Trao Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam

(Dân trí) - Sáng nay 15/1, tại Hà Nội, Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ 2014 được trao cho 80 đề tài của 102 giảng viên trẻ và 229 đề tài của sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng trên cả nước.

Các sinh viên xuất sắc nhận giải thưởng

Các sinh viên xuất sắc nhận giải thưởng

Đây là những giảng viên, sinh viên đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học với những đề tài được đánh giá cao. Các đề tài nghiên cứu trên nhiều lĩnh vực, từ các vấn đề mang tính xã hội như giúp việc gia đình, sinh kế của người dân tộc thiểu số… đến các đề tài về kinh tế, luật pháp, y tế…

Giải thưởng dành cho giảng viên có 5 đề tài của 5 tác giả đoạt giải nhất, 11 đề tài của 13 tác giả đoạt giải nhì, 33 đề tài của 41 tác giả đoạt giải ba và 31 đề tài của 43 tác giả đoạt giải khuyến khích.

5 đề tài giải nhất của giảng viên gồm: Tiến sĩ Thái Doãn Chương, sinh năm 1979, trường ĐH Sài Gòn với đề tài: “Điều kiện cần, đủ đạt cực trị và đối ngẫu trong bài toán tối ưu vecto”; Thạc sĩ Trần Thị Phả, sinh năm 1981, Trường ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên với đề tài: “Nghiên cứu khả năng tích tụ một số kim loại nặng trong đất và trong rễ các loài thực vật chủ yếu tại khu vực khai thác quặng ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên”.

Tiến sĩ Mai Ngọc Anh, sinh năm 1980, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với đề tài: “Nghiên cứu tách biệt xã hội về kinh tế và các giải pháp giảm tách biệt xã hội đối với nông dân Việt Nam”; Thạc sĩ Phạm Văn Hưng, sinh năm 1983, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội với đề tài: “Nghi án và tranh luận văn chương ở Việt Nam thế kỷ XVIII - XIX nhìn từ sự vận động của văn học sử”; Thạc sĩ, dược sĩ Lê Thị Lan Phương, sinh năm 1986, Trường ĐH Y Dược TPHCM với đề tài “Nghiên cứu tác dụng hạ Cholesterol máu và bảo vệ gan của bột sấy phun từ đài hoa bụt giảm”.

Giải thưởng dành cho sinh viên có 11 đề tài của 38 sinh viên thực hiện đoạt giải nhất. Giải nhì được trao cho 32 đề tài của 98 sinh viên. Giải ba có 78 đề tài của 190 sinh viên.

11 đề tài của sinh viên giành giải nhất như  sinh viên Lê Thu Hương, trường ĐH Y Dược – ĐH Huế với đề tài: “Chế tạo Gel Pluronic nhạy cảm bởi nhiệt chứa Neomycin và Panthenol điều trị bỏng trên thỏ thí nghiệm”; nhóm sinh viên Trần Phương Thảo, Nguyễn Trọng Nghĩa, Đỗ thị Thùy, Học viện Cảnh sát với đề tài: “Đặc điểm tội phạm học sử dụng Internet để chiếm đoạt tài sản và một số khuyến nghị trong phòng ngừa xã hội”; nhóm sinh viên Hà Văn Tâm, Phạm Thị Minh Huệ, Nguyễn Thị Hằng, Lê Anh Cường, Chu Tiến Hàm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam với đề tài: “Nghiên cứu chẩn đoán khối U Lymphoma trên chó nhập ngoại”;

Nhóm sinh viên Hoàng Quốc Bình, Đỗ Đồng Chiến, Nguyễn Thành Quyết, Nguyễn Doãn Thông, Lê Duy Nhân, trường ĐH Bách khoa Hà Nội với đề tài: “Thiết kế chế tạo máy in chi tiết nhựa 3D”; Nhóm sinh viên Nguyễn Nguyệt Minh, Trần Minh Trang, Đỗ Mỹ Linh, Nguyễn Ngọc Anh – trường ĐH Kinh tế quốc dân với đề tài: “Đánh giá năng lực làm việc của lao động giúp việc trên địa bàn thành phố Hà Nội – Ngụ ý cho đào tạo nghề”…

Sinh viên Lê Thu
Hương, trường ĐH Y Dược – ĐH Huế

Sinh viên Lê Thu Hương, trường ĐH Y Dược – ĐH Huế

Trao đổi với báo chí, sinh viên Lê Thu Hương, trường ĐH Y Dược – ĐH Huế cho biết: “Đề tài nghiên cứu của em xuất phát từ một nghiên cứu của nước ngoài từ thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước về một phương thức chữa bỏng khá tốt, nhưng khi tìm hiểu thêm, em phát hiện ra sau mấy chục năm, kết quả nghiên cứu đó vẫn không hề được ứng dụng trong thực tiễn do còn nhiều nhược điểm. Nhận thấy đây là một đề tài rất thiết thực, em đã trình bày với thầy giáo và được thầy hướng dẫn bắt tay vào nghiên cứu để đưa ra sản phẩm hoàn hảo hơn”.

Hương cho biết, đề tài này em và thầy hướng dẫn đã nghiên cứu trong vòng 2 năm. Nghiên cứu của Hương đã hạn chế từ nghiên cứu cũ là gel không tạo màng ngay lập tức và màng tạo ra cũng không bền vững nên khó ứng dụng trong thực tế. Sản phẩm Gel Pluronic đã khắc phục được hai nhược điểm này là nhanh chóng tạo màng khi tiếp xúc với cơ thể và màng tạo ra không bị bào mòn bởi dịch tiết ra từ vết thương.

Hương cho hay, hiện để điều trị vết thương, trên thị trường chỉ có màng cơ học khá cứng so với yêu cầu và không bao phủ được vết thương hoàn toàn. Vì thế, nếu sản phẩm này được hoàn thiện hơn nữa để có thể ứng dụng trong thực tế sẽ đem lại ý nghĩa lớn. Tuy để được thực nghiệm trên người và nhất là đưa vào ứng dụng là chặng đường dài phía trước mà Hương đang theo đuổi.

Các tác giả đoạt giải thưởng Tài năng khoa học trẻ được tặng bằng khen, giấy chứng nhận của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với tiền thưởng.

Mức thưởng dành cho mỗi đề tài của giảng viên là 7 triệu đồng với giải nhất, 5 triệu đồng với giải nhì, 3 triệu đồng với giải 3 và 2 triệu đồng với giải khuyến khích. Mức thưởng cho đề tài của sinh viên là 5 triệu đồng với giải nhất, giải nhì 3 triệu đồng và giải ba 2 triệu đồng.

Hồng Hạnh