ môn xã hội với các vần đề xã hội có sức thu hút cao. Nhưng với nội dung không cập nhật và thiếu tính thực tiễn có thể làm tăng thêm tâm lí chán nản cho người học.

Ý nghĩa lớn lao nhất của việc học lịch sử không phải để HS nhớ các con số, sự kiện mà để hun đúc lòng yêu nước, tinh thần dân tộc cho các thế hệ HS. Việc giáo dục ấy có khi bằng ngay những câu chuyện về những con người cụ thể. Tiếc thay, sách giáo khoa (SGK) lịch sử có thừa những con số nhưng lại thiếu trang viết, thiếu hình ảnh về những con người như thế.

Điển hình là trường hợp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị Tổng tư lệnh tối cao đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng trong lịch sử kháng chiến của dân tộc mà trong đó nổi bật là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, chiến thắng đã làm sụp đổ chế độ thực dân cũ; và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Những chiến dịch quan trọng, là mốc son của lịch sử Việt Nam này đều hiện diện trong các trang sách nhưng tên tuổi, cuộc đời của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người được cả thế giới phải khâm phục về tài cầm quân và nhân cách “dĩ công vi thượng” của ông, lại không hề được nhắc đến.

Ngoài ra, một số sự kiện lịch sử quan trọng, dư luận xã hội rất quan tâm cũng không được đề cập một cách đầy đủ, xứng đáng trong sách giáo khoa.

Khi bắt đầu làm SGK cho chương trình cải cách giáo dục từ năm 2002, Bộ Giáo dục đã có định hướng “giảm tải” ở các môn. Song kết cục thì dường như kiến thức môn nào cũng được cập nhật nhiều hơn, sách dày hơn, to hơn trước rất nhiều. Nội dung địa lí trong trường phổ thông cũng không ngoại lệ. Trước khi cải cách, SGK Địa lí lớp 12 dày 96 trang khổ 14,5 x 20,5 cm với 27 bài; còn SGK lớp 12 chương trình cơ bản sau cải cách hiện đang thực hiện có 208 trang khổ 17 x 24 cm với 45 bài. So với chương trình cũ, SGK mới có thêm hẳn phần địa lí tự nhiên.

Vũ Quốc Lịch