Vi phạm đào tạo nghề, mức phạt tiền cao nhất là 150 triệu đồng

(Dân trí) - Bộ Lao động - thương binh và xã hội vừa công bố dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.


Vi phạm đào tạo nghề, mức phạt tiền cao nhất là 150 triệu đồng

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định này quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Dự thảo nghị định này do Bộ Lao động - thương binh và xã hội xây dựng, dự kiến cho phép thanh tra Bộ Lao động - thương binh và xã hội có thẩm quyền xử phạt tiền tối đa đối với cá nhân vi phạm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là 75 triệu đồng, đối với tổ chức, đơn vị vi phạm là 150 triệu đồng.

Vi phạm quy định về thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp; tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, mức phạt tiền thấp nhất từ 3.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Theo đó, sẽ tước quyền sử dụng quyết định thành lập, cho phép thành lập trong thời gian từ 6 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định trên. Hậu quả của việc vi phạm trên sẽ thu hồi quyết định thành lập, cho phép thành lập đối với hành vi vi phạm quy định. Buộc giải thể cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định.

Vi phạm quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp có mức phạt thấp nhất từ 5.000.000 triệu đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không nộp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo thời hạn quy định tại quyết định thu hồi của cơ quan có thẩm quyền. Cao nhất là hành vi tổ chức đào tạo mà chưa đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp với cơ quan có thẩm quyền với một trong các mức từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với trình độ sơ cấp; Từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với trình độ trung cấp; Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trình độ cao đẳng.

Theo đó, sẽ buộc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi vi phạm quy định; Buộc khôi phục quyền lợi học tập cho người học, hoàn trả cho người học các khoản đã thu, trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì buộc nộp vào ngân sách nhà nước; Buộc chuyển người học về địa điểm đã được phép hoạt động giáo dục nghề nghiệp …

Đối với vi phạm quy định về tuyển sinh đào tạo sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Vi phạm quy định về chỉ tiêu tuyển sinh phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi tuyển vượt từ 20% trở lên. Theo đó, sẽ buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển vượt đối với hành vi vi phạm quy định.

Ngoài phạt tiền, các cơ sở vi phạm tuyển sinh tùy mức độ sẽ bị buộc hủy bỏ kết quả trúng tuyển; Tùy mức độ sẽ áp dụng biện pháp xử phạt là buộc hoàn trả cho người học các khoản đã thu đối với hành vi vi phạm quy định. Trường hợp không xác định được người học để hoàn trả thì buộc nộp vào ngân sách nhà nước; Buộc thông báo công khai việc dừng tuyển sinh...

Theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, dự thảo nghị định này sẽ lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị tới hết tháng 3-2015 trước khi tổng hợp, hoàn thiện trình Chính phủ.

Hồng Hạnh