Đồng bằng sông Cửu Long:

Trường vùng biên, hải đảo lo học sinh khó khăn bỏ thi

(Dân trí) - “Kỳ thi THPT quốc gia có nhiều điểm thuận lợi, tuy nhiên với những học sinh có học lực yếu, con em dân tộc nghèo…, nhà trường lo lắng sẽ có nhiều em học sinh bỏ thi khi phải lên tỉnh thi” - ông Lê Ngọc Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Tịnh Biên (An Giang) cho biết.

Sau ngày Bộ GD-ĐT công bố quy chế kỳ thi quốc gia 2015, lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh An Giang, Kiên Giang đã có công văn chỉ đạo các trường phổ biến quy chế kỳ thi quốc gia. Từ đó, ban giám hiệu Trường THPT Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên, An Giang) và ban giám hiệu Trường THPT Phú Quốc (huyện Phú Quốc, Kiên Giang) đã nhanh chóng triển khai quy chế kỳ thi quốc gia và lên kế hoạch ôn tập cho các em học sinh (HS) khối 12, đồng thời thống kê số HS khó khăn để tìm cách hỗ trợ cho các em đi thi.

Cụ thể, ông Lê Ngọc Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Tịnh Biên cho biết, hiện nay công tác triển khai quy chế kỳ thi quốc gia 2015 được nhà trường tổ chức triển khai bằng nhiều hình thức khác nhau, như triển khai cho tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên trong phiên họp Hội đồng sư phạm; Triển khai cho HS nói chung, cho HS khối lớp 12 nói riêng thông qua tiết sinh hoạt đầu tuần dưới cờ; Triển khai riêng cho từng lớp 12 trong lúc hướng dẫn làm hồ sơ; Giáo viên chủ nhiệm triển khai hướng dẫn các em lớp 12 thông qua tiết sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần. Bên cạnh đó, nhà trường còn chủ động xây dựng Kế hoạch phối hợp với Hội phụ huynh học khối lớp 12 đưa các em tham dự ngày hội “Tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp 2015” tại thành phố Cần Thơ.

Trường vùng biên, hải đảo lo HS yếu, khó khăn… bỏ thi
Lãnh đạo trường vùng núi như Tịnh Biên (An Giang) lo lắng sẽ có những học sinh học lực yếu, học sinh dân tộc Khmer nghèo... bỏ thi.

Tại Trường THPT Phú Quốc, ông Lê Thanh Vân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, vừa qua nhà trường đã phố biến đầy đủ quy chế kỳ thi quốc gia, quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ tới toàn bộ HS khối 12, giáo viên và phụ huynh HS. Sau thời gian phổ biến và cho đến thời điểm này các em HS và phụ huynh đã nắm rõ và rất đồng thuận với những nội dung đổi mới trong kỳ thi quốc gia năm nay.

Về công tác ôn tập, thầy Vân cũng cho biết, nhà trường cho HS khối 12 đăng ký các môn thi và tổ chức ôn tập cho các em từ đầu học kỳ II. Các môn không thi vẫn học tập bình thường đúng quy định. Dự kiến kết thúc vào giữa tháng 4/2015, sau đó nhà trường tổ chức ôn tập cho các em cho đến 20/6/2015.

Trong khi đó, chia sẻ về những thuận lợi trong quy chế kỳ thi quốc gia 2015, hiệu trưởng Lê Ngọc Xuân cho biết: “Thời gian tổ chức kỳ thi vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7 năm 2015 tạo thuận lợi cho thí sinh, HS có nhiều thời gian ôn luyện. Ngoài ra khi các em tham gia 1 kỳ thi, giảm áp lực và tốn kém, đảm bảo quyền lợi cho HS. Đặc biệt, việc tổ chức thi ở cụm thi liên tỉnh do trường ĐH chủ trì sẽ đảm bảo sự công bằng, độ tin cậy của kết quả thi ở tất cả các cụm thi trên cả nước. Điều đáng quan tâm trong quy chế kỳ thi quốc gia là khắc phục tình trạng học lệch của các em HS theo các môn thi tốt nghiệp THPT và các khối thi tuyển sinh ĐH, CĐ do HS tự chọn. Điều này phù hợp với tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Trường vùng biên, hải đảo lo HS yếu, khó khăn… bỏ thi
Hiện nay các trường học đã tập trung ôn tập cho các em học sinh khối 12. Ngoài ra, các trường cũng chỉ đạo các giáo viên dạy đầy đủ các môn không thi.

Tuy nhiên, thầy Xuân cũng cho biết, theo quy chế mới do địa điểm thi tại Đại học An Giang cách xa nhà nguy cơ HS có học lực yếu kém và HS dân tộc Khmer sẽ có tỉ lệ bỏ thi là khá cao. Do vậy, ban giám hiệu nhà trường đang tích cực vận động các tổ chức, phối hợp với gia đình có bước chuẩn bị tốt nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham dự kỳ thi.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí đối với các môn không thi, ban giám hiệu các nhà trường có chỉ đạo giáo viên vẫn tiến hành dạy đầy đủ theo phân phối chương trình, không được cắt xén nội dung dạy học một cách tuỳ tiện và thực hiện đúng hướng dẫn nhiệm vụ năm học của Sở GD-ĐT.

Riêng kế hoạch ôn luyện cho các em 12, các trường học tổ chức ôn luyện cho HS 12 theo 2 hình thức song song theo 2 giai đoạn, củ thể giai đoạn 1: Tổ chức phân hóa theo năng lực HS để ôn tập luyện tập và rèn luyện kỹ năng các môn Toán, Ngữ Văn, tiếng Anh. Thời gian ôn tập luyện tập là 10 tuần; Giai đoạn 2: phân hoá theo năng lực HS theo nhóm môn thi bắt buộc Ngữ văn, Toán, tiếng Anh. Thời gian ôn tập 11 tuần; môn tự chọn là Vật lý, Hoá, Sinh, Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa lí để ôn tập. Thời gian ôn tập cũng 11 tuần. Ngoài ra, các trường học còn tổ chức ôn luyện nâng cao cho các em HS để dự thi xét tuyển Đại học, Cao đẳng theo nhu cầu và năng của HS.

Với điều kiện tự nhiên “đặc biệt” như huyện đảo Phú Quốc, hiệu trưởng Lê Thanh Vân - Hiệu trưởng Trường THPT Phú Quốc đại diện các phụ huynh và trên 1.000 em HS khối 12 đang theo học tại huyện đảo Phú Quốc (3 trường THPT và 1 Trung tâm GDTX) chia sẻ: “Nếu Bộ GD-ĐT không đồng ý thành lập điểm thi ở Phú Quốc thì nhà trường và phụ huynh HS bàn bạc thống nhất tổ chức một cách tốt nhất cho các em tham gia kỳ thi một cách tốt nhất. Riêng các em HS có hoàn cảnh khó khăn nhà trường cũng đang thống kê để kiến nghị với các cơ quan chức năng, lãnh đạo Sở để tìm ra phương án hỗ trợ cho các em thuộc hộ nghèo, khó khăn có điều kiện tham dự kỳ thi. Tuy nhiên, lãnh đạo các trường học, PHHS và các em HS đều mong muốn Bộ GD-ĐT cho thành lập một điểm thi tại Phú Quốc để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh và các em HS có có hoàn cảnh khó khăn”.

Nguyễn Hành
 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!