Trẻ nghỉ Tết sớm, bố mẹ “lao đao”

(Dân trí) - Đi làm vẫn xách con kè kè bên nách, đôn đáo gửi dịch vụ, nhốt con trong nhà… là tình cảnh của rất nhiều ông bố bà mẹ khi con nhỏ được nghỉ học sớm còn mình vẫn còn “núi việc” trong những ngày cuối cùng của năm Tân Mão.

Có tiền cũng không xong

Có lẽ không tuần lễ trong năm mà phụ huynh có con nhỏ ở TPHCM lại cực như tuần lễ áp Tết. Con được nghỉ Tết sớm trước khi bố mẹ nghỉ làm nhiều ngày nên ai nấy đều phải đối mặt với bài toán nan giải là ai trông con? Không ít gia đình đã phải chi khoản tiền không nhỏ cho dịch vụ trông trẻ trong những ngày này mà cũng chẳng xong.

Mới ngày đầu tiên gửi con đến trường mầm non tư thục mở lớp dịp cận Tết mà chị Hồng Ân (nhà ở Q.10, TPHCM) phải khóc theo con. Buổi sáng đưa con đến trường, đang vội việc đầu tuần ở cơ quan nên vừa trao cháu cho cô giáo là chị tìm đường đi ngay cho được việc.

Trẻ nghỉ Tết sớm, bố mẹ “lao đao” - 1
 
Trẻ nghỉ Tết sớm trong khi bố mẹ chưa nghỉ khiến nhiều gia đình “lao đao”.

Cũng nóng lòng không yên nhưng công việc quyết toán cuối năm ngập đầu, chị cố gắng “bấm bụng” chờ hết ngày. Lại cảnh gửi ké con vào trường bạn, chị ngại gọi điện hỏi han sợ cô khó chịu, hơn nữa thấy bên trường không liên lạc chị yên tâm là không có chuyện gì.
 

“Đến môi trường mới chỉ trong thời gian 1 tuần sát Tết, trẻ rất khó để thích nghi với sự thay đổi đột ngột về trường lớp, giáo viên, bạn bè cũng như đồ ăn, cách chăm sóc.. nên có thể bị giảm cân, sốt hay hoảng sợ. Hơn nữa, chính người chăm sóc cũng sẽ gặp khó khăn khi không hiểu về đặc điểm tâm lý của trẻ" - bà Vũ Thị Thu Hà, hiệu trưởng trường mầm non Bến Thành, Q.1, TPHCM cho biết.

Chiều đón con, chị vừa dừng trước cổng đã thấy cô bảo mẫu hốt hoảng thông báo con chị khóc từ khi mẹ quay đến đi đến giờ, dỗ không được và cũng không chịu ăn uống nên cô buộc phải thả mặc cháu trong cũi. Ôm lấy con người ướt đẫm mồ hôi, lại sốt hầm hập, chị Ân chực khóc. Hóa ra cô trông trẻ không lưu số điện thoại của chị, không có cách nào để thông báo.

“Về đến nhà, tôi dỗ hoài cháu mới ăn thìa cháo. Chắc do bạn bè, thầy cô đều lạ mà không có thời gian làm quen nên cháu bị hoảng. Mình cũng chủ quan quá cơ”, chị Ân chia sẻ. Người mẹ này cũng đang tính tìm phương án khác dù đã ứng trước tiền phí cho con.

Chấp nhận gửi cô con gái 4 tuổi tại một điểm trông trẻ tại nhà ở trong hẻm đường Lê Văn Sỹ (Q.3) do một bác lớn tuổi “mở kiếm thêm ngày Tết” với giá 70.000 đồng/ngày, chị Thu Phương cũng “lạnh người” khi thấy phòng khách lầu trệt sẽ là nơi ăn, chơi, ngủ của con và cùng 6 đứa trẻ khác.

Chị chủ động gửi đồ ăn cho con nhưng vẫn không khỏi lo khi nhìn căn phòng lỉnh kỉnh đồ đạc, cầu thang lên xuống là chiếc thang sắt, trong khi nhà vệ sinh nằm ở lầu trên. “Cháu nó dễ, gặp ai chút quen liền nên không lo cháu khóc nhưng lại lo cho sự an toàn của con. Mình có nhắc nhưng không biết người ta có để ý không”, chị Phương lo lắng.

