Nghệ An:

Tuyển giáo viên tiểu học dạy mầm non vì... nhân văn

(Dân trí) - Ông Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Anh Sơn (Nghệ An) cho rằng việc tuyển GV tiểu học dạy mầm non là “đảm bảo tính nhân văn”. Trước đó, ông cho biết đã yêu cầu GV cam kết thực hiện giáo dục mầm non, nhưng lại sẵn sàng “rút” về dạy tiểu học khi cấp học này cần tuyển GV.

Giờ học của học sinh mầm non tại Nghệ An (hình minh họa).
Giờ học của học sinh mầm non tại Nghệ An (hình minh họa).

Tuyển dụng GV tiểu học dạy mầm non là “đảm bảo tính nhân văn”
 
Sau khi UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 7448/QĐ-UBND cho phép các huyện, thành phố, thị xã, trong năm 2015 xét tuyển hợp đồng thêm 1.601 giáo viên (GV) mầm non, liên sở: GD&ĐT, Nội vụ và Tài chính Nghệ An đã ban hành Công văn số 288/HDLN-SGD&ĐT-SNV-STC quy định cụ thể việc xét tuyển hợp đồng lao động. Căn cứ vào các văn bản nói trên, UBND huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã tổ chức tuyển hợp đồng 63 GV để bổ sung cho số GV còn thiếu tại các trường mầm non công lập trong huyện. Ngày 24/6/2015, Hội đồng Tuyển hợp đồng lao động huyện Anh Sơn đã công bố danh sách 63 GV trúng tuyển.

Theo đó, trong số GV trúng tuyển có 40 GV đạt chuẩn GV mầm non (1 GV có trình độ trung cấp sư phạm mầm non, 9 GV có trình độ cao đẳng sư phạm mầm non, 30GV có trình độ đại học sư phạm mầm non). Trong số 23 GV còn lại thì có 22 GV tiểu học, 1 GV trung học cơ sở.

23 GV tiểu học và THCS nói trên chưa được đào tạo đạt chuẩn GV mầm non như quy định tại Công văn số 288/HDLN-SGD&ĐT-SNV-STC. Trong Công văn này ghi rõ chỉ xét tuyển đối với “số giáo viên hợp đồng dôi dư cấp THCS và tiểu học sau khi được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của ngành học mầm non”.

Ông Nguyễn Đức Vĩnh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn thừa nhận 23 GV này đúng là chưa được đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của ngành học mầm non như Công văn liên ngành số 288 của Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT và Sở Tài chính Nghệ An. “Mặc dù thi được rồi nhưng chưa có quyết định trúng tuyển. Trúng tuyển khi họ có đầy đủ chứng chỉ, khảo sát thực hành rồi thì mới có quyết định trả lương. Lương GV hợp đồng có hơn 1 triệu, xuống TP Vinh học thì tốn kém 9-10 triệu bạc mà về thi biết có đạt hay không, lại khổ họ”, ông Vĩnh nói.

Mặc dù thừa nhận số GV này chưa đáp ứng yêu cầu ngành học mầm non như công văn liên ngành của Sở Nội vụ, Sở GD&ĐT và Sở Tài chính nhưng ông Vĩnh cho rằng, tuyển dụng 23 GV tiểu học để dạy mầm non là “đảm bảo tính nhân văn”. “Thực ra mà nói, GV mầm non mới ra trường một vài năm đáng lẽ vẫn được vào nhưng phải nhìn thấy sự khốn khổ của GV tiểu học, trung học cơ sở 14 -15 năm hợp đồng, họ đạt GV dạy giỏi cấp tỉnh hoặc là có thành tích rất cao rồi mà mình không tuyển dụng họ thì… đây là bài toán phải bảo đảm tính nhân văn trong ngành”. Và rằng “…giáo viên hợp đồng trường, có em mới được vài ba năm mà đòi chen với những anh 15 năm thì phải nghĩ đến bài toán nhân văn trong đó”.

Chăm sóc, dạy dỗ trẻ mầm non cần nhiều kỹ năng.
Chăm sóc, dạy dỗ trẻ mầm non cần nhiều kỹ năng. Trong ảnh: Giáo viên thi giáo viên dạy giỏi bậc mầm non tại Nghệ An năm học 2014 - 2015).

Trong khi đó, theo quy định của Nhà nước về định biên 1,5 GV/lớp để đảm bảo học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày thì Nghệ An hoàn toàn không thừa GV tiểu học (tính cả GV hợp đồng). Với 9.897 lớp tiểu học công lập/240.228 học sinh và 13.783 GV (12.604 GV trong biên chế, 1.027 GV ký hợp đồng lao động với huyện và 152 GV ký hợp đồng lao động với trường) thì Nghệ An đang thiếu tới 1.062 GV tiểu học.
 
