Tự chủ đại học: Đua giáo sư để chạy theo hư danh!

(Dân trí) - Việc thực hiện tự chủ đại học Việt Nam tuy mới bắt đầu nhưng đã nảy sinh hàng loạt vấn đề. Nếu không cẩn thận thực hiện sẽ nở rộ việc phong GS,PGS ở nhiều trường đại học chạy theo hư danh để chứng minh đẳng cấp của mình. Đây là điều đáng phải bàn!

Câu chuyện trường ĐH Tôn Đức Thắng tự phong GS,PGS bắt nguồn từ việc thực hiện tự chủ đại học đang gây nhiều tranh cãi. Như vậy cho thấy, việc thực hiện tự chủ đại học Việt Nam tuy mới bắt đầu thực hiện nhưng đã nảy sinh hàng loạt vấn đề bất cập như trường nào được thực hiện tự chủ? Tự chủ một phần hay toàn bộ? Ai giám sát tự chủ?...Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN, Ủy viên Hội đồng chức danh GS ngành Cơ học về vấn đề này.

Tự chủ đại học: Đua giáo sư để chạy theo hư danh! - 1

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

“Tự chủ đại học” là phát huy cao nhất phát triển nhà trường.

Tất cả các ý kiến tranh luận về trường ĐH tự phong GS,PGS đều cho rằng xuất phát từ việc bắt đầu thực hiện tự chủ ĐH. Vậy hiểu chính xác tự chủ đại học ở Việt Nam thực hiện như thế nào? GS có thể giải thích rõ?

Trên thế giới có nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm tự chủ đại học(UNESCO, Mỹ, EU, OECD, …), nhưng theo tôi hiểu và tóm lược lại một cách giản dị, tự chủ đại học là các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) thoát ra khỏi sự kiểm soát, hạn chế của các cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động theo cách thức họlựa chọn để đạt được sứ mạng và mục tiêu do chính cơ sở GDĐH đặt ra. Các thành tố chủ yếu của tự chủ đại học bao gồm: Tự chủ nguồn nhân lực, tự chủ tài chính, tự chủ trong học thuật, tự chủ trong xây dựng chương trình, tuyển sinh, quản lý người học; Tự chủ trong kiểm tra đánh giá và các chuẩn mực văn bằng;….

Tự chủ đại học là yếu tố cơ bản trong quản trị đại học hiện đại, và là xu thế phát triển của các trường đại học trên thế giới. Chính vì vậy, chủ trương trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH là hoàn toàn đúng đắn và cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, để các cơ sở GDĐH Việt Nam có cơ chế thuận lợi và phát huy mọi nguồn lực phát triển, nhanh chóng hội nhập và tiếp cận với các chuẩn mực như của quốc tế.

Theo tôi hiểu, một cơ sở GDĐH dù có tự chủ đến đâu, thì tóm lại cũng phải đạt được 2 mục tiêu cơ bản bất di bất dịch là giảm bớt (tiến tới cắt hoàn toàn) việc hỗ trợ từ ngân sách nhà nước và thông qua quyền tự chủ để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Không vì để đạt mục tiêu này mà xem nhẹ mục tiêu kia. Như vậy ngay trong mục tiêu tự chủ, cũng đã có sự ràng buộc?

Với Quyết định 174 và Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ, có thể đánh giá là việc xét công nhận đạt chuẩn cũng như bổ nhiệm GS, PGS của Việt Nam hiện nay đang từng bước đổi mới, với các tiêu chí ngày càng cao hơn, phân quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH lớn hơn và đang tiếp cận các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của Việt Nam.

Điều mà các cơ sở GDĐH của chúng ta, mặc dù quyền tự chủ đại học đã cho phép, nhưng chưa làm đượclà: ví dụ như còn nể nang, dễ dãi khi xem xét ở cấp cơ sở; khi bổ nhiệm GS,PGS chưa mạnh dạn đề ra các tiêu chí cao hơn so với chuẩn của HĐ CDGSNN (chẳng hạn như yêu cầu phải có các công bố quốc tế có giá trị); cũng chưa thực hiện quy định việc đánh giá định kỳ với các chức danh GS và PGS để có thể bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm.

Chính vì vậy, như tôi đã trao đổi và nêu ý kiến ở bài trả lời phỏng vấn trước đây, việc đổi mới công nhận chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS ở Việt Nam theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, thực chất không chỉ phụ thuộc vào Hội đồng chức danh GS Nhà nước, mà chủ yếu chính là ở sự tự chủ và quyết tâm cao của các cơ sở giáo dục đại học là với hàm ý như vậy.