Lo là vậy nhưng chị Phương vẫn phải liều mình gửi con ở đây đến hết ngày 28 Tết. Chị làm việc tại một salon tóc, cuối năm đông khách mà đến ngày đóng tiệm mới được thanh toán lương. Còn chồng đi công tác cũng đến 29 Tết mới về. “Tôi chỉ biết khấn những ngày tới sẽ không có chuyện gì xảy ra với cháu”.

Cả nhà cùng đuối

Tuy nhiên, không phải phụ huynh nào cũng có thể giải quyết vấn đề nan giải này nhờ đến tiền. Khi điều kiện kinh tế không cho phép, gần nhà không có nơi trông trẻ hoặc không đủ “liều” giao con nhỏ cho dịch vụ, bố mẹ tự xoay xở vừa làm vừa trông con dẫn đến không ít tình huống “cười ra nước mắt”.

Anh Nguyễn Tùng, có con học ở trường mầm non Búp Măng (Củ Chi) cho biết, đây là tuần lễ “căng thẳng” nhất với gia đình. Hai bên nội ngoại đều ở xa, vợ anh vướng đứa nhỏ mới hơn 6 tháng nên cô con gái 3 tuổi… được giao cho bố. Trong khi, công việc của anh kéo dài đến tận 29 Tết và phải đi lại rất nhiều. Anh đánh liều xin phép với lãnh đạo, những ngày này sẽ có con nhỏ đi làm việc cùng mình.

Sếp hiểu hoàn cảnh neo người của vợ chồng anh, linh động để anh có thể mang con đi làm kèm với yêu cầu không dễ dàng: “Vừa phải đảm bảo không để ảnh hưởng công việc vừa phải giữ an toàn tuyệt đối cho cháu nhỏ”.

Trẻ nghỉ Tết sớm, bố mẹ “lao đao” - 2

Một trẻ được bố mang theo… ra tận nơi bán hàng.

Dẫn con đến nơi làm việc là "nỗi kinh sợ" của nhiều người. Trẻ đang ở tuổi hiếu động rất hay phá đồ đạc, làm vỡ ly hay chây bừa đồ ăn… ở văn phòng. Bố mẹ vừa lo canh chừng con vừa phải lo cho công việc.

“Tôi phải mang theo ra tận quán, để cháu ngồi chơi chắc, còn mình phải bán hàng cho khách. Bán chút lại đưa mắt ngó con, đến là khổ”, một chủ quán tạp tạp hóa ở Tân Phú cho hay.

Không riêng gì phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non mà với nhiều gia đình có con lớn hơn phải tìm cách xoay xở khi các cháu được nghỉ học sớm. Nhất là khi dịch vụ trông trẻ tuổi tiểu học, cấp 2 tuyệt nhiên không có. Các phương án được phụ huynh đưa ra cùng đều là đường cùng. Người đành mặc cho con ở nhà, người khóa cửa nhốt con không cho ra ngoài, có phụ huynh lại… xếp lịch cho con đi học thêm vào đúng giờ hành chính.

Trẻ nghỉ Tết sớm, bố mẹ “lao đao” - 3

Con lớn không có người quản lý, nhiều phụ huynh cũng lo sốt vó.

Cô Nguyễn Thị Thu (ngụ ở phường Thạnh Lộc, Q.12) cho biết, gần Tết rất nhiều việc mà mỗi khi đi làm cô như có lửa đốt. Cậu con trai lớp 6 được nghỉ sớm, chẳng biết nhờ ai canh chừng cô đành để cháu ở nhà một mình. “Chỗ tôi xe cộ qua lại rất đông, nó ra trước ngõ chạy nhảy nguy hiểm quá. Mấy ngày này, quanh nhà nhiều người bắt đầu tụ họp chơi bài bạc, cháu cũng hay chụm đầu vào xem người lớn chơi bài”, cô Thu bày tỏ.

Cô Thu cho biết thêm, vợ chồng nhà bên cạnh còn phải nhốt đứa con 8 tuổi cho cháu chơi trong nhà rồi nhờ hàng xóm lâu lâu canh chừng. “Lâu nay mình giao con cho nhà trường để rồi gặp vài ngày thu xếp trông con mới biết cực thế nào”.

Hoài Nam