Đắk Lắk:

Tự ôn thi, nữ sinh nghèo người Ê-đê đỗ đại học

(Dân trí) -Sinh ra trong một gia đình khó khăn, em H’ Trưa Ê-ban (buôn Puôr, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) đã nỗ lực vượt khó để biến ước mơ đến giảng đường đại học thành hiện thực. Không có điều kiện đi ôn thi, em tự học và đã thi đỗ ĐH Tây Nguyên.

Học để phục vụ buôn làng

Gia đình có 3 chị em gái, H’ Trưa là út nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên người chị cả của H’ Trưa chỉ học đến lớp 11 rồi nghỉ học, còn người chị kế của nữ sinh người Ê-đê sau khi kết thúc chương trình lớp 12 đã phải nghỉ học để đi làm công nhân ở TPHCM phụ giúp gia đình, chứ không thể tiếp tục nghiệp bút sách.

Về phần H’ Trưa, như thấu hiểu được sự vất vả của bố mẹ và hai chị, em đã cố gắng học hành để thoát nghèo và cuối cùng mơ ước mà em ấp ủ bấy lâu đã thành hiện thực. Trong kỳ tuyển sinh đại học vừa qua, H’ Trưa đã thi đỗ ngành Giáo dục mầm non - Trường ĐH Tây Nguyên. Điều đặc biệt, là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng H’ Trưa lại gây bất ngờ lớn khi có điểm thi xếp ở vị trí thứ 3 của ngành, với tổng điểm 17,5 (Năng khiếu 8,75 điểm, Văn 5 điểm và Toán 3,5; nếu nhân đôi điểm năng khiếu là đạt 26 điểm, trong khi điểm chuẩn ngành là 22 điểm).

Em H’ Trưa Ê-ban (buôn Puôr, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cùng mẹ.
Em H’ Trưa Ê-ban (buôn Puôr, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, Đắk Lắk) cùng mẹ.

Điều đáng nói, dù đăng ký thi vào ngành năng khiếu nhưng do gia đình không có điều kiện nên H’ Trưa không hề đến trung tâm năng khiếu để ôn thi mà chủ yếu “tự biên tự diễn” ở nhà.
 
“Khi bước vào lớp 12, em dành dụm mãi mới mua được 3 cuốn sách để luyện thi là Toán, Văn, và Anh văn. Em chỉ có từng đó sách nâng cao để luyện thi thôi, ngoài ra em không có thêm cuốn nào cả! Hai cuốn sách Toán và Văn thì em dùng để tự luyện thi vào khối M (Toán, Văn và Năng khiếu - PV). Còn môn năng khiếu (múa, hát) thì em không có điều kiện để bồi dưỡng ở trung tâm mà chủ yếu đi hỏi các anh chị lớp trước xem cách thức thi như thế nào rồi bản thân tự mày mò luyện tập”, H’ Trưa chia sẻ về quá trình ôn thi có phần thiếu thốn của mình.

Nói về lý do thi vào ngành mầm non, H’ Trưa không giấu diếm chia sẻ: “Hồi còn đi học mẫu giáo ở trong buôn, em đã có ước mơ được làm cô giáo mầm non như chính cô giáo của mình! Bởi từ lâu em rất thích dạy học cho các em nhỏ, thích được cùng các em nhỏ vẽ viết, ca hát, nhảy múa suốt ngày mà không chán!”.

H’ Trưa rất đam mê múa hát và hát rất hay.
H’ Trưa rất đam mê múa hát và hát rất hay.

Vốn có năng khiếu múa hát vượt trội đã được bạn bè, thầy cô ở lớp 12A2 Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) thừa nhận, H’ Trưa cho biết không có mong muốn gì hơn là sau khi ra trường bản thân muốn đem tài năng, sức lực để phục vụ lại cho bà con đồng bào mình, dạy dỗ cho các em nhỏ trên khắp các bản làng Tây Nguyên.
 
“Dù gia đình khó khăn nhưng trước mắt em sẽ phụ giúp bố mẹ để được nhập học và hứa sẽ cố gắng học giỏi để ra trường đỡ đần bố mẹ. Mong muốn của em sau này là được dạy học cho các em nhỏ đồng bào mình, phục vụ cho bà con buôn làng”, H’ Trưa nói về dự định tương lai.

