Trẻ tự kỷ: “Người vô hình” ở trường học, gia đình

(Dân trí) - Bị giáo viên cô lập, gọi là đồ điên; bị bạn bè bắt nạt, bạo hành; rồi ngay trong gia đình cũng bị bố mẹ xem là người vô hình, nhiều đứa trẻ mắc chứng tự kỷ đang ở “bên rìa” cuộc sống ngay trong môi trường tưởng là thân thương nhất.

“Đồ điên ấy mà cũng... đi học”.

Cô Kiều Nga, giáo viên dạy Văn một Trường THCS ở quận Thủ Đức, TPHCM nghẹn ngào, chảy nước mắt khi kể về những trường hợp học trò tự kỷ trong chương trình giao lưu về trẻ tự kỷ ở TPHCM.

Một cô giáo ở TPHCM kể về những câu chuyện đau lòng đối với trẻ tự kỷ ở trường học
Một cô giáo ở TPHCM kể về những câu chuyện đau lòng đối với trẻ tự kỷ ở trường học

Cô Nga kể, cô cũng có một đứa cháu bị tự kỷ nên cô hiểu phần nào thiệt thòi của các em. Ở trường, cô đã từng nghe có giáo viên nói về học sinh tự kỷ: “Nó bị điên mà cũng cho đi học”. Có em đến giờ học của bộ môn nào đó là bị giáo viên đuổi ra ngoài vì ngồi học không đúng tư thế hoặc quậy phá... Ở bậc THCS mỗi bộ môn là một giáo viên, không phải ai cũng hiểu và thông cảm với chứng tự kỷ của học sinh.

"Có em học sinh tự kỷ thường xuyên bị cả nhóm bạn chơi trò chơi tung người đạp vào vùng bụng. Lúc nào em cũng ôm bụng kêu đau nhưng không ai hay biết, hỏi bạn bè thì các em lại nói là giỡn chơi. Các em bị đối xử như vậy trong thời gian dài nhưng không ai hay biết, không ai quan tâm... ”, cô Nga chùng giọng và nói thêm nhiều phụ huynh không chấp nhận con mình mắc chứng tự kỷ. Mà khi từ chối con người của con, họ dễ mắc sai lầm trong cách yêu thương cũng như giải pháp hỗ trợ con phù hợp. Có người nói cứ kệ đi, học 2 - 3 năm không theo được thì tính sau.

Tác giả cuốn sách về trẻ tự kỷ, Nguyễn Thị Việt Hà cũng là nhà giáo nói về sự cô đơn của trẻ tự kỷ trong gia đình và cả nhà trường
Tác giả cuốn sách về trẻ tự kỷ, Nguyễn Thị Việt Hà cũng là nhà giáo nói về sự cô đơn của trẻ tự kỷ trong gia đình và cả nhà trường

Tác giả cuốn sách về trẻ tự kỷ “Đánh thức ban mai”, Nguyễn Thị Việt Hà cho biết trong hành trình tìm hiểu về chứng tự kỷ, chị gặp rất nhiều chuyện đau lòng xảy ra với các em ngay trong môi trường học đường.

"Nhiều bé gái chậm phát triển, tự kỷ đến tuổi dậy thì, bố mẹ đưa các em đi triệt sản để tránh những hậu quả đau lòng" - Bà Nguyễn Thanh Thúy, Hội quán Các Bà Mẹ.

“Tôi từng đi dạy học cho một bé mầm non tự kỷ. Từ khi đi học, về nhà bé không dám ra ngoài, chỉ ngồi quan quẩn chơi trên ghế. Tôi đến trường tìm hiểu thì được biết em thường xuyên bị giáo viên nhốt lại, đánh mắng. Ngay cả bác bảo vệ cũng đánh bé”, chị Hà kể.

Từng là một hiệu trưởng một trường học, chị Việt Hà thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ với những đồng nghiệp của mình. Chị hỏi cả trăm giáo viên rằng tự kỷ là gì thì chỉ có ba người trả lời được. Ba người này đều có con bị tự kỷ...

