Trường ĐH Ngoại thương khởi động chương trình Ươm tạo SiP 100 hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp

(Dân trí) - Chiều tối ngày 4/3, Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo FTU (Trung tâm FIIS) - Trường Đại học Ngoại thương đã tổ chức Chương trình Ươm tạo SIP100 mùa thứ 2 với mục đích giúp các dự án khởi nghiệp của sinh viên hoàn thiện các ý tưởng kinh doanh thông qua chuỗi các hoạt động đào tạo, tư vấn, cố vấn liên tục tập trung bởi các giảng viên, chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế.

Trường ĐH Ngoại thương khởi động chương trình Ươm tạo SiP 100 hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp - 1
Buổi Kick-off Day, chương trình Ươm tạo SIP100 mùa thứ 2.

SIP100 ( viết tắt của Startup Incubation Program in 100 days) là chương trình 100 ngày ươm tạo và 1 năm kết nối đầu tư dành cho các nhóm khởi nghiệp, giúp các nhóm hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình. Từ hơn 250 ý tưởng từ các cuộc thi khởi nghiệp sinh viên và các nhóm khởi nghiệp trên toàn quốc, SIP100 đã chọn lựa được 9 dự án tiềm năng đến từ khắp các tỉnh trên toàn quốc, thành phố như Hà Nội, TPHCM, và đặc biệt có hai nhóm ươm tạo nước ngoài đến từ Thái Lan và Malaysia.

Đến tham dự chương trình có ông Neemal Shunmugam - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Malaysia, lãnh đạo cấp cao của nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam, các quỹ đầu tư, các vị cố vấn và mentor (người hướng dẫn) giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế cùng đông đảo sinh viên, giảng viên.

Trường ĐH Ngoại thương khởi động chương trình Ươm tạo SiP 100 hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp - 3
Chia sẻ từ PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng trường ĐH Ngoại Thương.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương chia sẻ: “Khởi nghiệp chưa bao giờ là một con đường dễ dàng. Các startup trẻ không chỉ cần đam mê, nhiệt huyết mà còn cần rất nhiều kĩ năng, mối quan hệ trên con đường hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh của mình.Các trường đại học đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và góp phần xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.Và SIP 100 mùa thứ 2 ra đời với sứ mệnh tiếp tục lan toả nhiệt huyết đổi mới sáng tạo và đồng thời tiếp tục hỗ trợ các bạn sinh viên khởi nghiệp.

Để khởi động chương trình Ươm tạo khởi nghiệp mùa 2 đầy hứa hẹn, chúng tôi tổ chức buổi Kick-off Day: Kết nối cố vấn khởi nghiệp với các nhóm startup. Qua đây, chính thức giới thiệu 9 nhóm khởi nghiệp tiềm năng đã được phỏng vấn, chọn lọc , và giúp các startup hiểu rõ hơn về Chương trình Ươm tạo SIP100 và kết nối được với những mentor, chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Trường ĐH Ngoại thương khởi động chương trình Ươm tạo SiP 100 hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp - 4

Các chuyên gia, nhà đầu tư kết nối với các nhóm khởi nghiệp.

Tại chương trình, 9 nhóm khởi nghiệp đã có cơ hội giới thiệu về dự án, kết nối cùng các mentors là các chuyên gia, cố vấn ở phòng gặp gỡ, kết nối. Các dự án được các nhà đầu tư, chuyên gia đánh giá cao về ý tưởng sáng tạo, tính thiết thực và khả thi. Đáng chú ý, một số dự án hướng nội dung vào mảng Giáo dục ý nghĩa. Dự án We Grow Education là một hệ sinh thái các giải pháp giáo dục khai phóng với tầm nhìn về một tương lai thế hệ trẻ Việt được phát triển không giới hạn với những tiềm năng của mình. Hay dự án For a better world: Sách Handmade dành cho thiếu nhi từ vật liệu tái chế nhằm biến các loại giấy phế liệu thành những sản phẩm có ích bền vững, có giá trị sử dụng lâu dài và có tính giáo dục cao với các mục đích là tái chế rác bảo vệ môi trường, tạo điều kiện công ăn việc làm và cơ hội hòa nhập cộng đồng cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc màu da cam và một số nhóm ngời yếu thế khác.