Video em H' Trưa thể hiện thể hiện ca khúc “Đêm xoan Tây Nguyên" mà em ưa thích:



Thay mẹ chăm heo

Hôm PV Dân trí đến nhà, bố của H’ Trưa vẫn đi làm thuê cho một công trình xây dựng chưa về, chỉ có H’ Trưa và mẹ đang ở nhà. Mẹ của H’ Trưa - bà H’Ngưn Ê-ban (SN 1971) kể, gia đình có 1,5 sào rẫy cà phê, nhưng do mỗi năm thu được một vụ không đủ ăn nên 2 vợ chồng bà phải đi làm mướn khắp nơi để trang trải cuộc sống. Công việc làm mướn của bà H’Ngưn phần lớn là đi hái cà phê, hái tiêu, cuốc cỏ… cho bà con ở trong vùng theo mùa vụ. Trong khi đó, bố của H’ Trưa là ông Y Tuê Niê (SN 1971) mấy tháng gần đây phải lăn lộn lên TP Buôn Ma Thuột để cắt sắt thép cho các công trình xây dựng.

 Công việc thường ngày của H' Trưa là thay mẹ chăm heo.
 Công việc thường ngày của H' Trưa là thay mẹ chăm heo.

“Cha nó đi làm cũng thất thường lắm, mỗi ngày công chỉ hơn 100 nghìn đồng thôi, bữa nay mùa mưa nên công việc không thường xuyên cho lắm, mỗi tuần chỉ làm được 3 đến 4 ngày thôi! Còn tôi cũng vậy. Khi ai kêu thì đi làm, người ta kêu gì thì làm nấy, không có việc thì ở nhà chăm con heo”, mẹ của H’ Trưa tâm sự.

Thương bố mẹ lam lũ vất vả, mọi công việc ở nhà hầu như H’ Trưa đều một mình quán xuyến. Khi em đang trò chuyện với PV Dân trí thì bất ngờ tiếng heo kêu inh ỏi vang lên từ phía sau nhà. Đoán biết heo đang đòi ăn, H’ Trưa vội xin phép rồi chạy một mạch ra sau hè, đến nơi, em xắn áo hì hục múc cám rau cho vào máng rồi đưa vào chuồng cho heo. Được biết, ngoài ruộng rẫy hạn hẹp của gia đình thì công việc nuôi heo cũng chính là nguồn sống chính của gia đình nữ sinh người dân tộc Ê-đê. 

Chia tay PV Dân trí, bà H’ Ngưn tâm sự: “Hiện gia đình tôi đang nợ ngân hàng 20 triệu đồng, nhưng năm nay cháu H’ Trưa đỗ đại học làm vợ chồng tôi mừng lắm, hãnh diện với buôn làng lắm! Dù khó khăn nhưng tôi quyết rồi, phải cho con đi học đại học, để sau này nó còn có cái nghề mà nuôi thân”.

Nói về lý do vay nợ, bà H’ Ngưn cho biết: “Lúc trước gia đình tôi có hộ nghèo nhưng mới đây đã bị cắt nên không có hỗ trợ gì cả. Tiền vay ngân hàng đó là vay hộ nghèo để cho H’ Trưa đi học mà bây giờ vợ chồng tôi vẫn chưa thể trả được, đứa chị kế của H’ Trưa làm công nhân ở Sài Gòn gửi về được bao nhiêu thì tôi mang đi mua gạo, còn dư thì tôi mang đi trả tiền lãi cho ngân hàng”.

Trong khi đó, cô Niê Khánh Hà - giáo viên chủ nhiệm của em H’ Trưa cho biết, ở Trường THPT DTNT Nơ Trang Lơng, H’ Trưa là một trong những học sinh của lớp 12A2 hoạt động Đoàn rất tốt. Tuy nhiên gia đình làm rẫy, điều kiện khá khó khăn nên rất cần được tiếp sức đến trường.

Viết Hảo

Dòng sự kiện: Tân sinh viên khó khăn