Vấn đề trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học là xu thế phát triển và là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhưng qua sự việc ĐH Tôn Đức Thắng hiểu là tự chủ cũng có nghĩa là có thể tự bổ nhiệm GS và PGS, bỏ qua các Quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ, và những dư luận ý kiến xung quanh sự việc này, tôi thấy nổi lên vấn đề rất lớn về việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học: trao cho ai (phải đáp ứng điều kiện như thế nào trường đại học mới được tự chủ hoàn toàn), trao như thế nào (một phần hay toàn bộ; những gì trường vẫn cần thực hiện theo các quy định của Nhà nước khi đã được tự chủ để đảm bảo chất lượng) và cần giám sát quyền thực hiện tự chủ ra sao để đảm bảo mục đích cuối cùng của “Tự chủ đại học” là phát huy cao nhất nội lực và cơ chế, các nguồn lực để phát triển nhà trường.

Đồng thời phải đạt được nâng cao hiệu quả và chất lượng của giáo dục đại học, đảm bảo được công bằng xã hội và đáp ứng 2 mục tiêu cơ bản của tự chủ đại học là vấn đề cần được tiếp tục xác định rõ hơn, áp dụng thận trọng hơn trong thời gian tới ở Việt Nam.

Đội ngũ GS, PGS phản ánh chất lượng và xếp hạng các trường đại học

Thực tế ở một số nước rất phát triển trên thế giới, vẫn tồn tại song song các trường đại học được trao quyền tự chủ tuyệt đối và các trường vẫn phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Nhà nước?

Các nước ở các khu vực khác nhau có mức độ tự chủ đại học khác nhau, ở trong cùng một quốc gia, mức độ tự chủ giao cho các cơ sở giáo dục đại học có thể cũng rất khác nhau tùy theo tính chất, chất lượng của các cơ sở giáo dục đó.

Như vậy có thể thấy rất rõ từ kinh nghiệm của thế giới là việc giao tự chủ đại học rất đa dạng, là xu thế phát triển nhưng cũng không thể tùy tiện, bất cứ cơ sở giáo dục đại học nào “xung phong” xin tự chủ hoàn toàn là cho tự chủ hoàn toàn ngay được.

Tự chủ hoàn toàn có nội dung và nội hàm được xác định cụ thể, vì vậy không có nghĩa là được làm tất cả những gì theo ý mình.

Nếu chúng ta học tập áp dụng tiêu chuẩn quốc tế vào việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam, tôi e khó thực hiện được?

Một bài toán có phương trình giống nhau, điều kiện biên khác nhau thì lời giải phải khác nhau chứ, sao lại giống nhau được? Các dư luận ủng hộ tự chủ đại học đang nói đến phương trình mà chưa xem xét các điều kiện biên.

Các ý kiến của các GS đang làm việc tại nước ngoài đều khẳng định ở nhiều nước, việc phong và bổ nhiệm GS, PGS là quyền tự chủ của các trường, và tiêu chí rõ ràng, thủ tục gọn nhẹ, nhưng qua các mô tả của họ, tôi đều thấy có điểm chung, là không tùy tiện, mà có tiêu chí và đòi hỏi rất cao, sự thẩm định chuyên môn rất kỹ và thậm chí có cả thẩm định của các chuyên gia quốc tế.

Điều này cho thấy chức danh GS, PGS đại họcở nước ngoài thực sự là đội ngũ có trình độ cao, có năng lực sáng tạo cao, thực sự là tinh hoa của các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu và đào tạo.

Như vậy, việc phong và bổ nhiệm GS, PGS ở các trường đại học của nước ngoài là việc xem xét đánh giá, thẩm định năng lực, trình độ, kết quả, sự cống hiến trong nghiên cứu và giảng dạy của giảng viên đại học đã có trình độ TS với các tiêu chí rất cao và khắt khe để từ đó phân loại, giao nhiệm vụ và đãi ngộ.Chính vì thế, đội ngũ này còn được xem là tiêu chí quan trọng để kiểm định, đánh giá, phản ánhchất lượng và xếp hạng các trường đại học.

Cho nên nếu theo thông lệ quốc tế, thì việc phong và bổ nhiệm GS, PGS ở các trường đại học của Việt Nam cũng phải đạt được mục đích và nội hàm như vậy, chúng ta phải nhận thức rõ điều này, và do đó, không thể tùy tiện.

Tôi muốn khẳng định lại, là học theo cách làm quốc tế nhưng xin nhớ rằng cũng phải theo các chuẩn mực khoa học quốc tế, yêu cầu cao, rất khắt khe khi xem xét bổ nhiệm GS,PGS và có sự khác biệt rất lớn giữa chức danh GS với PGS. Có như vậy, mới đúng với mục tiêu và bản chất của việc bổ nhiệm các chức danh này trong các trường đại học Việt Nam theo thông lệ của thế giới.

