Hải Phòng:

Tranh cãi với đề Văn đến giáo viên cũng sai đáp án

(Dân trí) - Sở GD&ĐT Hải Phòng vừa công bố đáp án chính thức để thi môn Ngữ Văn kỳ thi vào lớp 10 THPT. Một cuộc tranh cãi “bất phân thắng bại” nổ ra khi 50% cho rằng đáp án đúng, 50% cho rằng sai. Nhiều độc giả bức xúc đòi kiện Sở GD&ĐT Hải Phòng vì đề thi ra kiểu đánh đố, khiến học sinh “chết oan”.

Giáo viên cũng sai đáp án

Đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 THPT của Sở GD&ĐT Hải Phòng năm nay gồm 2 phần. Trong đó, câu hỏi 6 của mục Đọc - Hiểu (phần 1) yêu cầu xác định câu đơn hay câu ghép đoạn văn bản “Người ốm rề rề như thế, nếu lại phải một trận đòn, nuôi mấy tháng cho hoàn hồn” (trích đoạn Tức nước vỡ bờ trong tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố).

Câu hỏi này đã khiến nhiều học sinh lúng túng không biết chọn là câu ghép hay câu đơn. Trên một trang mạng về tuyển sinh cũng đưa ra đáp án là câu đơn đã khiến một cuộc tranh luận nghiệp vụ gay gắt nổ ra giữa học sinh, phụ huynh và cả giáo viên. Trong đó, khoảng 50% ý kiến cho rằng đây là câu đơn, 50% ý kiến cho là câu ghép.

Một học sinh cho biết, em lựa chọn là câu ghép nhưng khi thấy ý kiến của một số người làm em rất hoang mang. Một giáo viên Ngữ Văn của Hà Nội, sau khi trao đổi với PV báo Dân trí cũng cho rằng, ranh giới trong Ngữ pháp Tiếng Việt rất mong manh.

Tuy nhiên, nhìn trên tổng thể câu trên, đây là câu đơn bởi lẽ chỉ có một yếu tố chủ ngữ- vị ngữ (CN là một ngữ danh từ "người ốm rề rề như thế"), vị ngữ là một cụm chủ vị ( nếu...thì). Tuy ranh giới xác định không thật rõ nét nhung nội hàm ý nghĩa là câu đơn, chỉ một chủ thể (“người ốm rề rề”) sẽ chịu hậu quả như thế nào (nếu...thì).

Đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 THPT 2016 của Hải Phòng
Đề thi môn Ngữ Văn vào lớp 10 THPT 2016 của Hải Phòng

Dọa kiện cả Sở GD&ĐT

Ngay sau khi kết thúc phần thi, ngày 17/6, Sở GD&ĐT Hải Phòng đã công bố đáp án và hướng dẫn chấm thi.

Theo hướng dẫn này, đây là một câu ghép. Cấu tạo ngữ pháp được phân tích theo 3 phương án với các vế chủ ngữ -vị ngữ (CN-VN); CN1-VN1, CN2-VN2…

Trong thư gửi đến đường dây nóng của Báo Dân trí vào ngày 18/6, một độc giả tỏ ra bức xúc: “Sở GD&ĐT Hải Phòng ra đề không sát chương trình, đánh đố học sinh, gây bức xúc cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên dạy văn.

Bản thân Sở GD&ĐT Hải Phòng cũng phải mời 4 giáo sư ngôn ngữ học ở Hà Nội giải đáp. Trong đó, 3 người chọn là câu ghép, một người chọn đáp án câu đơn”, phụ huynh trên cho biết.

Cùng với đó, theo ghi nhận của PV Dân trí, trên một diễn đàn liên quan đến tuyển sinh, nhiều người phản đối cách ra đề này. Thậm chí có phụ huynh còn đòi kiện cả Sở GD&ĐT Hải Phòng vì ra đề “đánh đố”, khiến học sinh “chết oan”.

Chuyên gia ngôn ngữ khẳng định đáp án đúng

Đánh giá về câu hỏi số 6 trong đề thi Ngữ Văn này, Thạc sỹ Phạm Hữu Cường - người có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy Văn học cho rằng, đề thi được thực hiện tương tự một đề thi THPT quốc gia.

Về phần đọc hiểu, theo chủ trương của Bộ GD&ĐT, người ra đề có thể lấy đoạn văn bản ngoài chương trình. Đây không phải văn bản ngoài chương trình mà là đoạn văn bản trong sách Ngữ Văn lớp 8. Khi tuyển sinh vào lớp 10, hoàn toàn có thể lấy toàn bộ kiến thức của cấp 2, đặc biệt là lớp 8 và lớp 9, không nhất thiết chỉ trong chương trình lớp 9.

Hướng dẫn chấm thi đưa ra đáp án câu 6 là câu ghép (ảnh Thanh tra)
Hướng dẫn chấm thi đưa ra đáp án câu 6 là câu ghép (ảnh Thanh tra)

Vì vậy, văn bản này không hoàn toàn nằm ngoài chương trình như phản ánh của phụ huynh. Đề thi này hoàn toàn bình thường, không vi phạm.

Về câu hỏi số 6, đây là câu ghép bị ẩn chủ ngữ thứ 2. Phần chủ ngữ 1 “Người ốm rề rề” (chữ Người ở đây đương nhiên phải là anh Dậu). “Nếu phải một trận đòn” là vế thứ hai - đóng vai trò một phần của câu. Từ chỗ “nuôi đến mấy tháng cho hoàn hồn”, ở đoạn này, chủ ngữ (đứng trước “nuôi”) đã bị ẩn.

Như vậy, xét về mặt ngữ pháp, theo thầy Cường, đây là câu ghép bởi trước chữ “nuôi” phải là chị Dậu hoặc người thân anh Dậu chứ anh Dậu không tự nuôi được.

Trao đổi với PV Dân trí về câu hỏi này, ngay lập tức PGS.TS Mai Xuân Huy, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học khẳng định ngay: Đây là câu ghép nhưng bị lược chủ ngữ 2.

PGS Huy phân tích, đây là câu điều kiện - kết quả (nếu... thì). Trong giao tiếp hàng ngày, để tránh rườm rà, nhiều khi người nói thường lược bớt thành phần. Chẳng hạn câu: “Hôm nay nếu không ăn thì đã bị ngất”. Nếu nói đúng ra phải là: “Hôm nay nếu tôi không ăn thì tôi đã bị ngất”. Mặc dù lược bớt chủ ngữ nhưng khi nói ra, người nghe vẫn hiểu.

Tương tự ở câu 6 của đề thi trên, bản chất đây là câu ghép (có 1 chủ thể nhưng hai chủ ngữ, trong đó chủ ngữ 2 bị lược bớt). Vì thế, ông Huy khẳng định, đáp án câu ghép là hoàn toàn đúng.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)