Chị hỏi các hiệu trưởng có sẵn sàng nhận những đứa trẻ tự kỷ không? Có người trả lời tốt nhất nên để trẻ ở nhà để không phải gây phiền hà đến những đứa trẻ khác, có người nói rằng ở trường không có giáo viên đặc biệt nên không dạy trẻ được và chỉ duy nhất một người nói rằng sẽ cố gắng để tiếp nhận bé.

"Người vô hình trong gia đình"

Không chỉ trong nhà trường mà ngay ở gia đình, nhiều đứa trẻ tự kỷ cũng trở thành nhân vật “vô hình” trong cuộc sống của bố mẹ. Nhiều bố mẹ xem như không có sự tồn tại của đứa con hoặc phó thác đứa trẻ hoàn toàn cho người giúp việc.

Cô Nguyễn Thị Việt Hà kể, có gia đình sinh đứa con đến tận lúc cháu 15 - 17 tuổi nhưng không một ai gặp mặt. Họ không cho con xuất hiện trong mọi cuộc gặp gỡ, không cho con ra khỏi nhà, không cho vui chơi... Khi có bạn bè, đồng nghiệp đến nhà thì đứa trẻ ấy cũng được giấu kín.

Đến nhà bạn, cô Hà từng thấy không gian sinh hoạt của một đứa trẻ là chiếc cũi, ú a ú ớ, lắc lư liên tục, đùa nghịch, gần 10 tuổi nhưng chỉ ăn cháo vì không biết nhai... Hay ở khu công viên nọ, có người làm công việc trông những đứa trẻ được bố mẹ đưa đến khu vui chơi nhốt từ sáng đến tối.

Cô giáo Kiều Nga kể về trường hợp của đứa cháu tự kỷ của mình trở thành nhân vật “vô hình” trong nhà. Mỗi lần bố mẹ về quê thăm ông bà chỉ đưa đứa em về, rồi ngay tết nhất bố mẹ cũng chỉ mua quần áo mới cho đứa em. Ai hỏi về cháu bé tự kỷ là anh chị né tránh, khó chịu...

Bà Nguyễn Thanh Thúy (Hội quán Các Bà Mẹ) nói lên “góc tối” đối với trẻ em, thanh thiếu niên chậm phát triển tâm thần là các em rất dễ bị lạm dụng và bóc lột tình dục. Vì các em ít được quan tâm, lại không có nhiều khả năng phản kháng, bảo vệ bản thân nên dễ trở thành nạn nhân của những kẻ bệnh hoạn, biến thái.

“Có một thực tế là nhiều bé gái chậm phát triển, tự kỷ đến tuổi dậy thì, bố mẹ đưa các em đi triệt sản để tránh những hậu quả đau lòng”, bà Thúy nói.

Trẻ tự kỷ tại Trường giáo dục đặc biệt Khai Trí, TPHCM trong các hoạt động tại trường
Trẻ tự kỷ tại Trường giáo dục đặc biệt Khai Trí, TPHCM trong các hoạt động tại trường

Trong chuyên đề giáo dục trẻ đặc biệt cho giáo viên ở TPHCM, bác sĩ Phạm Ngọc Thanh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) nêu quan điểm đưa trẻ tự kỷ vào trường hòa nhập là cần thiết nhưng ngành giáo dục cần có tiêu chí tiếp nhận trẻ tự kỷ ở mức độ nào để có thể thực hiện hòa nhập được, dạy học được. Nhà trường chỉ nên nhận trẻ tự kỷ biết nói và từ chối trẻ không biết nói. Với trẻ tự kỷ, không nên tính vào sĩ số lớp chính thức, đánh giá trên tiêu chuẩn chung mà các em có thể chỉ học một vài tiết, vài buổi, chỉ tham gia một vài môn để giảm áp lực cho cả trẻ lẫn giáo viên.

Những trường hợp bệnh nặng không thể hòa nhập sẽ làm cho giáo viên dễ trở nên cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng; ảnh hưởng đến kết quả dạy học. Những em này cần phương pháp giáo dục đặc biệt và người dạy đặc biệt chứ không phải là những giáo viên bình thường ở trường học.

Hoài Nam