Tự chủ đại học: Đua giáo sư để chạy theo hư danh! - 2

Đa số GS Việt Nam chưa có phòng làm việc riêng, không có kinh phí dự hội nghị, hội thảo quốc tế

Đãi ngộ xứng đáng với tài năng sẽ không có hiện tượng chạy theo hư danh

Nếu so sánh việc phong và bổ nhiệm GS,PGS ở Việt Nam với chuẩn mực của quốc tế, khắt khe như vậy đó là điều đáng mừng, nhân đây tôi muốn GS chia sẻ về vấn đề đãi ngộ GS,PGS ở Việt Nam hiện nay thế nào?

Khi chúng ta so sánh và đánh giá GS, PGS Việt Nam với các GS,PGS ở nước ngoài, cũng như khi đánh giá so sánh GS, PGS nước ngoài với các GS, PGS Việt Nam, phải lưu ý cho toàn diện đặc điểm lịch sử, văn hóa, tính đặc thù, điều kiện kinh tế xã hội, điều kiện và môi trường làm việc… phải có một sự đánh giá toàn diện, khách quan và công bằng.

Nếu chúng ta sử dụng đúng người có năng lực và đãi ngộ xứng đáng với tài năng và cống hiến thì sẽ không có hiện tượng chạy theo hư danh.Trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nhân tài, thì vấn đề sử dụng là quan trọng nhất, là chìa khóa để nhân tài được phát huy, từ đó mà nhân tài được nảy nở.

Hiện nay có tình trạng chưa sử dụng đúng người có năng lực. Năng lực và kết quả công việc, kết quả nghiên cứu khác nhau, thậm chí khác xa nhau, nhưng cùng chức danh và đãi ngộ thì như nhau.

Không những thế, lương và chế độ đãi ngộ của Nhà nước với các GS, PGS còn thấp, và quá thấp so với các nước tiên tiến. Cũng chưa có sự khác biệt đáng kể về lương và đãi ngộ giữa GS và PGS.

Trên thực tế có GS đang giảng dạy tại các trường đại học Việt Nam thấp hơn lương của sinh viên mới ra trường của họ. Đa số GS chưa có phòng làm việc riêng, không có kinh phí dự hội nghị, hội thảo quốc tế; không có kinh phí mời và tiếp các GS nước ngoài đến trao đổi, làm việc; không có kinh phí để cấp học bổng cho các NCS nước ngoài đến làm luận án TS với các GS Việt Nam,…

Giáo sư của các trường đại học lớn có uy tín của Việt Nam, có nhóm nghiên cứu mạnh, có năng lực sáng tạo cao và nhiều thành tích trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu, có nhiều công bố quốc tế cũng không có sự khác biệt đãi ngộ về chế độ chính sách.

Được biết, Nghị định 141 của Thủ tướng Chính phủ đã ban hành từ cuối năm 2013 về chính sách đối với giảng viên, trong đó có những thay đổi mạnh dạn hơn trong việc xếp lương cho GS, PGS trong các cơ sở GDĐH?

Nghị định này đến nay vẫn chưa được thực hiện. Trong các trường đại học vẫn phổ biến hiện tượng trọng chức tước hành chính hơn chức danh GS. Vai trò tự chủ của các GS trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến giảng dạy, nghiên cứu, hướng dẫn NCS còn chưa được chú trọng và chưa được tôn trọng thỏa đáng. Đây chính là những bất cập lớn nhất với đội ngũ trí thức có trình độ cao trong các cơ sở GDĐH ở Việt Nam hiện nay.

Theo tôi, cái gốc để phát huy đội ngũ trí thức Việt Nam là vấn đề sử dụng và đãi ngộ (đãi ngộ được hiểu không chỉ lương bổng, mà còn là điều kiện, môi trường làm việc và sự tôn vinh)

Một cách thẳng thắn và công bằng là muốn GS, PGS Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, để từ đó giáo dục đại học Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế, chúng ta phải có những bước đột phá trọng việc sử dụng và đãi ngộ, học tập như quốc tế đã tạo điều kiện cho các GS, PGS của họ.

Chính sách đãi ngộ thỏa đáng, sử dụng đúng tài năng, đánh giá và bổ nhiệm, đề bạt cán bộ khách quan - công bằng, đồng thời minh bạch và công khai hoạt động khoa học công nghệ của từng chức danh GS, PGS, TS hằng năm,sẽ vừa là động lực, vừa là tiêu chí để đội ngũ trí thức tự rèn luyện và phấn đấu, tự sàng lọc, cạnh tranh lành mạnh cho phát triển, và sẽ không còn chỗ cho những người bằng cấp thật, học hàm GS,PGS thật nhưng trình độ và kiến thức chưa thật tương xứng tồn tại trong môi trường giáo dục đại học.

Xin trân trọng cám ơn GS!

Hồng Hạnh (thực hiện)

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)