Tuyển sinh lớp 6: Sẽ không còn điểm "nóng"

(Dân trí) - Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của Dự thảo số điều Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT là phương thức tuyển sinh vào lớp 6; đây được xem là giải pháp căn cơ để giải tỏa các điểm “nóng” về tuyển sinh ở các trường điểm…


Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT là giải pháp căn cơ để giải tỏa các điểm “nóng” về tuyển sinh ở các trường điểm, đặc biệt là các trường ở các thành phố lớn.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT là giải pháp căn cơ để giải tỏa các điểm “nóng” về tuyển sinh ở các trường điểm, đặc biệt là các trường ở các thành phố lớn.

Công bằng hơn trong việc tuyển sinh học sinh vào lớp 6.

Câu chuyện tuyển sinh đầu cấp hằng năm luôn là tâm điểm chú ý của dư luận và cũng là nỗi niềm của chính nhà trường, phụ huynh và học sinh. Đặc biệt là ở các thành phố lớn, các đô thị tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp.

Những năm trước đây, vấn đề khó khăn nhất chính là việc xét tuyển vào lớp 6. Trong khi các trường ở trung tâm, trường có chất lượng cao và trường có bề dày thành tích, mỗi năm chỉ tiêu tuyển sinh chỉ vài trăm nhưng số hồ sơ nộp vào lên đến hàng ngàn.

Cũng chính vì số lượng hồ sơ nộp vào quá nhiều đã gây nên áp lực không nhỏ cho chính nhà trường, phụ huynh và cả học sinh. Thậm chí, xét về tỷ lệ “chọi” thì các em học sinh xét tuyển vào lớp 6 có khi phải chọi với tỷ lệ 10 - 20, cao hơn cả thi tuyển, xét tuyển vào đại học.

Cũng vì số lượng xét tuyển có hạn mà số hồ sơ nộp vào quá nhiều nên các trường cũng rất vất vả trong khâu xét tuyển học sinh. Để tuyển được học sinh, các trường ngoài việc căn cứ vào điểm học bạ tiểu học thì còn xét đến các loại bằng khen, giấy khen của học sinh qua các cuộc thi của Sở GD&ĐT tổ chức.

Ở các thành phố lớn, vì áp lực tuyển sinh vào lớp 6 trường điểm nên xảy ra tình trạng phụ huynh chen chút, đội mưa nắng để mua, nộp hồ sơ, gây không ít bức xúc cho xã hội. Thậm chí, để con vào được lớp 6 trường điểm, ở một số nơi còn xảy ra trường hợp chạy chọt, tiêu cực...

Để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong việc tuyển sinh đầu cấp THCS, điểm mới quan trọng trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT lần này ghi rõ: “Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, Sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.

Quy định này được đánh giá là tín hiệu mừng cho các trường “hot”; tất cả đang kỳ vọng quy định này sẽ tạo điều kiện cho nhà trường chọn học sinh có chất lượng, chính xác và công bằng hơn trong việc tuyển sinh học sinh vào lớp 6.

Có con đang học lớp 5 một trường tiểu học ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc trước đây cũng rất lo lắng việc chọn trường cho con khi vào học lớp 6.

Theo chị Ngọc chia sẻ: “Sống ở quận nội thành, trung tâm của thành phố nên việc chọn trường cho con là rất vất vả. Trước đây các trường THCS xét tuyển nên xảy ra tình trạng các trường điểm có rất nhiều hồ sơ so với nhu cầu tuyển. Từ đó gây áp lực không nhỏ cho nhà trường, phụ huynh và cả các em học sinh. Tôi mới nghe thông tin tới đây bên cạnh việc xét tuyển vào lớp 6 thì các trường có thể tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh. Tôi rất vui và cảm thấy yên tâm khi năm sau cho con vào lớp 6.

Việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các em muốn vào trường THCS, đặc biệt là các trường điểm. Cách này cũng giúp nhà trường tuyển được học sinh có chất lượng và nắm bắt được trình độ của các em để có cách dạy học hiệu quả nhất...”.

Tháo gỡ nhiều bất cập

Đó là chia sẻ của ông Trần Ngọc Nghị - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) về Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Theo ông Nghị, một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng của Dự thảo là phương thức tuyển sinh vào lớp 6.

Đây được xem là giải pháp căn cơ để giải tỏa các điểm “nóng” về tuyển sinh ở các trường điểm, đặc biệt là các trường ở các thành phố lớn… Điểm nổi bật của Dự thảo lần này là cho phép các trường có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu được kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực để tuyển sinh.

Thông tư 11 năm 2014 chỉ quy định một phương thức tuyển sinh THCS là xét tuyển. Tuy nhiên trên thực tế, có một số trường có mức học sinh đăng ký vượt quá chỉ tiêu tuyển sinh. Chính vì vậy, nếu chỉ xét tuyển như thông thường, những trường này sẽ gặp không ít khó khăn!.

Theo ông Trần Ngọc Nghị, Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT vừa ban hành đã được đông đảo cán bộ quản lý, nhà giáo và phụ huynh ủng hộ vì qua đó chất lượng tuyển sinh đầu vào lớp 6 nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung sẽ được nâng lên đáng kể. Từ đó nhà trường sẽ biết rõ trình độ, tình hình học tập của học sinh để có cách dạy học phù hợp nhất.

Không chỉ trường THCS mà các trường Tiểu học cũng phải quan tâm hơn đến chất lượng giáo dục. Nếu tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh đầu vào lớp 6 thì giáo viên cấp tiểu học không thể dạy các em học thuộc lòng, học vẹt, mà phải biết vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết vấn đề, đáp ứng nhu cầu khảo sát năng lực.

“Việc bổ sung một số điều Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT sẽ ảnh hưởng, tác động lớn đến các trường TH và THCS. Việc thi và đánh giá sẽ có những tác động không nhỏ tới việc dạy học, tức các thầy các cô không nên chỉ chú trọng tới việc trang bị kiến thức cho học sinh mà phải làm sao để học sinh biết vận dụng kiến thức để giải quyết các tình huống phù hợp. Qua đó sẽ giải quyết được những bất cập trong tuyển sinh lớp 6 và góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng GD&ĐT” - ông Nghị nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Nghị, những trường có tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh đầu vào lớp 6 cần phải tính toán phương án sao cho nhẹ nhàng, tránh gây áp lực cho các em học sinh. Vì ở cấp tiểu học hiện nay việc học đã được giảm tải đáng kể, áp lực điểm số cũng được hạn chế mức thấp nhất. Nếu tổ chức thi kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh đầu vào THCS nặng nề sẽ gây tâm lý áp lực, không tốt cho các em.

Ông Nghị cho rằng, quan trọng nhất trong việc đánh giá năng lực học sinh là đánh giá khả năng sử dụng kiến thức mà học sinh tích lũy được trong quá trình học tập để giải quyết những vấn đề cụ thể. Qua việc đánh giá này chủ đích là để kiểm tra cách các em sử dụng những tri thức học được trên ghế nhà trường vào trong bài thi của mình chứ không phải quá chú trọng vào điểm số…

Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.

Theo đó, Bộ dự kiến cho phép một số trường THCS tuyển sinh lớp 6 theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra, đánh giá năng lực, thay vì cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức như hiện nay.

Dự thảo được Bộ GD&ĐT xin ý kiến dư luận đến hết ngày 18/2/2018.

Quốc Ngữ