“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”

(Dân trí) - Một bà cụ 70 tuổi ở ấp Rạch Gốc (xã Tây Yên, huyện An Biên, Kiên Giang) nghẹn ngào nói như thế khi chúng tôi về địa phương tìm hiểu việc hàng chục học sinh không dám đi học vì sợ té cầu khỉ sau khi một học sinh thiệt mạng do té cầu.

Bà cụ này là Nguyễn Thị Nghĩa, bà nội của em Trần Thị Bé Ngoan (10 tuổi, học sinh lớp 3 trường Tiểu học Tây Yên 2) - em học sinh vừa mất cách đây khoảng 3 tuần vì đi qua cây cầu khỉ trước nhà bị té chết đuối.

“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 1

“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 2
Cây cầu khỉ nơi em Trần Thị Bé Ngoan, 10 tuổi, bị thiệt mạng do té cầu.

Một ngày thương tâm của ấp Rạch Gốc

Bà Nghĩa kể cho chúng tôi biết, ngày 22/11, cháu của bà đi qua cây cầu khỉ trước nhà để qua phía bên kia sông chơi. Cho đến chiều tối vẫn không thấy Bé Ngoan về nên cả nhà đổ xô đi tìm. Chạy khắp các nhà hàng xóm vẫn không ai hay biết tin tức gì của cháu. “Lúc này cả nhà mới hoàn hồn nghĩ đến cây cầu khỉ và con kinh sâu ở trước nhà mà lo lắm” - bà Nghĩa xúc động kể lại.

Lúc này, gia đình bà Nghĩa mới nhờ các thợ lặn xung quanh cùng nhau quần quật cả khu vực có cây cầu khỉ bắc ngang nhưng vẫn không tìm được. Cho đến khoảng 9 tối cùng ngày mới phát hiện xác của cháu Ngoan nổi lên ngay đoạn giữa cây cầu. “Thật không biết sao thi thể của cháu nó nổi ngay giữa cầu mà cả một buổi chiều không ai tìm gặp” - bà Nghĩa nói tiếp.

Tin về cái chết của Bé Ngoan loan khắp cả ấp Rạch Gốc. Tức thì cha mẹ các em nhỏ ở đây bỗng dưng thấy sợ nên quyết định không cho con em mình đi học nữa mà bắt ở nhà nghỉ vài ngày.

“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 3
 
“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 4
Nhiều năm qua, các em học sinh nhỏ bé phải đi qua cầu cầu dài 34m để đến trường.

Ngay cả thầy giáo dạy ở điểm trường Rạch Mũi nằm ở bên kia sông cũng “ớn lạnh” bởi bản thân thầy cũng không biết bơi. Dù cho cha mẹ của các em chỉ cho nghỉ 2 ngày nhưng thầy giáo quyết định cho học sinh của mình nghỉ cả tuần lễ để trấn an.

Quả thật, dù sự việc đã qua hơn 3 tuần lễ nhưng nhiều em học sinh học lớp 1 và lớp 2 của điểm trường Rạch Mũi khi chúng tôi tiếp xúc vẫn còn thấy sợ. Em Dương Văn Minh Đoàn (6 tuổi, học lớp 1) vừa nói vừa run: “Khi có người chết em sợ ma lắm. Đi qua cầu mà cứ nhắm mắt không hà”.

Em Trần Bảo Tín (8 tuổi, học lớp 2) cũng nói : “Em cũng bị té một lần rồi nhưng hên là té ở trong bờ cạn. Giờ có chị Ngoan chết ở dưới đó em hổng dám qua cầu luôn chú ơi”. Nhiều em khác cũng cùng chung tâm trạng như hai em học sinh trên khi chúng tôi hỏi đến chuyện đau lòng vừa qua.

Qua cầu phải... mặc áo phao

Ngay trong khoảng 1 giờ chiều ngày 11/12, chúng tôi thấy hàng chục em học sinh nhỏ nhắn (đang học ở điểm trường Rạch Mũi) đi học qua cầu phải đeo hai thứ trên người: cặp sách và áo phao. Giữa cái nắng chang chang của vùng biển, mặc cái áo sơ mi mỏng tang mà chúng tôi còn thấy nóng chứ nói chi đến mặc cái ao phao dày cộm. Nhìn các em học sinh mặc áo phao đi chầm chậm từng bước một qua cầu khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. 

Em Dương Văn Vũ Trường (8 tuổi, học sinh lớp 1) cho biết:  “Sau khi đi học lại, mẹ em mua cho em cái áo phao này, mẹ nói lỡ khi té nó sẽ cứu sống mình”. Không riêng gì em Trường mà các em học sinh khác cũng được cha mẹ mua cho cái ao phao để đi học. Một số phụ huynh bày tỏ với chúng tôi:  “Dù nhà cách trường một đoạn ngắn nhưng chúng tôi buộc các con mặc áo phao để phần nào đó đảm bảo an toàn”.

“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 5

“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 6

“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 7
Nhiều em học sinh buộc phải mặc áo phao khi đi qua cầu mà vẫn sợ.

