Tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo đại học đã thực chất chưa?

(Dân trí) - Để làm rõ tính khách quan, cân nhắc về hiệu quả thực chất của hoạt động tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo của các trường đại học, hội thảo có sự tham gia của 40 trường đại học đã được tổ chức tại Đại học Điện lực, Hà Nội ngày 12/4.

Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam và trường ĐH Điện lực phối hợp tổ chức hội thảo "Tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo “Khó khăn và Giải pháp”.

Hội thảo nhằm nâng cao chất lượng đào tại tại các trường đại học, đồng thời thực hiện các quy định về đánh giá chương trình đào tạo của Bộ GD-ĐT.

Tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo đại học đã thực chất chưa? - 1

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD&ĐT

Tham dự buổi hội thảo có ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Đảm bảo chất lượng; ông Nguyễn Văn Thảo - Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Bô Công thương; ông Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; PGS. TS. Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam; TS. Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực… cùng các đại biểu đến từ 40 trường đại học trên cả nước.

Hội thảo này tập trung thảo luận về các nội dung chính là: Kinh nghiệm viết báo cáo tự đánh giá chương trình đào tạo (CTĐT) theo Thông tư 04/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT; Sự phối hợp giữa các phòng ban chức năng và các khoa khi tự đánh giá CTĐT; Xây dựng và rà soát điều chỉnh CTĐT để đạt tiêu chuẩn KĐCL; Quy trình kiểm định chất lượng CTĐT; Xây dựng mạng lưới ĐBCL trong trường đại học.

Tại buổi Hội thảo, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT nhắc nhở rằng từng khâu đánh giá chất lượng phải đi vào thực chất.

"Trong thời gian tới đây, chúng ta sẽ tăng cường việc kiểm định chất lượng các chương trình giáo dục đào tạo một cách căn cơ, bài bản và thực chất. Chúng ta làm tốt được điều này không chỉ để khẳng được thương hiệu, chất lượng của trường đại học mà còn để công nhận, chuyển đổi chứng nhận đào tạo lẫn nhau giữa các trường trong nước và tiến tới là trên quốc tế.", ông Mai Văn Trinh nói.

Buổi hội thảo diễn ra và nhận được những báo cáo, trao đổi của các vị đại biểu trong việc thực hiện tự đánh giá về chương trình đào tạo theo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.

Tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo đại học đã thực chất chưa? - 2

Tiến sĩ Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực.

Tiến sĩ Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Trường ĐH Điện lực chia sẻ: “Việc kiểm định chương trình giáo dục đào tạo là xu hướng tất yếu, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra, các trường sẽ có bộ quy chuẩn chung để cùng phát triển trong thời kì cạnh tranh hiện nay.

Việc hướng tới đào tạo các tiêu chuẩn này tại trường đại học sẽ đem lại lợi ích cho giảng viên, sinh viên, các nhà tuyển dụng và phù hợp với nội dung đổi mới căn bản, toàn diện chất lượng giáo dục đào tạo.

Đối tượng được hưởng lợi nhất từ hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đào tạo này đó là sinh viên khi được học tập trong môi trường cải tiến liên tục, khả năng tiếp cân môi trường việc làm tốt hơn".

PGS.TS. Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam có bài tham luận "Những tồn tại về chương trình đào tạo theo kết quả kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục: Đánh giá và khuyến nghị".

Tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo đại học đã thực chất chưa? - 3

Một trong những số liệu được bà Nguyễn Phương Nga đưa ra.

Từ những phân tích số liệu thực tế, bà Nguyễn Phương Nga chỉ ra một số hạn chế trong khâu đánh giá chất lượng như: Chuẩn đầu ra (CĐR) của CTĐT vẫn còn phân biệt giữa hình thức đào tạo chính quy và đào tạo vừa làm vừa học (VLVH); chưa kết nối giữa mục tiêu đào tạo với CĐR. Việc tham khảo các CTĐT tiên tiến trong và ngoài nước còn hạn chế. Hệ thống đề cương học phần: chưa được ban hành theo đúng thẩm quyền; phân bổ thời gian cho lý thuyết và thực hành, hình thức kiểm tra đánh giá, tài liệu tham khảo... chưa hợp lý; chưa được công khai theo đúng quy định; người học chưa được phổ biến về các đề cương học phần một cách đầy đủ và rõ ràng, đặc biệt là người học theo hình thức VLVH, người học sau đại học. Giáo trình và tài liệu tham khảo chưa đầy đủ… Việc tham khảo ý kiến của các bên liên quan để xây dựng CTĐT và CĐR: mẫu khảo sát các bên liên quan nhỏ, chưa mang tính đại diện; chưa khảo sát bài bản để xác định chuẩn kiến thức, kỹ năng người học cần đạt được để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về nghiệp vụ chuyên môn và các kỹ năng mềm. Một số cán bộ quản lý của cơ sở GDĐH không đủ tiêu chuẩn về trình độ học vị theo quy định để đảm nhiệm công tác quản lý (trưởng khoa, trưởng bộ môn có đào tạo ngành/chuyên ngành, trưởng phòng Quản lý đào tạo, trưởng phòng Quản lý khoa học phải có trình độ tiến sỹ). Vẫn còn tình trạng giảng viên có trình độ cử nhân đại học giảng dạy lý thuyết; khá nhiều giảng viên chưa có chứng chỉ về tin học và ngoại ngữ....

Bà Nguyễn Phương Nga khuyến nghị rằng các cơ sở GDĐH mặc dù đã đạt tiêu chuẩn KĐCL, nhưng vẫn phải tiếp tục khắc phục những tồn tại đã được các đoàn đánh giá ngoài và các hội đồng KĐCLGD chỉ ra kèm theo các khuyến nghị cụ thể để giúp cơ sở GDĐH phát huy những điểm mạnh và có giải pháp khả thi để khắc phục các tồn tại của bản thân. Thực tiễn trên thế giới đã khẳng định khó có cơ sở GDĐH nào đạt được 100% các yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn KĐCL cơ sở giáo dục. Vì vậy, cần hiểu rằng, cơ sở GDĐH của chúng ta đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, nhưng vẫn còn một số tồn tại và hạn chế nhất định và các cơ sở GDĐH này bắt buộc phải có báo cáo tự đánh giá giữa chu kỳ KĐCLGD về việc nhà trường đã khắc phục được những tồn tại/hạn chế được đoàn đánh giá ngoài chỉ ra trong báo cáo đánh giá ngoài, cũng như trong các nghị quyết của các hội đồng KĐCLGD.

Mai Châm