Trường đại học phải xem thúc đẩy khởi nghiệp là trách nhiệm của mình

(Dân trí) - Ngày 15/10, nhiều chuyên gia dự Hội nghị Khoa học Công nghệ lần thứ 16 với chủ đề Xã hội xanh và thông minh do trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) tổ chức đều cho rằng cần thúc đẩy các trường đại học khởi nghiệp, phát triển từ các trung tâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ.

Trường đại học phải xem thúc đẩy khởi nghiệp là trách nhiệm của mình - 1

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu đến từ các trường ĐH chia sẻ về vai trò, trách nhiệm của trường đại học góp phần xây dựng thành phố thông minh

Các đại biểu đều nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của trường đại học để thực hiện những điều đó góp phần xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề gắn kết giữa trường đại học và doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế xã hội.

PGS.TS Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) thì chia sẻ rằng, các công nghệ ứng dụng cho đô thị thông minh là thế mạnh của những trường đại học kỹ thuật, công nghệ, đó chính là trách nhiệm của một trường đại học.

Ở góc độ của trường, ông Phong nhìn nhận: “Đối với một trường đại học, đặc biệt là trường đại học về kỹ thuật công nghệ, nhiệm vụ sứ mạng chính của chúng tôi có hai vấn đề. Thứ nhất là tạo ra tri thức, thứ hai là chuyển giao tri thức đó. Tạo ra tri thức thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao tri thức thông qua hoạt động giảng dạy và chuyển giao công nghệ cho xã hội. Đây là trách nhiệm và chúng tôi phải nhận trách nhiệm này. Đương nhiên cơ hội là dành cho các trường chứ không riêng gì trường đại học nào mà là cơ hội cho tất cả chúng ta”.

Nhận xét về vai trò của trường đại học trong xây dựng đô thị thông minh, GS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM chia sẻ, trong ba năm vừa qua TP.HCM đi những bước rất rõ trong tiến hành xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh. Vai trò giữa trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp còn phối hợp trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có vấn đề này.

Tuy nhiên ông Phùng bày tỏ trăn trở, trong thời đại 4.0, các nhà khoa học không chỉ nghiên cứu ở một chuyên ngành hẹp mà cần phải nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, cần có sự hợp tác với nhau. “Sự sẵn sàng của các thầy cô tôi nghĩ là có, nhưng sự sẵn sàng đó doanh nghiệp họ có thấy hay không. Đưa nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn là cả một quá trình, nhưng quá trình này không chờ, chúng ta phải thích ứng với nó, phải sẵn sàng đưa ra những nghiên cứu để phục vụ cho xã hội, phục vụ cho thành phố”.

Trường đại học phải xem thúc đẩy khởi nghiệp là trách nhiệm của mình - 2

PGS.TS Thoại Nam nhấn mạnh cần thúc đẩy các trường đại học khởi nghiệp, phát triển nghiên cứu chuyển giao công nghệ

PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho hay, giữa đơn vị này và TPHCM phối hợp rất chặt chẽ thông qua nhiều chương trình ký kết, hoạt động, hội nghị...không riêng gì lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh mà còn có nhiều nội dung khác. Trong quá trình hợp tác, ĐH Quốc gia TPHCM đã lập tổ công tác gồm giáo sư và các chuyên gia đầu ngành đến từ các trường thành viên. Đơn vị này đứng ra là đầu mối liên kết các đơn vị của mình lại, những thành viên có những dự án phù hợp với thế mạnh của từng trường thành viên.

“ĐH Quốc gia TPHCM tham gia về đô thị thông minh, chúng ta cần xác định rất rõ rằng, đóng góp của mình chính là cung cấp nguồn nhân lực. Chúng ta không thể nào đưa ra một giải pháp tổng thể về hạ tầng, về phần mềm, về dịch vụ...Bởi vì chúng ta là một đại học, chúng ta chỉ có thể cung cấp những dịch vụ, chính sách tư vấn cho Thành phố. Chúng ta không phải là tập đoàn lớn như Microsoft, Google….để đưa ra giải pháp tổng thể, vì vấn đề đó rất khó ”, PGS.TS Vũ Hải Quân nói.

PGS.TS Thoại Nam, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật điện toán Trường ĐH Bách khoa TPHCM thì cho rằng nhà nước nên có vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và trường đại học gắn kết để giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, cần thúc đẩy các trường đại học khởi nghiệp, phát triển nghiên cứu chuyển giao công nghệ thông qua các trung tâm.

Hội nghị Khoa học Công nghệ được tổ chức luân phiên 2 năm một lần, là nơi các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các nhà quản lý trong nước và quốc tế có cơ hội trao đổi, chia sẻ những công trình nghiên cứu khoa học cũng như kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TP.HCM năm 2019.

Lê Phương