Tương lai nào cho tấm bằng Tiến sĩ?

(Dân trí) - Một thống kê mới đây của Hiệp hội Khoa học Hoàng gia Anh đã cho thấy cứ 200 người nhận học vị Tiến sĩ thì chỉ 7 người tìm được một công việc ổn định, đúng với chuyên môn và chỉ duy nhất 1 người học lên Giáo sư.

Bài viết sau đây của Giáo sư Jonathan Wolff, Trưởng khoa Nghệ thuật và Nhân văn, Viện Đại học London, Vương quốc Anh đăng trên tờ The Guardian sẽ phân tích cụ thể hơn về vấn đề này.

Con số trên có thể sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy khó tin nhưng đó là sự thật. Phải làm gì khi có quá ít Tiến sĩ ngành khoa học tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu?

Tương lai nào cho tấm bằng Tiến sĩ?

Những ngành như Nghệ thuật, Nhân văn học và Khoa học xã hội có triển vọng nghề nghiệp tốt hơn. Tuy nhiên, lượng công việc mỗi năm trong mỗi lĩnh vực vẫn ít hơn rất nhiều số tiến sĩ cần việc làm. Nhiều người sau khi có được tấm bằng tiến sĩ của những ngành này thường làm việc trái ngành, những chuyên môn, kiến thức được đào tạo không thể sử dụng cho công việc bên ngoài của họ.

Trong một số lĩnh vực khác có vị trí, vai trò tương tự như một ngành khoa học như kinh tế thường tìm được một công việc không liên quan đến học thuật là khá dễ dàng.

Thực trạng này đã trở thành vấn đề gây tranh luận trong một thời gian dài, khi mà số người đạt học vị Tiến sĩ ngày càng nhiều hơn so với số Tiến sĩ mà những đơn vị nghiên cứu cần tuyển dụng.

Tôi nói “trong một thời gian dài” là vì khi tôi nộp đơn học cao học ở Mỹ 30 năm trước, gửi kèm với giấy thông báo trúng tuyển của tôi là một bức thư của Hiệp hội Triết học Hoa Kỳ. Trong đó họ đưa ra cảnh báo về tương lai ảm đạm, về sự tụt dốc của thị trường công việc nghiên cứu học thuật.

Ở Anh, thời kỳ hoàng kim chính là giai đoạn tăng trưởng nhanh chóng vào những năm 1960, với nền tảng là những trường Đại học “ngói trắng” như Sussex, Warwick, York, East Anglia… Đột nhiên, những công việc nghiên cứu, học thuật nhiều lên và cần người. Nhân tài từ các trường Đại học Oxbridge được “săn đuổi” từ khi còn chưa hoàn thành luận văn tốt nghiệp.

Thời điểm đó, số lượng sinh viên tại các trường Đại học ở Anh chỉ bằng 1/5 so với hiện tại và cơ hội tìm những công việc về học thuật do vậy cũng đa dạng và rộng mở hơn. Tuy vậy, số lượng người lấy bằng Tiến sĩ ngày một tăng lên, khiến cho nhu cầu tìm việc vượt quá số vị trí cần tuyển.

Đây là một bài toán khó. Ở nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như y tế, số lượng đào tạo được điều chỉnh cho phù hợp với số vị trí cần tuyển. Mặt khác cũng có những trường hợp như luật, nhiều người có thể lấy được bằng Cử nhân Luật (LLB) mà không trở thành luật sư hay cố vấn pháp luật. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy?

Lí do là vì khi một nhà tuyển dụng tự tay đào tạo cho thực tập sinh thì họ sẽ đảm bảo rằng số lượng nhận vào không vượt quá nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên, khi sinh viên tự chi trả chi phí cho mình thì nhà tuyển dụng có thể không cần phải lo lắng đến chi phí hao tổn.

Vậy thì, tại sao thị trường lại không thể tự điều tiết, như những nhà kinh tế học Chicago từng khẳng định. Hoặc, nói cách khác, tại sao vẫn có nhiều người tiếp tục ghi danh cho chương trình đào tạo Tiến sĩ trong khi triển vọng nghề nghiệp quá đỗi mơ hồ?

Theo tôi, thực chất nhiều người vẫn hay kêu ca về lương lậu, thời gian làm việc, chế độ hưu trí… nhưng những công việc về nghiên cứu, học thuật vẫn là sự lựa chọn hàng đầu cho những người có tài năng đặc biệt và có tư chất.

Thùy Linh Hà (theo The Guardian )