“Văn hóa học đường đại học ở Việt Nam biến đổi theo chiều hướng tiêu cực”

(Dân trí) - “Trong thời đại phát triển, hội nhập và sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, văn hóa học đường đại học đang bị tác động và có biến đổi theo chiều hướng tiêu cực”.

GS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM chia sẻ điều này hội thảo Khoa học quốc tế “Văn hóa học đường đại học Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập” diễn ra sáng nay (27/4) tại TPHCM.

Hội thảo khoa học quốc tế bàn về Văn hoá học đường ĐH Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập thu hút nhiều nhà nghiên cứu văn hoá tham dự
Hội thảo khoa học quốc tế bàn về "Văn hoá học đường ĐH Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập" thu hút nhiều nhà nghiên cứu văn hoá tham dự

GS.TS Võ Văn Sen nhận định, những biến đổi theo hướng tiêu cực này có phần mang tính khách quan do tác động phát triển xã hội, kinh tế và công nghệ thông tin... và tính chủ quan do chưa đề cao nhiệm vụ xây dựng văn học học đường ĐH hay quá trình đổi mới giáo dục chưa hoàn tất…

Do đó, ông Sen cho rằng, phải nhận diện thực trạng văn hóa học đường ở Việt Nam để từ đó có những giải pháp phù hợp để xây dựng văn hóa học đường ở bậc ĐH, góp phần đáp ứng được triết lý và yêu cầu đào tạo của một trường ĐH.

Theo ông Sen, trước ngưỡng cửa của cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng văn hóa học đường ĐH đặc biệt cần chú ý đến sự phát triển cả trí tuệ, tình cảm và nhân cách của sinh viên.

“Người thầy ở ĐH cũng cần tham gia vào việc rèn phẩm chất của sinh viên qua cách thức, phương pháp hướng dẫn trong nội dung khoa học và cả qua chính nhân cách của người thầy. Bằng cách này, giáo dục bậc cao có thể cân bằng giữa việc giúp sinh viên khám phá tri thức và tạo nên sự biến đổi nơi chính con người sinh viên. Đó chính là giáo dục toàn diện”, GS.TS Võ Văn Sen nêu.

Tương tự, GS.TS Ngô Văn Lệ cũng khẳng định trong tham luận của mình rằng, hệ thống giáo dục mạnh sẽ tác động đến mọi khía cạnh của đời sống, giúp hình thành những giá trị mới. Các trường ĐH không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn cung cấp cho người học những chuẩn mực văn hoá, giúp họ không chỉ có đủ kỹ năng tiếp nhận mà còn vận dụng được trong cuộc sống.

Cũng tại hội thảo này, các nhà nghiên cứu đã trao đổi, chia sẻ làm rõ cấu trúc, đặc trưng và chức năng của văn hóa học đường nói chung và văn hóa học đường ĐH Việt Nam nói riêng. Xác định các quan điểm tiếp cận, nghiên cứu văn hóa học đường nói chung trong xã hội đương đại.

Đồng thời cũng có nhiều giải pháp được các nhà nghiên cứu đề xuất, góp phần xây dựng dựng văn hóa học đường ĐH; thực hiện mục tiêu gắn đào tạo với nhu cầu phát triển thực tiễn để các trường ĐH Việt Nam đứng vững trước những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

Lê Phương