Trường “vận động” cả tiền hỗ trợ học sinh nghèo để tu sửa cơ sở vật chất

(Dân trí) - Nhà nước có chế độ hỗ trợ cho đối tượng học sinh nghèo thuộc vùng đặc biệt khó khăn, tuy nhiên, nhiều trường học trên địa bàn huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) đã “vận động” lại một phần số tiền hỗ trợ của học sinh để phục vụ cho việc tu sửa cơ sở vật chất. Ngoài ra, nhiều trường còn để phụ huynh thu cả tiền kinh phí vận chuyển gạo hỗ trợ học sinh nghèo.

Thu lại một phần tiền hỗ trợ học sinh nghèo

Đó là thực trạng xảy ra tại một số đơn vị trường học trên địa bàn huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) như: Tiểu học Thạch Lâm 1, Tiểu học Thạch Lâm 2 và trường THCS Thạch Lâm, thuộc xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành.

Theo đó, vào mỗi kỳ học sinh (HS) được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước cho đối tượng HS nghèo vùng đặc biệt khó khăn, theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 116), nhà trường đã thu lại của mỗi HS từ 200.000 đến 400.000 đồng.


Học sinh xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa đi bè, mảng đến trường.

Học sinh xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa đi bè, mảng đến trường.

Trong đó, tại trường Tiểu học Thạch Lâm 1, xã Thạch Lâm, mỗi kỳ học, sau khi HS được hỗ trợ tiền theo nghị định 116, nhà trường thu lại mỗi học sinh 400.000 đồng.

Cụ thể, năm học 2016 - 2017, trường Tiểu học Thành Lâm 1 có 67 HS thuộc diện được hỗ trợ. Trong đó, 42 HS được hỗ trợ cả năm học, 25 HS được hỗ trợ 1 học kỳ. Tổng số tiền hỗ trợ trường Tiểu học Thạch Lâm 1 được cấp là 291.170.000 đồng.

Ngày 18/4, sau khi nhận kinh phí từ huyện chuyển về, nhà trường tổ chức mời phụ huynh có con thuộc đối tượng được hỗ trợ đến nhận tiền. Tại buổi nhận tiền, có một số phụ huynh đưa ra ý kiến muốn ủng hộ nhà trường một phần trong tổng số tiền được nhà nước hỗ trợ để trường tu bổ, mua sắm và xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy học.

Sau đó, nhà trường đã tổ chức hội nghị phụ huynh để xin ý kiến. Tại cuộc họp, phụ huynh thống nhất, đối với HS được hỗ trợ cả năm học ủng hộ 400.000 đồng/HS, HS được hỗ trợ 1 kỳ sẽ ủng hộ 200.000 đồng/HS.

Tại trường Tiểu học Thạch Lâm 2, năm học 2016 - 2017 có 49 HS thuộc diện được hỗ trợ theo Nghị định 116, nhà trường cũng phối hợp với Ban đại diện cha mẹ HS, kêu gọi các phụ huynh có con được nhận tiền hỗ trợ trên ủng hộ 400.000 đồng/HS với tổng số tiền thu được là 19,6 triệu đồng.

Còn tại trường THCS Thạch Lâm, năm học 2016 - 2017 có 58 HS thuộc diện được hỗ trợ. Do khu ở bán trú của nhà trường đã xuống cấp, sau khi nhận kinh phí hỗ trợ, nhà trường họp và vận động các phụ huynh có con đang ở bán trú và là đối tượng được hỗ trợ đóng góp tu sửa công trình.

Sau khi thảo luận, các phụ huynh thống nhất: Những HS được hỗ trợ cả năm ủng hộ 300.000 đồng/HS; HS được hỗ trợ 1 kỳ, ủng hộ 150.000 đồng/HS. Số tiền thu được là 16.050.000 đồng.

Thu cả tiền vận chuyển gạo hỗ trợ

Không chỉ vận động một phần tiền hỗ trợ theo chế độ của Nhà nước cho HS vùng đặc biệt khó khăn, trong quá trình phát gạo hỗ trợ cho HS, nhà trường còn để phụ huynh thu cả tiền “kinh phí” vận chuyển.

Lý do được đưa ra là do đường giao thông khó khăn, xe phát gạo không vào đến tận trường, nên phụ huynh HS của 3 trường trên đã tổ chức thu mỗi HS từ 20.000 đồng đến 200.000 đồng/năm học để phục vụ cho việc đưa gạo về trường phát đến từng HS.

Trong đó, trường Tiểu học Thạch Lâm 1 và THCS Thạch Lâm thu 20.000 đồng/HS/năm; trường Tiểu học Thạch Lâm 2 thu 200.000 đồng/HS/năm.

UBND huyện Thạch Thành đã tiến hành xác minh, làm rõ và chỉ ra tại trường Tiểu học Thạch Lâm 1, Tiểu học Thạch Lâm 2 và THCS Thạch Lâm vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất từ các phụ huynh có con được hỗ trợ theo Nghị định 116 và việc để phụ huynh thu tiền vận chuyển gạo, phân phối gạo là chưa thực hiện theo hướng dẫn quản lý và sử dụng các khoản thu vận động xã hội hóa giáo dục của Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành.

Ngoài ra, riêng trường tiểu học Thạch Lâm 1, việc thu tiền ủng hộ cơ sở vật chất từ các phụ huynh có con được hỗ trợ Nhà nước không được thống nhất trong Ban giám hiệu nhà trường, không xin ý kiến phụ huynh trước khi thực hiện.

Sau khi có ý kiến kiến nghị của cử tri cũng như phụ huynh, các trường nêu trên đã tự giác khắc phục hậu quả, trả lại tiền đã thu cho phụ huynh.

Từ đó, UBND huyện Thạch Thành yêu cầu Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng GD-ĐT căn cứ mức độ vi phạm tổ chức kiểm điểm ban giám hiệu, hiệu trưởng, kế toán của các trường Tiểu học Thạch Lâm 1, Tiểu học Thạch Lâm 2 và THCS Thạch Lâm do có sai phạm nêu trên và đề xuất hình thức kỷ luật thỏa đáng.

Đồng thời, yêu cầu Phòng GD-ĐT tổ chức vận chuyển gạo từ trung tâm của huyện đến trường học cấp phát gạo cho các đối tượng được hỗ trợ, không để phụ huynh phải thuê vận chuyển gạo như hiện nay.

Đồng thời, phòng GD-ĐT phối hợp với UBND các xã trên toàn huyện tăng cường kiểm tra để hạn chế tình trạng tương tự xảy ra; UBND xã Thạch Lâm thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các chính sách đãi ngộ của Nhà nước trên địa bàn, không để diễn ra việc vi phạm chế độ chính sách ưu tiên vùng đồng bào khó khăn.

Trần Lê