Trước giờ G, nhiều sĩ tử vẫn say “bói” đề

(Dân trí) - Thay vì thư giãn để có sức khoẻ, tâm lý tốt nhất, không ít sĩ tử vào thời khắc sát ngày thi THPT quốc gia vẫn quay cuồng “bói” các thể loại đề thi thử, đề tiên tri, đề dự đoán như một cách thử sức.

Bát nháo đề tiên tri, dự đoán

Trước kỳ thi THPT quốc gia, trên mạng xuất hiện không ít đề thi “dự đoán” theo kiểu như đề thi thử, đề dự đoán, thậm chí là đề dạng… tiên tri của nhiều môn học. Một số đề thi còn thả sức dự đoán như “kình như” Ánh Viên sẽ vào đề thi, đề thi các môn nên ra phần này, phần nọ.

Nhiều đề thi dự đoán thường được “đeo mác” giảng viên này, giảng viên nọ hoặc của một trung tâm nào đó nhưng lại không hề được kiểm chứng. Các loại đề “dự báo” này được các thí sinh chia sẻ với nhau và không ít thí sinh dồn hết sức cho các đề dự báo này với tâm lý lo lắng.

Quan tâm đến các đề thi dự đoán trên mạng càng làm thí sinh thêm hoang mang
Quan tâm đến các đề thi dự đoán trên mạng càng làm thí sinh thêm hoang mang.

Kể cả đến sát ngày thi, thay vì thư giãn để có một sức khoẻ, tâm lý tốt thì nhiều thí sinh lại quay cuồng, chìm mình để “bói” từ đủ các thể loại đề thử, đề dự đoán. Có thí sinh còn xem các loại đề như một cách để “đo” khả năng của mình.

Nguyễn Văn Thành, thí sinh đăng ký dự thi vào Trường ĐH Công nghiệp TPHCM cho biết, cả tuần qua, cậu liên tục “thử sức” với các dạng đề tiên tri, đề dự đoán. Đề nào làm được thì Thành thở phào nhưng cũng có nhiều đề khó nhằn làm cậu lo lắng nghĩ đến tình huống mình sẽ không làm được bài khi thi thật nên lại càng cố “nhồi nhét” thêm kiến thức vào phút cuối.

Trong ngày làm thủ tục dự thi, Thành và một số người bạn bạn vẫn còn chụm đầu vào một đề thi dự đoán để bàn luận và cùng đoán xem đề sẽ ra ở phần nào, có trúng tủ hay không.

Nhiều nhà giáo cảnh báo, không ít đề thi dự đoán trên mạng được xây dựng mang tính cảm tính, thiếu tính chuyên nghiệp và khoa học. Những đề thi này nhìn chung không phù hợp với tinh thần mục tiêu, mục đích của kỳ thi, của việc đổi mới đề thi của kỳ thi THPT Quốc gia.

Đừng mất sức cho đề “thử”

Thầy Nguyễn Văn Đức, một giáo viên ở TPHCM cho biết, trong những ngày qua, nhiều học trò của mình liên tục chia sẻ về các đề tiên tri, đề dự đoán của kỳ thi THPT quốc gia. Nhiều em khăng khăng “bám” vào các đề thi này để ôn thi và đến sát ngày thi vẫn lùng sục các loại đề để luyện

“Tôi đã khuyên các em lúc này nên để tâm lý thật thoải mái, đừng mất sức cho các loại đề tràn lan trên mạng nhưng nhiều em vẫn mải mê kiếm đề về giải. Theo tôi, các em nắm chắc chương trình, làm chủ được tâm lý là sẽ làm được bài. Cứ lao theo đề bát nháo, dự báo này nọ để luyện, đến sát ngày thi vẫn lo lắng vì đề thì sẽ càng hoang mang, hao tâm tổn sức”, thầy Đức nhấn mạnh.

Thí sinh cần một tâm lý thoải mái, suy nghĩ tích cực trước ngày thi
Thí sinh cần một tâm lý thoải mái, suy nghĩ tích cực trước ngày thi.

Đến sát ngày thi mà tâm trí học trò vẫn quá lo lắng cho việc đề thế nào, theo các chuyên gia tâm lý sẽ phản tác dụng. Điều đó cho thấy các em chưa thật sự tự tin vào kiến thức, vào bản thân của mình và đó đã là “điểm trừ” ảnh hưởng đến việc làm bài khi bước vào phòng thi. Chú tâm dự đoán đề thi, tự đặt áp lực cho mình thường sẽ kéo theo các suy nghĩ tiêu cực của thí sinh.

Ông Nguyễn Khắc Minh, Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT chia sẻ, kết quả thử sức ở các đề thi thử, dự báo, tiên tri… chắc chắn ít nhiều có ảnh hưởng xấu tới việc chuẩn bị thi và thi của các thí sinh “thử sức” mà đạt điểm từ trung bình trở xuống.

Bởi vậy, các thí sinh rất không nên tìm tòi các đề thi thử, đề tiên tri, đề dự đoán... để "thử sức" thêm nữa. Điều thí sinh cần làm lúc này là cố gắng quên đi kết quả thử sức trước đây của mình trước khi bước vào phòng thi.

Hoài Nam