Ninh Bình:

Trường đại học trăm tỷ đồng “đắp chiếu” nhiều năm vì… thiếu vốn

(Dân trí) - Được đầu tư hơn 420 tỷ đồng, sau 4 năm xây dựng, công trình trường ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) hiện đang “đắp chiếu” vì… thiếu vốn. Số tiền trăm tỷ đồng bỏ ra xây dựng “công trình trọng điểm” này giờ để mặc nắng mưa hủy hoại, làm nơi chăn thả trâu bò.

Dự án trường ĐH Hoa Lư "đắp chiếu" vì thiếu vốn.

Dự án trường ĐH Hoa Lư được đầu tư xây dựng theo Quyết định 583/QĐ-UB của UBND tỉnh Ninh Bình ngày 9/6/2010 với tổng số tiền 426,671 triệu đồng, từ nguồn vốn Trung ương và Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Trường được triển khai xây dựng từ năm 2011, trên diện tích đất “bờ xôi ruộng mật” của hàng trăm hộ dân xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình. Công trình này là một trong những dự án “trọng điểm” của tỉnh Ninh Bình, nhằm tạo điều kiện phục vụ nhu cầu dạy và học của nhà trường, góp phần nâng cao đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng.

Công trình dự án trường ĐH Hoa Lư được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 420 tỷ đồng (ảnh: Thái Bá)
Công trình dự án trường ĐH Hoa Lư được đầu tư xây dựng với số vốn hơn 420 tỷ đồng (ảnh: Thái Bá)

Theo kế hoạch, dự án trường ĐH Hoa Lư sẽ hoàn thành vào năm 2016. Tuy nhiên, sau khi khởi công xây dựng được thời gian ngắn, công trình nhiều lần phải dừng thi công vì thiếu vốn. Đến nay việc xây dựng đã dừng hẳn, ngôi trường đại học hàng trăm tỷ đồng này đang bị “đắp chiếu”, bỏ hoang giữa cánh đồng, mặc nắng mưa hủy hoại.

Ghi nhận của PV Dân trí, trên diện tích đất rộng gần chục ha, công trình trường ĐH Hoa Lư mới chỉ xây dựng xong phần thô của tòa nhà điều hành cao 10 tầng. Bên cạnh đó, các hạng mục nhà chức năng mới chỉ đổ nền móng và dựng nhiều cột bê tông cốt thép.

Các phòng học vẫn chưa được xây dựng, một hệ thống tường rào bao quanh dự án được xây dựng từ nhiều năm, nhưng nhiều đoạn vẫn chưa được rào chắn. Trường có hai cổng vào, tuy nhiên cũng chỉ mới được xây dựng sơ sài rồi để đó, chưa có cửa...

Ngoài những hạng mục xây dựng xong nửa chừng rồi để mặc nắng mưa hủy hoại, xung quanh khuôn viên của trường cỏ dại mọc um tùm, nhiều đống đất đá, vật liệu nằm ngổn ngang khắp nơi khiến nơi đây như một bãi hoang. Người dân sống gần đây tiếc đất “bờ xôi ruộng mật”, thấy cỏ dại mọc xanh tốt đã mang trâu bò vào khu đất xây dựng công trình “trọng điểm của tỉnh” chăn thả.

Tòa nhà điều hành cao 10 tầng mới chỉ xây xong phần thô rồi đắp chiếu nhiều năm nay (ảnh: Thái Bá)
Tòa nhà điều hành cao 10 tầng mới chỉ xây xong phần thô rồi "đắp chiếu" nhiều năm nay (ảnh: Thái Bá)

Bên trong khu vực xây dựng trường là thế, phía bên ngoài nhiều diện tích đất sản xuất của người dân cũng đã bị thu hồi từ nhiều năm trước. Tuy nhiên vì chưa được xây dựng các hạng mục, các công trình như trong dự án, nhiều người dân thấy xót đất nên đã canh tác trở lại, trồng rau và hoa màu.

“Khi có dự án, thu hồi đất sản xuất của người dân, giá đền bù rẻ nhưng chúng tôi cũng vui mừng vì tương lai khi trường đại học đưa vào sử dụng nơi đây sẽ phát triển thành trung tâm giáo dục của tỉnh. Chờ mãi chẳng thấy trường xây xong, giờ thì bỏ hoang. Tiếc số tiền xây trường, tiếc cả đất nông nghiệp bỏ hoang nữa chú à’, một người dân nói.

Trước thực trạng trên, PV Dân trí đến gặp ông Lê Xuân Giang, Hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Lư. Vị hiệu trưởng cho biết, dự án do trường làm chủ đầu tư nhưng nguồn vốn do UBND tỉnh cấp, vì thế phải có ý kiến của văn phòng UBND tỉnh ông mới dám trả lời những vấn đề có liên quan về dự án này.

Trường đại học trăm tỷ đồng “đắp chiếu” nhiều năm vì… thiếu vốn - 3
Hệ thống cổng, tường rào bao quanh trường xây dựng nửa chừng rồi để mặc nắng mưa hủy hoại (ảnh: Thái Bá)
Hệ thống cổng, tường rào bao quanh trường xây dựng nửa chừng rồi để mặc nắng mưa hủy hoại (ảnh: Thái Bá)

Phóng viên tìm đến UBND tỉnh Ninh Bình liên hệ công việc, bảo vệ tại đây cho biết, lãnh đạo đều đi vắng, bận họp hết. Trao đổi qua điện thoại, ông Đặng Xuân Nguyên, Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, lãnh đạo tỉnh từ chối trả lời về dự án và mong muốn phóng viên không phản ánh về vấn đề trên, nên tìm đề tài khác để viết bài.

Nhà chức năng của trường mới chỉ xây được nền móng, các cột bê tông (ảnh: Thái Bá)
Nhà chức năng của trường mới chỉ xây được nền móng, các cột bê tông (ảnh: Thái Bá)

Thái Bá