Không chỉ cho con mặc áo phao qua cầu mà trước đó nhiều gia đình phải dùng xuồng máy để đưa con mình đi học. Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, có một người ở trong xóm tình nguyện đưa con em của các gia đình qua sông đi học, nhưng mỗi gia đình phải chịu chi phí 1 lít xăng, hết thì chia nhau xoay vòng. Bởi cây cầu khỉ mà chẳng ai dám cho con em họ đi nữa.

Tốp học sinh mà chúng tôi tận mắt thấy đi qua cầu cũng không phải các em tự đi mà phải có người dẫn dắt. Lúc thì tự cha mẹ các em dẫn đi, lúc thì thầy giáo dẫn qua các em mới dám. Một người dân ở đó cũng cho biết, khi nước lớn thì cây cầu khỉ này sẽ bị ngập một số đoạn (chủ yếu là buổi sáng) nên chính thầy giáo đã đổi lịch học buổi chiều vì thầy giáo cũng thấy sợ khi đi qua cầu.

Cho đến … ước mơ có cây cầu mới

Khi chúng tôi tiếp xúc với người dân ở ấp Rạch Gốc, hầu như ai cũng ao ước có một cây cầu để cho con em họ đi học được dễ dàng.

Ngay chính bản thân các em học sinh cũng bày tỏ là rất thích có cầu mới để các em không phải mặc áo phao, để mỗi lần qua cầu không còn sợ bị té nữa. Em Dương Kim Ngân (8 tuổi, học lớp 1) nói: "Em ước có cầu lớn để em có thể đạp xe đạp đi học như các bạn ở ngoài chợ”.

Được biết, điểm trường Rạch Mũi (thuộc trường Tiểu học Tây Yên 2) được xây dựng từ năm 2002, đất do một hộ dân hiến cho. Theo quan sát của chúng tôi, ngay cả điểm trường này cũng rất sơ sài, bởi trường không nhà vệ sinh, không sân chơi, chỉ trơ trọi giữa cánh đồng. Trường chỉ có được một phòng học vì thế buộc dạy lớp ghép (lớp 1 và lớp 2) khoảng gần 20 em.

“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 8
Ngôi trường nhỏ lẻ, không sân, không nhà vệ sinh, chỉ có một phòng học là 2 lớp ghép lại.

Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tây Yên, cho chúng tôi biết : “Ấp Rạch Gốc có khoảng 50 hộ dân nên tính chung thì có khoảng 40-50 em học sinh đi học. Điều đáng nói là tất cả các em đều phải đi qua cầy cầu này. Em nào học ở điểm Rạch Mũi thì thôi, còn các em lớp 3-lớp 9 thì khi đi qua cầu phải lội bộ 3km nữa mới tới trường”.

Nói về cây cầu bắc qua kinh đê quốc phòng ở ấp Rạch Gốc, ông Tuấn cho biết, do trước đây giao thông khó khăn nên ngành giáo dục cho xây điểm trường nhỏ này để các em lớp 1, lớp 2 đi học. Chính vì thế phải bắc một cây cầu để các em đi qua sông. Cây cầu dài khoảng 34m, trước đây làm bằng cây dừa nhưng rồi lâu ngày bị mục. Được một số hộ dân đốn cây làm lại cầu mới và liên tục sửa chữa nhiều lần. Cây cầu chủ yếu chỉ phục vụ cho các em học sinh, còn người dân đi lại rất ít bởi bên kia sông không có nhà dân mà chỉ có ruộng đồng.

Quả thật, nhìn cây cầu hiện tại thật sự chúng tôi không nghĩ rằng các em học sinh 6-8 tuổi đi qua được. Cây cầu có một số đoạn mà giữa tay vịn và thân cầu khoảng cách ngang bằng với các em. Tay vịn thì làm bằng thanh tre to tướng, to hơn cả bàn tay nên các em không thể vịn chắc và tròn tay được. Chính vì thế các em vừa đi, vừa nhón chân, nhiều em mách với chúng tôi mỗi lần đi qua sợ té và run lắm. 
 
“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 9

“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 10

“Ước gì có một cây cầu cho tụi nhỏ đi học”  - 11
Tay vịn cầu làm bằng thanh tre to tướng khiến các em nhỏ không thể vịn chắc và tròn tay được.

Còn tại sao phải xây trường bên kia sông, ông Tuấn cũng cho biết do bên đây không có đất mà con đê lớn là đê quốc phòng nên việc xây dựng không được thực hiện. “Do xã còn nghèo nên việc xây dựng một cây cầu vững chắc quả thật ngoài tầm tay của địa phương" - ông Chủ tịch xã bộc bạch. 

Ông Tuấn bày tỏ thêm: “Nhiều năm qua, chúng tôi luôn kêu gọi các mạnh thường quân cùng chung tay góp sức tạo điều kiện cho địa phương xây cầu để phục vụ cho việc học tập của các em học sinh nhưng vẫn chưa được ủng hộ. Giờ qua báo Dân Trí, chúng tôi rất mong và tiếp tục kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm để có thể xây được một cây cầu mới, phần nào đó cũng đáp ứng theo nguyện vọng của hàng chục hộ dân ở đây”.

Bài và ảnh: Huỳnh Hải