Trường Đại học Y dược, Đại học Huế và những bước “chuyển mình” tiên phong

(Dân trí) - Cải cách chương trình đào tạo theo hướng tích hợp và dựa trên năng lực; đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; tăng cường công tác phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ là những nhiệm vụ trọng tâm mà Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đã thực hiện trong năm qua và đạt được những kết quả tốt đẹp.

Nâng cao chất lượng giáo dục thông qua cải cách chương trình đào tạo

Nâng cao chất lượng giáo dục là một yêu cầu bức thiết của xã hội ngày nay đối với các cơ sở đào tạo, tác động mạnh mẽ đến việc đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội. Trong đó, việc nâng cao chất lượng giáo dục thông qua cải cách chương trình đào tạo được xem là nhiệm vụ quan trọng của các trường đại học trong những năm gần đây. Năm 2019, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó là cải cách chương trình đào tạo, thực hiện chương trình đào tạo mới cho 2 ngành Y khoa và Răng Hàm Mặt với chương trình tiên tiến, được cải cách sâu rộng theo hướng tích hợp và đào tạo dựa trên năng lực thông qua hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ giáo dục hiệu quả từ Trường Đại học Harvard, Hoa Kỳ.

Trường Đại học Y dược, Đại học Huế và những bước “chuyển mình” tiên phong - 1
Phương pháp học theo nhóm team - based learning của chương trình giáo dục đổi mới nhằm tăng cường tính chủ động, sáng tạo của sinh viên

Bắt đầu triển khai chuẩn bị từ tháng 12/2016 và áp dụng chương trình mới từ tháng 8/2018, mục tiêu quan trọng nhất của kế hoạch cải cách toàn diện chương trình đào tạo ngành Bác sĩ Y khoa và Bác sĩ Răng Hàm Mặt là đảm bảo đạt các chuẩn đầu ra về kiến thức, thái độ và năng lực thực hành nghề nghiệp cho người học theo các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế, của Liên đoàn đào tạo y khoa thế giới (World Federation for Medical Education - WFME). Chương trình đào tạo mới ứng dụng các phương pháp giảng dạy và học hiện đại, tích cực như: phương pháp đảo chiều lớp học, dạy và học theo nhóm dựa trên vấn đề, phương pháp mới trong hướng dẫn và lượng giá thực hành lâm sàng, lấy người học làm trung tâm...với việc ứng dụng công nghệ thông tin một cách sâu rộng, đáp ứng nhu cầu xã hội và hội nhập với tiêu chuẩn giáo dục y khoa quốc tế.

Với những nỗ lực nội tại, cùng với sự hỗ trợ từ bên ngoài, chương trình được triển khai ở hai ngành quan trọng nhất ở bậc đại học. Đó cũng là nền tảng để nhân rộng sang 7 ngành đào tạo còn lại của Nhà trường ở bậc đại học cũng như các chương trình đào tạo sau đại học. Có thể nói đây là một cuộc “cách mạng” trong đào tạo ở trường đại học Y Dược nói riêng và trong các trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe nói chung.

Trường y dược đầu tiên kiểm định thành công chương trình đào tạo

Bên cạnh cải cách chương trình đào tạo thì đảm bảo chất lượng giáo dục cũng là yêu cầu bắt buộc để khẳng định chất lượng đào tạo và tiến tới xây dựng văn hóa chất lượng cho cơ sở giáo dục. Là trường đại học đầu tiên trong khối ngành đào tạo khoa học sức khỏe hoàn tất đánh giá ngoài và được công nhận là cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục vào tháng 3 năm 2017, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế tiếp tục triển khai đánh giá ngoài 3 chương trình đào tạo Dược học, cử nhân Điều dưỡng, cử nhân Y tế công cộng nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng chương trình đào tạo. Kết quả thẩm định, Nhà trường đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội cấp Giấy chứng nhận công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cho 3 chương trình đào tạo theo QĐ số 392/QĐ-KĐCL ngày 12 tháng 10 năm 2019.

