Từ vụ Đông Đô, Bộ GD&ĐT chuyển cấp phôi bằng, chứng chỉ về Cục Quản lý chất lượng

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký quyết định chuyển đổi đơn vị thực hiện nhiệm vụ quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ.

Theo đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chuyển giao nhiệm vụ quản lý cung cấp phôi văn bằng, chứng chỉ từ Văn phòng về Cục Quản lý chất lượng. Việc này có hiệu lực ngay từ ngày ký (20.9).

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, liên quan đến sai phạm ở trường Đại học Đông Đô, dư luận đặt ra câu hỏi: Bộ GD-ĐT cung ứng phôi bằng cho trường ĐH Đông Đô, vậy quy trình cung ứng phôi bằng đại học thực hiện theo quy định nào? Tại sao trường Đại học Đông Đô lại có một số lượng lớn phôi bằng để hợp thức hóa cấp khống hàng trăm văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh cho học viên sai quy định?

Theo Bộ GD-ĐT, Bộ đã giao cho các trường chủ động in phôi bằng, nhưng một số cơ sở giáo dục ĐH do có khó khăn trong việc tổ chức in phôi văn bằng nên đề nghị được Văn phòng Bộ cung cấp phôi văn bằng chứng chỉ.

Thông tin với báo chí, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT cho hay, theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục đại học được quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về việc quản lý và cấp phát văn bằng của mình. Bộ GD-ĐT với chức năng quản lý nhà nước về GD-ĐT định kỳ hoặc đột xuất thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục ĐH phải thực hiện chế độ báo cáo theo định kỳ.

Hằng năm, các cơ sở giáo dục ĐH phải báo cáo Bộ GD-ĐT tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của năm có người học được cấp văn bằng, chứng chỉ; số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học so với chỉ tiêu của năm đã được thông báo; số lượng người học đã tốt nghiệp so với số lượng thí sinh trúng tuyển và đã nhập học; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã in; số lượng phôi văn bằng, chứng chỉ đã sử dụng.

Hiện nay, việc đào tạo văn bằng 2 của cơ sở giáo dục đại học vẫn thực hiện theo Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, trong đó quy định rõ: Việc đào tạo bằng đại học thứ hai chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT (hoặc của Đại học Quốc gia, Đại học Huế, Đại học Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng đối với các trường đại học thành viên, các khoa trực thuộc) ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính qui sau khi có ít nhất hai khoá chính qui của ngành đó tốt nghiệp.

Cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT (qua Vụ Đại học và Vụ Kế hoạch và Tài chính) và với ĐH Quốc gia, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đà Nẵng (đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Đại học). Trong văn bản cần nêu rõ số lượng đào tạo bằng đại học thứ hai cho từng ngành, qui mô hệ chính qui đang đào tạo của ngành này; điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo như đội ngũ giảng viên (số lượng, trình độ, tỷ lệ sinh viên/1giảng viên), trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu giảng dạy và học tập.

Trên cơ sở đề nghị của các cơ sở đào tạo, chỉ tiêu đào tạo đại học hệ chính qui hàng năm và các điều kiện bảo đảm chất lượng, Bộ GD-ĐT sẽ giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các cơ sở có đủ điều kiện. (Các Đại học giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo bằng đại học thứ hai cho các trường đại học thành viên và các khoa trực thuộc).

Như vậy, việc quản lý đào tạo và cấp phôi bằng đối với đối tượng học văn bằng hai là khá chặt chẽ nhưng không hiểu sao Trường ĐH Đông Đô vẫn có phôi bằng để hợp thức hóa hàng trăm văn bằng 2 ngành ngôn ngữ Anh sai quy định.

Hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn là đơn vị cấp phép đào tạo văn bằng 2 cho phần lớn cơ sở đào tạo giáo dục đại học nhưng cho đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa công khai danh sách các trường được phép đào tạo văn bằng 2.

Thái Bình