Trường 7 học sinh và những người thầy đặc biệt

Lớp học đặc biệt đó là của học sinh bản Đoòng, xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Cả bản có 7 học sinh, trong đó lớp 1 một em, lớp 3 hai em và lớp 5 bốn em. Để dạy được tất cả các em, Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Trạch đã phân công thầy Hoàng Văn Sáu và thầy Trần Văn Linh lên cắm bản....

Nhớ lại câu chuyện cách đây đã nhiều năm, cả gia đình bố Tòa (Trưởng bản Nguyễn Sỹ Trắc) vẫn không thể quên được người thầy già nua nhưng có tấm lòng. Thầy đã ở lại với bản 2 năm, cùng ăn rau rừng, sắn luộc với bà con để dạy cho mọi người cái chữ.

Chẳng ai biết rõ về thầy, chỉ biết tên thầy là Vinh, quê Nghệ An. Thầy đã có tuổi, thường đi từ bản này qua bản khác, nếu dân bản ở đó không biết chữ thì thầy ở lại dạy, xong rồi đi tiếp.

“Bản thành lập được khoảng 4 hay 5 năm gì đó thì thầy đến và ở lại với bản 2 năm. Trong hai năm đó thầy đã dạy cho cả bản biết đọc biết viết, tính toán, dân bản ăn gì thầy ăn nấy, mỗi tháng cả bản góp lại trả cho thầy 700.000 đồng”, bố Tòa kể.

Lớp học của 7 em học
sinh bản Đoòng
Lớp học của 7 em học sinh bản Đoòng

Khi được hỏi số tiền đó lấy ở đâu ra vì đến cái ăn cả bản còn bữa rau bữa sắn, bố Tòa lại cười.

Bố bảo, tiếng là trả thầy chứ thực ra mỗi lần nhận tiền xong là thầy lại về xuôi mua sách vở, bút mực lên phát cho các trò để tiếp tục chương trình học.

Ở với bản được hơn 2 năm, khi dân bản đã biết cái chữ hòm hòm, cuộc sống vất vả cũng làm thầy già đi nhiều, đôi chân không còn lội suối băng rừng nhanh nhẹn nữa nên thầy về xuôi.

Không có phương tiện liên lạc nên không ai biết thông tin gì về thầy nữa nhưng những câu chuyện về người thầy đầu tiên đó vẫn được dân bản nhắc bằng cả sự tôn trọng mỗi khi có khách lạ ghé thăm.

“Dạo đó, tôi cũng muốn con cái đi học chữ lắm, nhưng vì đường sá cách trở, may mà gặp được thầy nên con cái tôi mới thoát cảnh mù chữ”, mẹ Hoa (vợ bố Tòa) nói.

Trường của em be bé...

Học sinh bản Đoòng
Học sinh bản Đoòng

Sau khi thầy Vinh về xuôi, khoảng đầu năm 2007, phòng GD-ĐT đã cử người lên dạy tiếp cho dân bản nhưng chỉ được một thời gian ngắn.

Vì những em nhỏ trong bản không thể băng rừng đi học được nên năm 2010 bản chính thức có lớp. Lúc đó, thềm nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Chiều là lớp của bốn em học sinh lớp 1.

Học ở thềm nhà được 2 năm thì các em ở đây có trường, nói là trường nhưng thực ra là một căn nhà lợp lá cọ nho nhỏ, xung quanh được thưng lại bằng ván. Ở giữa ngăn đôi ra để làm chỗ đặt cho hai thầy một chiếc giường nhỏ.

Một nửa được làm chỗ dạy, lớp học có hai cái bàn dài và một bảng đen.

Lớp học chỉ có hai
cái bàn và một cái bảng chia ba
Lớp học chỉ có hai cái bàn và một cái bảng chia ba

Hiện nay cả bản có 7 học sinh, trong đó lớp 1 một em, lớp 3 hai em và lớp 5 bốn em. Để dạy được tất cả các em, Trường Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Tân Trạch đã phân công thầy Hoàng Văn Sáu và thầy Trần Văn Linh lên cắm bản. Trò chuyện với chúng tôi, thầy Sáu chia sẻ, thầy lên dạy ở đây từ khi các em còn học ở thềm nhà anh Chiều, thầy Linh thì mới được bổ sung gần đây vì số học sinh hiện nay đã tăng lên. Mỗi buổi học, hai thầy phải chia bảng làm ba phần để dạy cho các em.

Mỗi tháng dạy liên tục 22 ngày, mỗi ngày 2 buổi rồi tranh thủ băng rừng về nhà. “Ở đây không sóng điện thoại, không điện thắp sáng, không nước sạch, không trạm y tế, đã thế đường đi lại khó khăn, mới đầu không quen nên phải đi mấy tiếng mới đến bản, cực lắm. Nhưng giờ ở lâu nên đỡ hơn rồi”. Bản Đoòng hiện nay thầy đã ra thầy, trò đã ra trò nhưng trường thì chưa ra trường. Mặc dù cuộc sống còn vất vả, bữa cơm bữa sắn nhưng 7 em học sinh ở đây đều học chăm chỉ.

Chị Hồ Thị Thắm (30 tuổi) có hai con là Nguyễn Thị Xa và Nguyễn Văn Xinh đều là những thế hệ học sinh đầu tiên của bản, năm nay các em đang học lớp 5.

“Năm sau, 4 cháu học sinh đầu tiên sẽ lội suối, băng rừng ra ngoài học bán trú, bản sẽ có người học cấp 2, cấp 3, rồi đại học nữa, mặc dù cuộc sống còn vất vả nhưng bố chỉ mong con cháu được học hành đàng hoàng thôi”, bố Tòa cười nói.

Theo Hải Sâm

Báo Vietnamnet