Em Nguyễn Phương Tú (sinh viên trường ĐH Ngoại thương) - đồng sáng lập dự án We grow chia sẻ: “Xuất phát từ thực trạng xã hội nơi mà người trẻ phải đối mặt với rất nhiều định kiến, rào cản và rủi ro từ chính mình và môi trường, trong khi giáo dục tại nhà trường và gia lại đang xảy ra sự đứt gãy và loay hoay không biết cách tiếp cận chúng như nào? We grow ra đời. Dự án của nhóm là một hệ sinh thái các giải pháp giáo dục khai phóng với tầm nhìn về một tương lai thế hệ trẻ Việt được phát triển không giới hạn với những tiềm năng của mình. Có 5 mảng mà dự án giải quyết: tự do lựa chọn trong cuộc sống, xây dựng các mối quan hệ khỏe mạnh, xây dựng bản ngã cá nhân, khả năng tự vệ trước tác động bên ngoài, định hướng sự nghiệp”.

Thông qua chương trình, nam sinh viên mong muốn kết nối với mentors - những người thực sự có chuyên môn trong phát triển kinh doanh, đặc biệt là về giáo dục để có thể học hỏi và xây dựng một mô hình khởi nghiệp tốt hơn.

Các dự án khác hướng đến các mảng về nông nghiệp bền vững, kết nối việc làm, thương mại điện tử, công nghệ cuộc sống, dụng cụ thể thao, bảo vệ môi trường, cố vấn đầu tư…

Anh Nguyễn Anh Tuấn - đại diện doanh nghiệp, thành viên của Hiệp hội Business code Bắc Mỹ đánh giá:“Các dự án ở Trung tâm FIIS rất hay. Các bạn trẻ đã làm được startup gần như thành phẩm đưa ra thị trường, đâu đấy có thể thấy chúng là những đứa con khá hoàn chỉnh. Bây giờ, các bạn cần một cú hích. Tất nhiên, một số bạn sẽ nghĩ cần marketing, cần bán hàng, tài chính nhưng đứng ở góc độ của tôi, tôi nghĩ các bạn cần một cú hích về năng lượng, cần một sườn để người trẻ làm chủ. Các bạn đang bước vào một lĩnh vực mới là làm chủ doanh nghiệp và các bạn cần được huấn luyện để làm điều đó. Tôi đánh giá rất cao, tôi không ngờ các bạn trẻ đã làm các dự án hay. Chắc chắn, tôi sẽ đầu tư cho một số dự án trong tầm về thời gian, trí tuệ và tài chính".

Dành lời khuyên cho các bạn trẻ tham gia chương trình ươm tạo khởi nghiệp, ông Aaron Everhart - Chủ tịch Hatch! Venture (cố vấn chương trình) nói: “Khi tham gia vào chương trình Ươm tạo các bạn phải thử nghiệm lại sản phẩm, làm lại trong quá trình ươm tạo. Và một cố vấn như tôi sẽ luôn thử thách các bạn để xem cách làm việc cũng như năng lượng của các bạn đang phát triển đến đâu.Đối với các nhà đầu tư đây là mối quan hệ hai chiều, các bạn tìm đến nhà đầu tư và các nhà đầu tư cũng tìm đến các bạn.Các nhà đầu tư là đối tác của bạn, nằm trong hội đồng quản trị của các bạn và hai bên sẽ như thể có một “đám cưới” với nhau.

Trường ĐH Ngoại thương khởi động chương trình Ươm tạo SiP 100 hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp - 6
Ông Aaron Everhart – Chủ tịch Hatch! Venture – cố vấn chương trình chia sẻ lời khuyên dành cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Một nhóm khởi nghiệp phải quan tâm đến nhà đầu tư nếu nhà đầu tư muốn biết chi tiết các con số hay giải thích thêm thì hãy làm như vậy.Quan trọng, các bạn phải biết mình đang muốn gì hãy trao đổi thẳng thắn với các nhà đầu tư để nhà đầu tư hiểu các bạn muốn gì ở họ. Không thể thiếu, các bạn phải thuyết trình, trình bày ý tưởng một cách sáng tạo và thuyết phục. Các nhóm khởi nghiệp thường nghĩ về sản phẩm của mình nhiều nhưng lời khuyên của tôi là các bạn hãy nghĩ về thị trường, các bạn phải bán được sản phẩm, có doanh thu”.

Trong khuôn khổ chương trình, như một lời cam kết cùng nhau đồng hành để tạo ra thật nhiều các giá trị cho các startups, buổi lễ kí kết MOU đã diễn ra để đánh dấu thỏa thuận chính thức cùng các đối tác cùng chương trình.

Trường ĐH Ngoại thương khởi động chương trình Ươm tạo SiP 100 hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp - 7
Đại diện Front Range Ventures Connection - công ty Hoa Kỳ chuyên về đào tạo, tư vấn kinh doanh và kết nối đầu tư và PGS.TS Lê Hà, Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và Ươm tạo - trường ĐH Ngoại thương kí kết hợp tác.

 

Lệ Thu