Tuyển sinh 2013: Có hiện tượng chấm lỏng so với đáp án

(Dân trí) - Việc quy định chấm kiểm tra 5% số bài tự luận đã hạn chế bớt sai sót thể hiện qua kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên qua đó cũng cho thấy, một số cơ sở đào tạo đã chấm lỏng so với đáp án.

Đó là thông tin được Bộ GD-ĐT đưa ra trong đánh giá công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Ngoài bất cập này, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định: Trong năm 2013, một số đơn vị xác định chỉ tiêu không đúng quy định của Thông tư 57. Việc không thông báo công khai kết quả thi của thí sinh trên trang web của các trường thuộc khối Quân đội, Công an đã bị kẻ xấu lợi dụng làm phiếu báo điểm giả để nhập học vào các trường dân sự.

Vẫn còn những bất cập trong công tác tuyển sinh năm 2013.

Vẫn còn những bất cập trong công tác tuyển sinh năm 2013.

Mặc dù còn tồn tại những bất cập nhưng Bộ GD-ĐT cho rằng, năm 2013 việc thực hiện tiếp tục chủ trương cho thí sinh được mang thiết bị quay phim, chụp ảnh vào phòng thi tuy ban đầu còn có một số ý kiến chưa đồng tình song quá trình triển khai thuận lợi, tăng cường sự giám sát, chống tiêu cực của chính thí sinh trong phòng thi. Bộ GD -ĐTcũng đã thiết lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của nhân dân đối với kỳ thi.

Năm 2013, Bộ giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong công tác tuyển sinh cho 10 học viện, trường đại học thuộc khối năng khiếu, nghệ thuật. Theo báo cáo của những trường này, việc tuyển sinh riêng đã được triển khai đúng theo quy định và đạt yêu cầu, các trường đã chọn được những thí sinh có năng lực phù hợp vào học các ngành nghề đặc thù của trường mình. Đây là kinh nghiệm tốt để các trường thuộc các khối ngành khác thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh trong những năm sắp tới.

“Việc tăng cường công tác tự giám sát kỷ luật phòng thi đã phát huy kết quả. Các đoàn thanh tra lưu động phối hợp tốt với địa phương và các nhà trường đã nâng cao hiệu quả công tác. Đề thi được điều chỉnh phù hợp với năng lực của thí sinh. Điểm sàn được xác định hợp l, một mặt đảm bảo chất lượng đầu vào và mặt khác đảm bảo nguồn tuyển cho các nhà trường. Việc quy định chấm kiểm tra 5% số bài tự luận đã hạn chế bớt sai sót thể hiện qua kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT” - Bộ GD-ĐT đánh giá công tác tuyển sinh năm 2013.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, tổng số thí sinh trúng tuyển nhập học năm 2013 là 489.732 thí sinh, tăng 5,4% so với năm 2012 (năm 2012 là 464.784 thí sinh). Trong đó, các trường đại học tuyển được 324.059 thí sinh (năm 2012 là 264.784 thí sinh); các trường cao đẳng tuyển được 165.673 thí sinh (năm 2012 là 198.897).

Năm 2013, các trường đã tuyển thẳng vào đại học được 802 thí sinh, gồm các thí sinh thuộc đội tuyển Olympic quốc tế các môn Toán, Tin học, Vật lí, Hoá học và Sinh học và thí sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT vào đại học. Ưu tiên xét tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng 5.941 thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các huyện được xác định ưu tiên tuyển sinh như các huyện được quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

Điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo còn chậm

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, năm 2013, cơ cấu ngành nghề đào tạo đã được điều chỉnh; cơ cấu chỉ tiêu tuyển sinh đã có sự thay đổi theo hướng giảm sinh viên theo học các ngành kinh tế và quản lý tăng sốlượng thí sinh các ngành nghề xã hội có nhu cầu; tỷ lệ sinh viên theo học các hệ không chính quy tiếp tục giảm.

