Vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có thể bị buộc giải thể

(Dân trí) -Dự thảo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Thủ tướng Chính phủ ban hành đang được đăng tải để xin ý kiến. Theo dự thảo, mức phạt tiền cao nhất đối với cá nhân là 50 triệu đồng và với tổ chức là 100 triệu đồng.

Dự thảo cho biết, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; Phạt tiền: Mức phạt 50 triệu đồng đối với cá nhân; 100 triệu đồng đối với tổ chức. Cùng một hành vi vi phạm mức phạt đối với cá nhân bằng một phần hai mức phạt đối với tổ chức.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng quyết định cho phép thành lập, quyết định cho phép hoạt động giáo dục, giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động giảng dạy, giáo dục có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; Trục xuất.

Ngoài các hình thức xử phạt theo quy định trên, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc giải thể cơ sở giáo dục hoặc chấm dứt hoạt động giáo dục; Buộc hủy bỏ kết quả các môn thi hoặc chấm lại bài thi; Buộc thực hiện giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập, làm luận văn, luận án bổ sung đủ nội dung, chương trình quy định; cung ứng tài liệu, thiết bị theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.

Buộc hủy bỏ quyết định hoặc quy định trái thẩm quyền; Buộc khôi phục quyền lợi học tập của người học, bảo đảm quyền của người được cấp văn bằng, chứng chỉ; thu hồi văn bằng, chứng chỉ đã cấp trái phép; Buộc hoàn trả người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức hoàn trả do hành vi vi phạm hành chính gây ra; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất các sách giáo khoa, tài liệu, thiết bị giáo dục đã nhập khẩu trái phép…

Dự thảo nâng mức phạt lên khá cao đối với một số hành vi vi phạm. Chẳng hạn như phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm nhân phẩm, thân thể, danh dự của nhà giáo, nhân viên cơ sở giáo dục. Mức xử phạt tối đa tăng lên gấp 4 lần so với quy định hiện hành.

Theo đánh giá của Ban soạn thảo, sau khi được ban hành, Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP đã tạo lập khung pháp lý quan trọng cho việc xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục góp phần răn đe, phòng ngừa sai phạm trong hoạt động của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục. Mặc dù vậy qua thực tế triển khai Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Khung tiền phạt quy định tại Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP đến nay quá thấp, không đủ sức răn đe.

Một số hành vi vi phạm, thực tế đã xảy ra nhưng chưa có trong quy định để xử phạt, như: việc bố trí số lượng người học trong một lớp quá lớn làm ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo, các điều kiện về an toàn đối với người học…

Một số quy định mới được ban hành để tăng cường quản lý hoạt động giáo dục, theo đó các hành vi vi phạm mới phát sinh cần phải đưa vào quy định để xử phạt. Ví dụ: vi phạm các quy định về liên kết đào tạo, tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh…

Từ những lý do nêu trên cho thấy sự cần thiết phải ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục thay thế Nghị định số 49/2005/NĐ-CP và Nghị định số 40/2011/NĐ-CP. Việc ban hành Nghị định mới nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế những vi phạm trong hoạt động giáo dục, phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.

Dự thảo Nghị Định có 4 Chương, 31 Điều. Trong đó, chương 2 Hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả” gồm 8 Mục, 22 Điều. Cụ thể, mục 1 “Các hành vi vi phạm về thành lập cơ sở giáo dục và tổ chức hoạt động giáo dục”; mục 2 “Các hành vi vi phạm về hoạt động tuyển sinh, phổ cập giáo dục”; mục 3 “Các hành vi vi phạm về nội dung, chương trình, liên thông, liên kết trong nước”; mục 4 “Các hành vi vi phạm về tổ chức, tuyển sinh và đào tạo có yếu tố nước ngoài”; mục 5 “Các hành vi vi phạm về thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập”; mục 6 “Các hành vi vi phạm về quản lý, cấp phát và sử dụng văn bằng, chứng chỉ”; mục 7 “Các hành vi vi phạm đối với nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động và người học” và mục 8 “Các hành vi vi phạm về cơ sở vật chất, thiết bị, tài chính và các điều kiện đảm bảo chất lượng”.

Bạn đọc có thể đọc toàn bộ nội dung dự thảo của Nghị định tại website: http://moet.gov.vn/

S.H