23 GV có nguy cơ mất cơ hội hợp đồng có thời hạn?

Về bài toán thừa - thiếu GV tiểu học, ông Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn cho biết: “Trước đây khi hợp đồng vào cũng vì tình thế thiếu nhưng mà sau số trường, số lớp giảm thì đương nhiên số này (23 GV tiểu học - PV) không được vô. Anh Sơn phải tiếp nhận GV từ miền núi về mà tỉnh không tăng định biên thì bọn mình cũng khốn khổ vì chuyện đó. Hiện nay GV tiểu học đang thừa, thì giả sử sau này cần tuyển thì số GV này có thể được rút về được, ưu tiên họ chứ có gì đâu vì họ đã đạt chuẩn tiểu học và dạy rất tốt”.

Ông Vĩnh khẳng định trước đây 23 GV tiểu học được tuyển dụng dạy mầm non đều đã được ký hợp đồng với UBND huyện theo hình thức hợp đồng lao động có xác định thời hạn, đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo Công văn số 2456/SGD&ĐT–GDTH về việc hướng dẫn tổ chức Hội thi GV dạy giỏi tỉnh cấp tiểu học năm học 2014 – 2015, đối tượng đủ điều kiện dự thi phải là “giáo viên đang trực tiếp làm công tác giảng dạy tại các trường tiểu học, trường phổ thông có cấp tiểu học trên địa bàn tỉnh (biên chế hoặc hợp đồng không xác định thời hạn hưởng lương từ ngân sách Nhà nước)”. Theo danh sách GV trúng tuyển hợp đồng dạy mầm non của UBND huyện Anh Sơn thì có 13 GV đạt GV dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2014 – 2015, 3 GV đạt GV dạy giỏi cấp tỉnh năm học 2010 – 2011.

Chăm sóc, dạy dỗ trẻ mầm non cần nhiều kỹ năng.
Theo quy định của Sở GD-ĐT Nghệ An, giáo viên biên chế hoặc hợp đồng không xác định thời hạn hưởng lương từ ngân sách nhà nước mới được tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tiểu học.

Ông Trần Thế Sơn, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Hiện tại, huyện Anh Sơn đang thừa 102 GV tiểu học trong biên chế (524/422 định biên) và 89 GV hợp đồng với huyện. “Việc tuyển dụng GV tiểu học dạy mầm non có thể gỡ chính sách cho GV hợp đồng không được hưởng lương từ ngân sách và được đảm bảo chế độ (không có phụ cấp ưu đãi, không được hưởng lương theo ngạch bậc, thậm chí hè không có lương), nhưng ở góc độ chuyên môn thì... (?). Tất nhiên nếu được đào tạo thêm về nghiệp vụ mầm non thì họ sẽ đáp ứng tốt yêu cầu của ngành mầm non.

Riêng về việc GV tiểu học không đủ điều kiện tham gia thi GV dạy giỏi cấp tỉnh nhưng vẫn được đi thi, nếu có phản ánh chúng tôi sẽ kiểm tra và yêu cầu báo cáo lại. Nếu đúng như thế sẽ rút danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh của những GV này. Trước đây, huyện Anh Sơn cũng có 1 GV bị tước danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh và loại khỏi danh sách GV dự Liên hoan GV dạy giỏi quốc gia vì vi phạm tiêu chuẩn dự thi”.

Trước đó, ông Nguyễn Đức Vĩnh khẳng định, 23 GV tiểu học và THCS này đã cam kết đi học thêm để đảm bảo trình độ, cam kết thực hiện giáo dục mầm non. Nghĩa là số GV này cam kết gắn bó lâu dài với ngành mầm non (nếu được tuyển dụng). Nhưng nay ông Vĩnh lại cho biết: Khi cấp tiểu học cần tuyển GV thì Phòng lại “rút” số GV này về dạy tiểu học (?). Mặt khác, nếu các GV này không vượt qua “sát hạch” thì sẽ không được tuyển dụng, nghĩa là họ sẽ mất luôn cơ hội hợp đồng có thời hạn với huyện tại các trường tiểu học.

Mà ngay cả khi được tuyển dụng rồi, số GV này cũng sẽ bị chấm dứt hợp đồng lúc nào không biết. Bởi tại Công văn liên ngành số 288/HDLN-SGD&ĐT-SNV-STC đã ghi rõ: Sẽ chấm dứt hợp đồng lao động khi: “Quy mô trường lớp giảm, đơn vị không còn vị trí việc làm và không còn chỉ tiêu hợp đồng lao động; Văn bản quy định chế độ của Chính phủ và liên bộ về chế độ chính sách đối với GV mầm non hợp đồng hết hiệu lực thi hành”.
 
Như vậy, liệu có “nhân văn” đối với số GV này không? Nhưng quan trọng hơn, việc tuyển số GV được đào tạo theo kiểu cấp tốc này đi dạy mầm non liệu có nhân văn với các cháu? Trả lời câu hỏi này, chúng tôi xin được nhường cho Phòng GD&ĐT và UBND huyện Anh Sơn.

Hoàng Lam

Hàn Quốc ưu tiên nhập quốc tịch với SV giỏi người nước ngoài