Trường ĐH công lập đầu tiên đào tạo trực tuyến

(Dân trí) - Ngày 22/4, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM vừa chính thức khai trương hệ thống đào tạo trực tuyến UTEx trực thuộc trường này. Đây là hệ thống đào tạo trực tuyến trực thuộc một trường đại học công lập đầu tiên trên cả nước hiện nay.

Thông tin tại buổi khai trương, PGS.TS Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Hệ thống đào tạo trực tuyến này cho biết: Mô hình học trực tuyến mô phỏng phương thức đào tạo như một trường đại học và có nhiều điểm khác biệt. Hệ thống đào tạo này là sự kết hợp tổng thể của hệ sinh thái giáo dục xanh và mở gồm môi trường, kiến trúc và văn hóa - con người. Hệ sinh thái giáo dục mở ở đây sẽ là mô hình quản trị tinh gọn trên nền tảng công nghệ trực tuyến…

Trường ĐH công lập đầu tiên đào tạo trực tuyến - 1

PGS.TS Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Hệ thống đào tạo trực tuyến UTEx chia sẻ về bối cảnh hình thành hình thức đào tạo trực tuyến

Theo ông Tuấn, mô hình này là giải pháp tổng thể của nhà trường hướng tới tương lai trong thời đại tri thức số. Các đặc trưng của mô hình này được xác định dựa trên nghiên cứu tiếp cận theo định hướng công nghệ dạy học hiện đại.

Được biết, trước đó năm 2015, Đại học trực tuyến FUNiX trực thuộc khối giáo dục FPT đã ra mắt và khai giảng khóa đầu tiên tháng 11/2015.

Còn PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM thì cho biết: Với những thay đổi nhanh chóng của nền tảng công nghệ, văn hóa làm việc và học tập của sinh viên thay đổi từng ngày, việc xây dựng một mô hình giáo dục đại học trực tuyến là điều sớm phải hình thành. Sự thay đổi ấy buộc các trường ĐH phải thay đổi, đặc biệt là thay đổi về tư duy trong đào tạo trực tuyến. 

Trường ĐH công lập đầu tiên đào tạo trực tuyến - 2

Đào tạo trực tuyến được xem là phù hợp với thời đại công nghiệp 4.0

Cũng theo ông Dũng, đối tượng thụ hưởng trực tiếp của hệ thống giáo dục UTEx là toàn bộ sinh viên và giảng viên nhà trường. Ngoài ra, hệ thống này còn phục vụ cho các mạng lưới kết nối với hệ sinh thái giáo dục của Đại học trực tuyến: doanh nghiệp, tỉnh thành, trường phổ thông, trường quốc tế; tất cả mọi người có nhu cầu học tập trực tuyến tại trường; phụ huynh có thể giám sát việc học tập, sinh hoạt của sinh viên".  

Ông Dũng cho biết thêm, tổng kinh phí đầu tư cho hệ thống giáo dục trực tuyến này ước tính 160 tỷ đồng và thời gian hoàn thành dự kiến đến tháng 9/2020. Riêng trong năm học vừa qua đã có 900 khóa học với hơn 5 triệu lượt giảng viên, sinh viên truy cập.

 Lê Phương