Phan Minh Đức, quán quân đường lên đỉnh Olympia 2010:

Tự học giữ vai trò quyết định

Phan Minh Đức, nhà vô địch cuộc thi đường lên đỉnh Olympia năm 2010 cho biết, để thành công ở môi trường du học, tự học và tự nghiên cứu giữ vai trò quyết định.

Nhân dịp về nước, Phan Minh Đức đã có những chia sẻ thú vị, bổ ích về khoảng thời gian học tập, làm việc tại Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne, Úc.

Theo Phan Minh Đức, quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2010, tự học giữ vai trò quyết định. 
Theo Phan Minh Đức, quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2010, tự học giữ vai trò quyết định. 

Phan Minh Đức khi còn là học sinh Trường THPT Amsterdam so với Phan Minh Đức sau 2 năm du học có thay đổi nhiều không?

Phan Minh Đức: Sau hơn 2 năm học tập tại Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne, tôi thấy mình đã trưởng thành rất nhiều. Ngoài thời gian học tập ở trên lớp, tôi còn trực tiếp tham gia đứng lớp, giúp đỡ các bạn sinh viên năm nhất và năm hai.

Ngoài ra, tôi cũng tham gia tổ chức các hoạt động cho sinh viên Việt Nam cũng như quốc tế tại trường Swinburne. Đây là những hoạt động cộng đồng không những giúp gắn kết các bạn sinh viên Việt Nam với bạn bè quốc tế mà còn giúp ích tôi rất nhiều trong việc trau dồi thêm tiếng Anh, các kỹ năng làm việc nhóm, khả năng hòa đồng và thấu hiểu thêm các phong tục, nền văn hóa của các quốc gia trên thế giới.

Nhiều du học sinh từng chia sẻ, thời gian đầu khi du học là một giai đoạn đầy khó khăn do những khác biệt về môi trường, học tập, văn hóa và xáo trộn cuộc sống khi một mình đối diện với tất cả?

Phan Minh Đức: Hầu như du học sinh nào cũng từng trải qua những ngày tháng như vậy và vượt qua hay không cần rất nhiều bản lĩnh từ các bạn. Với tôi, cũng như nhiều sinh viên khác, thời gian đầu khi mới sang Melbourne, tôi gặp khá nhiều khó khăn khi phải làm quen với khí hậu và giờ giấc.

Theo Phan Minh Đức, quán quân Đường lên đỉnh Olympia 2010, tự học giữ vai trò quyết định. 
Phan Minh Đức cùng các bạn trưởng thành từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia đang học tập tại trường ĐH Kỹ thuật Swinburne.

Tôi cũng gặp đôi chút trở ngại trong việc nghe tiếng Anh giọng Úc, đặc biệt khi tham gia hoạt động với các bạn bản xứ, khi họ dùng rất nhiều từ lóng và thành ngữ. Thế nên từ kinh nghiệm của bản thân, theo tôi, để vượt qua những khó khăn ban đầu này, các bạn du học sinh Việt Nam nên chủ động bắt chuyện, luyện tập tiếng Anh với các bạn sinh viên bản xứ cả trong lẫn ngoài giờ học.

Lợi thế của các bạn du học sinh Việt Nam nói chung thường có thế mạnh vượt trội trong các môn khoa học tự nhiên. Điều này giúp các bạn có thêm sự tự tin trong những kì học đầu tiên ở môi trường mới. Du học sinh Việt Nam thường được thầy cô đánh giá cao về đức tính chăm chỉ và ham học hỏi của mình. Vậy nên các bạn đừng ngại giao tiếp.

Với trải nghiệm của mình, theo Minh Đức, học tập tại môi trường quốc tế có nhiều khác biệt khi học tập trong nước hay không?

Phan Minh Đức: Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai môi trường này là thời gian học tập ở trên lớp so với thời gian tự học của sinh viên. Khi tôi học tại Swinburne, một sinh viên theo học ngành kinh tế như tôi chỉ phải lên trường 12 tiếng/tuần.

Chính vì thời gian lên lớp ít như vậy nên kết quả học tập sẽ chủ yếu và khả năng tự học, tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu của từng sinh viên. Do vậy, tự học giữ vai trò quyết định. Đây cũng sẽ là thuận lợi đối với những bạn sinh viên có khả năng quản lí thời gian biểu tốt.

Trường ĐH 
Trường ĐH Swinburne.
 
Ngoài ra, một điểm khác biệt lớn khác là vai trò của thư viện đối với sinh viên. Thư viện ở Swinburne và các trường đại học khác ở Úc được trang bị khá đầy đủ và có kho dữ liệu lớn, giúp sinh viên tận dụng tối đa thời gian học trên thư viện.
 

“Hiện tại tôi sắp bước vào kì học cuối cùng của chương trình Đại học. Tôi có dự định tiếp tục học tập bậc sau đại học để phát triển thêm những kĩ năng cần thiết cho công việc sau này” - Phan Minh Đức

Hiện tại, các thí sinh của kỳ thi ĐH-CĐ năm nay đang trong thời điểm phân vân chọn ngành, nghề, chọn trường. Nếu để chia sẻ với các bạn trong giai đoạn quyết định, Đức sẽ nói gì?

Phan Minh Đức: Có lẽ lời khuyên hữu ích nhất cho các bạn thí sinh sẽ là lựa chọn ngành, nghề mà các bạn thấy thực sự yêu thích. Thêm nữa các bạn cũng nên đăng kí nguyện vọng phù hợp với khả năng của mình. Tôi muốn gửi lời chúc may mắn đến các sĩ tử chuẩn bị bước vào kì thi ĐH-CĐ tới đây. Hy vọng các bạn sẽ thật bình tĩnh, tự tin để đạt được kết quả như mong muốn.

Nhân đây, tôi xin gửi lời cám ơn đến VTV3 Đài truyền hình Việt Nam, LG Electronics Vietnam và ĐH Kỹ thuật Swinburne đã tạo ra sân chơi Đường lên đỉnh Olympia bổ ích cho học sinh THPT Việt Nam. Cuộc thi đã chắp cánh cho chúng tôi bay cao, bay xa hơn trong hành trình chinh phục đỉnh cao tri thức của mình.
 

Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne nằm trong top 400 các trường đại học nghiên cứu chuyên sâu hàng đầu thế giới và top 3 tại TP Melbourne theo Bảng xếp hạng Học thuật của các trường Đại học hàng đầu thế giới năm 2012 (ARWU 2012).

Theo hướng dẫn các trường Đại học tốt dành cho chương trình Sau đại học năm 2012 (The Good Universities Guide to Postgraduate Courses 2012) Swinburne là đại học được xếp hạng 5 sao về chất lượng giảng dạy, mức độ hài lòng sau khi tốt nghiệp.

Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne cũng là ngôi trường mà hầu hết các nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia chọn theo học. Ông Jeffrey R Smart - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật Swinburne, người rất tâm huyết cho chương trình tài trợ học bổng dành cho các nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia - cho biết ông dành nhiều thời gian để quan tâm đến kết quả học tập của các du học sinh, đặc biệt là các sinh viên bước ra từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và kết quả học tập của những sinh viên này khiến ông hài lòng. Đó chính là lý do khiến trường gắn bó với cuộc thi trong suốt 13 năm qua.