Trường Đại học Y dược, Đại học Huế và những bước “chuyển mình” tiên phong - 2
Trao Quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục cho 3 chương trình đào tạo Dược học, Cử nhân Y tế công cộng và Cử nhân Điều dưỡng

Trong xu thế hội nhập và quốc tế hóa giáo dục, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục là một trong những công tác trọng điểm được Nhà trường quan tâm và đặt làm nhiệm vụ trọng tâm trong những năm vừa qua và những năm sắp đến. Thông qua hoạt động kiểm định và đánh giá ngoài, những mặt mạnh và yếu của chương trình đào tạo đã được chỉ ra, môi trường đại học sẽ được cải thiện, nâng cấp và đảm bảo chất lượng. Từ đó xác định được vị thế của 3 chương trình đào tạo trong khu vực và làm cơ sở để xây dựng lộ trình phát triển cho chương trình đào tạo theo hướng vươn tới các chuẩn mực quốc tế như AUN-QA (Tiêu chuẩn Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á - Đảm bảo chất lượng). Kiểm định chất lượng giáo dục không chỉ khẳng định vai trò chất lượng của Nhà trường đối với xã hội mà còn là cơ sở để cải tiến ngày một tốt hơn, đúng với mục tiêu chất lượng mà Nhà trường đưa ra.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y học phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng

Một trong những công trình nghiên cứu khoa học nổi bật trong năm qua nằm trong khuôn khổ hợp tác khoa học và công nghệ giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc. Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế hợp tác với Đại học Yonsei, Hàn Quốc thực hiện đề tài nghiên cứu theo nghị định thư “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo Artificial Intelligence - AI) trong sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung”. Dự án tiến hành trong 3 năm, dự kiến có khoảng 7.000 đến 8.500 phụ nữ sẽ được hưởng các dịch vụ sàng lọc ung thư cổ tử cung.

Công tác sàng lọc dự phòng ung thư cổ tử cung hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những nơi hạn chế về nguồn lực như nông thôn, miền núi. Cách tiếp cận sàng lọc truyền thống đã có những hiệu quả đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế khi các can thiệp sàng lọc chỉ thực hiện tốt ở những nơi được đào tạo về các kỹ thuật sàng lọc ung thư cổ tử cung. Trong khi đó, bệnh lý ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ hai ở phụ nữ Việt Nam và được Tổ chức y tế thế giới (WHO) dự báo có thể tăng lên 25% bao gồm cả tỉ lệ mắc mới và tỷ lệ tử vong nếu không được sàng lọc và dự phòng trong 10 năm tới.

Công nghệ AI kết hợp với dịch vụ dữ liệu di động có thể giúp cải thiện hiệu quả sàng lọc ung thư cổ tử cung vì có thể áp dụng đối với các tuyến có nhân viên y tế chỉ được đào tạo cơ bản và thậm chí những cán bộ y tế không phải chuyên sâu cũng có thể sử dụng thiết bị để chụp hình ảnh cổ tử cung sau test acid acetic (kỹ thuật VIA), chuyển qua mạng viễn thông đến cơ sở dữ liệu và được xử lý bằng công nghệ AI. Công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể đưa ra gợi ý giúp xác định các trường hợp bình thường hoặc bất thường ngay sau đó, với độ chính xác cao, tiện lợi và chi phí đòi hỏi thấp hơn.

Trường Đại học Y dược, Đại học Huế và những bước “chuyển mình” tiên phong - 3
Hội thảo triển khai đề tài nghiên cứu theo nghị định thư “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo Artificial Intelligence – AI) trong sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư cổ tử cung”

Trong quá trình thực hiện, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế sẽ cung cấp dịch vụ sàng lọc bệnh lý ung thư cổ tử cung cho khoảng 70 xã có nguồn lực hạn chế thuộc 3 huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Đối tác từ phía Đại học Yonsei, Hàn Quốc sẽ hợp tác xây dựng và cung cấp ứng dụng sàng lọc ung thư cổ tử cung tích hợp trên điện thoại thông minh dựa trên công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong những năm sắp đến, Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế đã và đang xây dựng nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp triển khai nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học và sau đại học đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của xã hội. Bên cạnh đó tiếp tục liên kết đào tạo quốc tế một số ngành đào tạo, tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và đào tạo, nghiên cứu khoa học và khám chữa bệnh với công tác hợp tác quốc tế; xây dựng Nhà trường thành Trung tâm nghiên cứu về khoa học sức khỏe nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và giải quyết các vấn đề của khu vực.

PV