Trẻ biết cãi lại là… ngoan!

(Dân trí) - Lâu nay, những đứa trẻ nhất nhất nghe lời bố mẹ, thầy cô luôn được đánh giá là ngoan. Quan niệm “con ngoan” đã ít nhiều thay đổi và người lớn cần khuyến khích trẻ biết tranh cãi, lập luận để bảo vệ chính kiến của mình.

Hầu hết, bố mẹ và thầy cô chúng ta rất bằng lòng với những đứa trẻ biết nghe lời, cho rằng như vậy mới là con ngoan. Mục tiêu giáo dục của bố mẹ và nhiều giáo viên vẫn là tạo ra những đứa trẻ biết nghe lời. Thế nên khi một đứa trẻ không làm theo lời người lớn đã có thể bị xem là không ngoan, hay bị quy kết là hư.

Tuy nhiên, dạy một đứa trẻ nhất nhất nghe lời người lớn chưa hẳn đã là điều hay. Nếu các em thật sự ngoan nói gì nghe nấy thì dần dần có thể trở nên khù khờ, không biết xử lý các thông tin thu nạp được, không có chính kiến của riêng mình, không dám phản ứng trước cái sai, thiếu năng lực tự chủ dẫn đến một thái độ sống thờ ơ và cam chịu. Cũng vì bị áp đặt, người khác nói gì cũng đúng nên đứa trẻ sẽ lười sáng tạo, tư duy.

Trẻ cần được khuyến khích để nói lên quan điểm, chính kiến của mình (Ảnh: Hoài Nam)
Trẻ cần được khuyến khích để nói lên quan điểm, chính kiến của mình (Ảnh: Hoài Nam)

Mặt khác, kỳ vọng dạy trẻ phải biết nghe lời của người lớn có thể lãnh hậu quả là đứa trẻ sống hai mặt. Bề ngoài các em luôn dạ dạ vâng vâng cho xong chuyện rồi “nổi loạn” phía sau không chỉ để thể hiện bản thân mà còn để “bù đắp” cho những ức chế khi phải tuân thủ người lớn bất kể đúng sai.

Chúng ta có rất nhiều trường hợp con ngoan trò giỏi là “đầu sỏ” trong các vụ bạo lực học đường; những đứa con bố mẹ nói gì cũng dạ “làm đủ trò” trên mạng xã hội; biết bao cô con gái ngây thơ, chẳng biết yêu đương là gì bỗng đùng cái… có bầu.

Chính vì khát vọng con ngoan là con biết nghe lời nên người lớn giáo dục trẻ một áp đặt, khắc nghiệt. Ở nhà bố mẹ nói thế nào thì con phải răm rắp thế đấy, ở trường có những giờ dạy học độc thoại của người thầy. Trong khi chưa chắc những kiến thức, giá trị và chuẩn mực của người lớn là đúng, là phù hợp. Một đứa trẻ biết phản ứng lại những áp đặt vô lý cho thấy các em phát triển về nhận thức, có cái nhìn về nhân sinh quan và biết bảo vệ lý lẽ của mình.

Những phản ứng của đứa trẻ có thể làm bố mẹ, thầy cô khó chịu, bức xúc. Hầu hết các xung đột, mâu thuẫn giữa thầy cô với học sinh, giữa bố mẹ với con… bắt đầu từ sự không vâng lời của đứa trẻ.

Bác sĩ tâm lý Nguyễn Minh Tiến (CLB Trăng Non, TPHCM) chia sẻ tuổi vị thành niên sẽ bắt đầu lục lọi xem xét những giá trị của bố mẹ, thầy cô liệu người lớn có đúng hay không. Các em biết cự nự lại người lớn là điều đáng mừng hơn là một đứa trẻ hoàn toàn ngoan ngoãn, nói gì nghe nấy. Đó là dấu hiệu của sự lớn lên, sự trưởng thành của con trẻ với những lập luận, chính kiến của mình.

Theo một chuyên gia giáo dục, mô hình giáo dục của chúng ta mong muốn tạo ra những đứa trẻ theo mẫu hình của mình đặt ra nên người lớn rất áp đặt. Còn những nền giáo dục tiên tiến, phát triển người ta lại chú trọng phát triển cá tính, sự khác biệt của đứa trẻ để các em tìm ra mẫu hình mà các em mong muốn. Các em phản ứng lại sự áp đặt là biểu hiện đáng mừng, cho thấy các em đã nhận ra những bất ổn của giáo dục áp đặt, không chấp nhận những điều vô lý.

Cũng vì áp đặt nên chúng ta còn ít lắng nghe, ít trao đổi với trẻ. Đừng để đứa trẻ như một chú gà công nghiệp đưa gì cũng ăn, cũng nuốt. Quan trọng nhất là dạy các em tư duy phản biện, phương pháp phản biện, tranh luận một cách phù hợp, văn minh chứ không phải là cãi chày cãi cối.

Và để được như vậy, chính người lớn cũng cần phải học hỏi, phải có tư duy phản biện, chấp nhận sự khác biệt của mỗi người bằng đối thoại, tranh luận lành mạnh. Điều này không chỉ để tháo gỡ, giúp con trẻ phát huy hết năng lực bản thân mà còn là cách để mỗi ông bố bà mẹ, thầy cô… trưởng thành hơn.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)