Nhận thức về giáo dục đại học của người dân đã thay đổi theo hướng tích cực; việc lựa chọn ngành, chọn trường đã theo hướng chất lượng; thí sinh bước đầu đã có quyết địnhthực tế hơn trong việc lựa chọn học nghề hay học đại học được thể hiện rõ nét qua các mùa tuyển sinh gần đây. Triển khai xây dựng và thực hiện đề án các trường sư phạm, quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, nâng cao năng lực đào tạo của hệ thống các trường sư phạm nhằm đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Trong những năm qua, Bộ GD-ĐT đã đưa ra cảnh báo về nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế, tài chính, kế toán, quản trị kinh doanh đã vượt so với qui hoạch nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội khiến sinh viên tốt nghiệp các ngành này khó tìm được việc làm. Năm 2013 số thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành này đã giảm 10% so với năm trước. Trong khi đó một số ngành đào tạo có số hồ sơ đăng ký dự thi tăng so với năm trước gồm: nhóm ngành khoa học giáo dục tăng 3,1%, khoa học sức khỏe tăng 1,7%, công nghệ kỹ thuật tăng 0,5%, kỹ thuật môi trường và bảo vệ môi trường tăng 1,4%.

Bộ GD-ĐT chủ trương giảm dần số lượng sinh viên hệ Vừa làm vừa học để đảm bảo chất lượng đào tạo. Số lượng sinh viên hệ Vừa làm vừa học năm 2013 chỉ chiếm 45% so với số lượng sinh viên chính quy.

Đào tạo liên thông từ trung cấp, cao đẳng lên đại học đã được thực hiện theo đúng Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT nhằm chấn chỉnh và xác định rõ mục tiêu đào tạo liên thông là giúp sinh viên có năng lực thực sự được bảo lưu kết quả học tập của giai đoạn trước để rút ngắn thời gian học tập ở trình độ cao hơn; khắc phục những bất cập, tồn tại của đào tạo liên thông, bước đầu nâng cao chất lượng của đào tạo liên thông.

Triển khai mở ngành đào tạo theo các Thông tư 38/2010/TT-BGDĐT và Thông tư 08/2011/TT-BGDĐT đã được điều chỉnh phù hợp, hỗ trợ cho các trường trong việc thẩm định chương trình đào tạo và xác nhận các điều kiện mở ngành. Bộ GD-ĐT đã có công văn hướng dẫn về mức chi đối với thẩm định chương trình đào tạo, công văn hướng dẫn các sở giáo dục và đào tạo trong kiểm tra xác nhận các điều kiện mở ngành. Bên cạnh đó, Bộ cũng hỗ trợ nhiều trường xây dựng và mở một số ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển của đất nước như ngành năng lượng hạt nhân, ngành an toàn và an ninh mạng, ngành thương mại điện tử, ngành hộ sinh...

Mặc dù đã có những động thái tích cực nhưng Bộ GD-ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo còn chậm, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu của quá trình đổi mới, chưa gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của từng ngành, địa phương và xã hội; còn thiếu quy hoạch chung về ngành và trình độ đào tạo.

Từ năm 2013, Bộ GD-ĐT đã hạn chế tối đa việc mở các ngành quản lý đối với các trường không chuyên về đào tạo lĩnh vực này. Những đề án thành lập trường đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được điều chỉnh theo hướng đào tạo các ngành nghề mà xã hội đang cần.

Bộ GD-ĐT đã giao cho các trường tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Nhiều trường đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân bố chỉ tiêu hài hòa giữa các ngành đào tạo. Tuy nhiên cá biệt có một số trường dồn chỉ tiêu cho các ngành dễ thu hút thí sinh, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Để điều chỉnh việc này, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu riêng cho một số ngành nhiều người học; những trường nhiều năm liền mất cân đối chỉ tiêu giữa các ngành, Bộ sẽ giao trực tiếp chỉ tiêu trên cơ sở năng lực đào tạo của từng ngành.

Nguyễn Hùng