"Vắng bóng" khoa học dữ liệu ở hệ thống bài giảng đại học ở Việt Nam

(Dân trí) - Nhiều giáo sư uy tín ở Mỹ, Úc, Nhật lưu ý về việc "vắng bóng" các môn liên quan đến khoa học dữ liệu ở đa phần trường đại học Việt Nam.

Khoa học dữ liệu – nền tảng của cuộc CMCN lần thứ tư

Các giáo sư uy tín người Việt đang nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Michigan (Mỹ), Đại học Deakin (Australia), Viện JAIST (Nhật Bản) và công ty Adobe (thung lũng Silicon, Mỹ) cùng góp mặt trong Khóa học “Giới thiệu về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Khoa học dữ liệu" vừa diễn ra tại Trường Đại học Thủy Lợi.

Trở về Việt Nam tổ chức Khoá học về Khoa học Dữ liệu trong chương trình hoạt động của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), khi liên hệ với Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, GS Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản – JAIST) đặt vấn đề: dưa hấu và thịt lợn có thể được số hóa và tính toán để thoát vòng luẩn quẩn "được mùa mất giá, được giá mất mùa" không?

Theo GS Hồ Tú Bảo (Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản – JAIST), đặc trưng của cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) lần thứ tư nói ngắn gọn là “sản xuất thông minh dựa trên đột phá của công nghệ số trên các hệ kết nối các phiên bản số và các thực thể (cyber-physical systems)”.

Giáo sư Bảo nhấn mạnh, khoa học dữ liệu liên quan nhiều đến đột phá các đột phá của dữ liệu lớn (Big data), đang và sẽ là một trong những công nghệ chủ chốt của của CMCN lần thứ 4. Đây là những tập dữ liệu rất lớn và/ hoặc rất phức tạp, vượt quá khả năng xử lý của các kỹ thuật công nghệ thông tin truyền thống.

Có thể định nghĩa đơn giản rằng khoa học dữ liệu là khoa học về sự phân tích các tập dữ liệu để tìm ra các quyết định cho hành động. Trong đó, dữ liệu chính là giá trị các thuộc tính của các đối tượng, có được do quan sát, đo đạc và thu thập (số hoá).


GS. Hồ Tú Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học dữ liệu.

GS. Hồ Tú Bảo nhấn mạnh tầm quan trọng của khoa học dữ liệu.

Vị giáo sư Việt tại Nhật định cho biết, khoa học dữ liệu đang được quan tâm ở tất các nước phát triển trong vòng vài năm vừa qua.

Chẳng hạn, nhân việc câu chuyện dưa hấu và thịt lợn rớt giá, bà con nông dân "khóc ròng" mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã chỉ ra rằng, nguyên nhân của tình trạng nằm ở “cung lớn hơn cầu và từ sản xuất, chế biến đến tìm kiếm thị trường còn yếu kém, dẫn đến dư thừa và bế tắc đầu ra”.

Từ dẫn chứng này, GS Hồ Tú Bảo đặt câu hỏi, tại sao chúng ta không "số hóa" dưa hấu và thịt lợn? Tại sao không làm cho những sản xuất này trở nên thông minh, phù hợp thị trường hơn?

"Phải chăng những việc nên làm đầu tiên trong cuộc CMCN lần thứ 4 của Việt Nam chính là làm nông nghiệp và du lịch thông minh; làm giáo dục, môi trường và y tế thông minh?", ông đặt vấn đề.

Diễn giả này lưu ý đến việc "vắng bóng" các môn liên quan đến khoa học dữ liệu ở đa phần các trường đại học Việt Nam. Ông cho rằng, CNCN 4.0 muốn thành công thì giáo dục cũng đóng vai trò không nhỏ. Ngay ở việc đào tạo tri thức mới cho sinh viên về cuộc cách mạng lần thứ 4 từ khi còn ngồi ghế giảng đường.


Hội thảo thu hút đông đảo người làm khoa học, giáo dục tham dự.

Hội thảo thu hút đông đảo người làm khoa học, giáo dục tham dự.

Các học giả Việt tại nước ngoài có mặt ở hội thảo cùng chung nhận định khoa học dữ liệu là trung tâm của công nghệ số và do đó là nền tảng của CMCN lần thứ tư đang bắt đầu diễn ra ở nhiều nước trên thế giới.

Trường đại học chuyển mình

GS Phùng Quốc Định (công tác Đại học Deakin, Australia) dự báo Việt Nam sẽ có thể trở thành nơi tiềm năng về phát triển công nghệ cao khoa học dữ liệu. Điều này tạo ra hàng triệu việc làm trong lĩnh vực này nhưng cũng sẽ thay thế công việc của hàng trăm triệu lao động giản đơn.

“Cần phải đẩy mạnh khoa học dữ liệu trong giáo dục. Hầu hết các trường đại học lớn trên thế giới đã có các môn học về khoa học dữ liệu và chắc chắn hầu hết các trường đại học khắp thế giới đều sẽ sớm có môn này. Theo tôi quan sát thì ở Việt Nam nhìn chung lĩnh vực khoa học dữ liệu chưa phát triển đúng mức của nó”, GS Phùng Quốc Định quan điểm.

GS Nguyễn Xuân Long (Đại học Michigan, Mỹ) cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, điểm quan trọng mà các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung để có thể khai thác được giá trị của dữ liệu là cần phát triển một “tư duy phân tích dữ liệu”, nuôi dưỡng một “văn hoá dữ liệu”. Điều này là một nhiệm vụ khó khăn. Thách thức và cơ hội đặt ra cho ngành giáo dục.

Các trường đại học không thể đứng ngoài cuộc CMCN lần thứ tư. Những thay đổi nhanh chóng về nhu cầu lao động sẽ gây ra sức ép lớn cho ngành giáo dục.


GS Phùng Quốc Định cho rằng, phải đẩy mạnh môn khoa học dữ liệu trong giảng dạy.

GS Phùng Quốc Định cho rằng, phải đẩy mạnh môn khoa học dữ liệu trong giảng dạy.

GS.TS Nguyễn Quang Kim, Hiệu trưởng Đại học Thủy lợi cho rằng, mọi hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của các trường đại học sẽ đối mặt yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới trong tương lai.

“Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới mô hình nhà trường là giải pháp rất cần thiết. Cần chuyển đổi mạnh mẽ sang mô hình đào tạo những gì thị trường sẽ cần”.

Chúng ta sẽ phải tập trung chú trọng đổi mới mô hình, chương trình đào tạo và phương thức tuyển sinh để thay đổi kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu”, GS.TS Nguyễn Quang Kim chia sẻ.

Ngoài ra, ông Kim cũng cho rằng, truyền thông là một những phương diện quan trọng cần đẩy mạnh để giúp sinh viên, nghiên cứu sinh có cơ hội tiếp cận, chủ động năm bắt cơ hội, lựa chọn chương trình học phù hợp vị trí đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Lệ Thu